Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nợ xấu - Lực cản chính trong cổ phần hóa DNNN
15 | 12 | 2007
Theo kế hoạch từ nay đến 2010 và 2015 Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa phần lớn DNNN. Trong toàn quốc chỉ giữ lại khoảng 400 DNNN hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực khác cần phải giữ lại. Song lực cản lớn nhất hiện nay, cũng như thời gian tới là xác định và giải quyết công nợ vốn vay ngân hàng của các DNNN.

28 DNNN cổ phần hóa năm 2007: Một kết quả quá thấp

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là sự quan tâm lớn của dư luận. Đặc biệt là các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, như: IMF, WB, ADB và tổ chức phát triển của Liên hợp quốc UNDP… luôn khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh việc sắp xếp lại các DNNN. Một trong số các giải pháp quan trọng sắp xếp lại các DNNN đó là tiến hành cổ phần hóa.

Nếu như trong nhiều năm trước đây, giải pháp đó tiến hành chậm thì tốc độ cổ phần hóa DNNN trong 2 năm: 2005-2006 được đẩy nhanh hơn gắn liền với phát hành cổ phiếu lần đầu - IPO của các DNNN trên thị trường chứng khoán được tiến hành thuận lợi. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa trong năm 2007 lại rơi vào tình trạng quá chậm.

Trong suốt cả năm 2007, toàn quốc chỉ sắp xếp, cổ phần hoá được 116 DNNN, đạt 21% so với kế hoạch cả năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, riêng cổ phần hoá được 82 DNNN, đạt 21% kế hoạch, một kết quả quá thấp.

Tính chung ước tính đến hết tháng 12/2007, trong cả nước đã, sắp xếp, cổ phần hóa được trên 3.800 DNNN, chiếm trên 70% doanh nghiệp cần được sắp xếp lại và chiếm 25% vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy số vốn Nhà nước đã cổ phần hoá còn quá khiêm tốn nhưng số lượng doanh nghiệp được cổ phần hoá nói trên đã tạo một khối lượng hàng hoá rất lớn cho thị trường chứng khoán giao dịch chính thức. Cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cũng như cung cấp một khối lượng rất lớn cổ phiếu giao dịch trên thị trường phi tập trung, tức thị trường OTC.

Theo kế hoạch tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg, ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hoá các Tổng công ty (TCT) Nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn, thì năm 2007 sẽ cổ phần hoá 20 đơn vị. Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2007, mới chỉ cổ phần hoá được 3 đơn vị, đó là: TCT Điện tử và Tin học, TCT Xuất nhập khẩu và Xây dựng - Vinaconex, TCT Thương mại và Xây dựng.

TCT Bảo hiểm Việt Nam - Bảo Việt. Các TCT này đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu, đã tổ chức đại hội cổ đông, nhưng đến nay đã là giữa tháng 12/2007 vẫn chưa chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long, TCT Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội, TCT Rượu bia và Nước giải khát Sài Gòn… đã và đang hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng chưa phát hành cổ phiếu lần đầu được…

Trong số các doanh nghiệp đó duy chỉ có Vietcombank là sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu - IPO ra công chúng vào ngày 25/12/2007 với tỷ lệ bán đấu giá 6,5% vốn điều lệ. Còn lại các doanh nghiệp khác thì chưa biết cụ thể khi nào mới tiến hành cổ phần hóa được!

Lực cản CPH: Nợ xấu quá lớn

Theo kế hoạch từ nay đến 2010 và 2015 Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hoá phần lớn DNNN. Trong toàn quốc chỉ giữ lại khoảng 400 DNNN hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực khác cần phải giữ lại.

Song lực cản lớn nhất hiện nay, cũng như thời gian tới là xác định và giải quyết công nợ vốn vay ngân hàng của các DNNN.

Cho đến nay không có báo cáo chính thức, cũng như không có số liệu chính xác dư nợ vốn vay của các DNNN tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, bản thân chính từng ngân hàng có được số liệu khá đầy đủ về công nợ vốn vay của từng DNNN. Số liệu đó không được công bố và không phải ai cũng nắm bắt được. Song, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp, nhất là công nợ vốn vay thì chính các ngân hàng thương mại nắm chắc hơn cả bởi vì nghiệp vụ trong hoạt động tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đều có sự chỉ đạo trong toàn hệ thống chi nhánh toàn quốc, có chiến lược lựa chọn khách hàng để cho vay vốn. Thông qua chiến lược đó có thể phân chia các DNNN hiện nay về thực trạng nợ quá hạn với các ngân hàng thương mại theo các nhóm chủ yếu sau đây:

Một là, các TCT xây dựng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đây là nhóm doanh nghiệp có số nợ quá hạn lớn nhất, kéo dài nhất và nan giải đối với các ngân hàng thương mại. Số nợ vốn vay này tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại Nhà nước, như: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… Số nợ của các TCT này ước tính hiện nay lên tới trên 12.300 tỷ đồng, chủ yếu là nợ xấu, đã được các ngân hàng thương mại xử lý dự phòng rủi ro đưa ra theo dõi ngoại bảng.

Hai là, một số TCT xây dựng cũng có số nợ xấu khá lớn, thuộc một số bộ, ngành và địa phương khác nhau. Số nợ xấu của khối doanh nghiệp này ước tính cũng lên tới trên 2.000 tỷ đồng.

Ba là, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, công trình giao thông, xây dựng, chế biến nông sản, may mặc, cung ứng vật tư nông nghiệp, in ấn và bao bì, mía đường,… thuộc địa phương. Tức là các công ty trong lĩnh vực này thuộc sự quản lý nhà nước của các tỉnh, thành phố. Số nợ xấu của khối doanh nghiệp này ước tính cũng lên tới 2.500–3.000 tỷ đồng.

Ngân hàng và doanh nghiệp: Trò chơi trốn tìm?

Việc thu nợ quá hạn tại các DNNN của các ngân hàng thương mại hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng khê đọng. Nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại thành lập riêng một tổ chuyên đi thu nợ DNNN. Có chi nhánh Ngân hàng Công thương trên địa bàn Hà Nội rất hạn chế cho vay mới mà công việc chính của phòng kinh doanh là lo việc đi đôn đốc nợ, đi đòi nợ và giải quyết nợ DNNN. Một số chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng bị hạn chế không cho tăng dư nợ mới mà buộc phải tập trung thu nợ một số DNNN.

Bên cạnh đó thì nhiều DNNN trong lĩnh vực độc quyền, hay có nhiều lợi thế về mặt bằng, về nền tảng từ trước như: cảng biển, điện lực, nước sạch, bưu chính viễn thông, dịch vụ, đóng tàu, khai thác và chế biến than, xi măng, sắt thép, bia và nước giải khát, đầu tư xây dựng nhà ở, dầu khí, dịch vụ vận tải đường sắt và hàng không,… làm ăn có hiệu quả, vẫn là đối tượng cạnh tranh đầu tư vốn, cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không có nợ quá hạn các ngân hàng thương mại và đang có số nợ tốt, hay nợ lành mạnh tại các ngân hàng thương mại. Tổng số nợ vốn vay ngân hàng của các DNNN trong các lĩnh vực đó lên tới 80.000–95.000 tỷ đồng.

Trong thực tế hiện nay trong khối DNNN đang phân chia thành 2 dạng rất rõ ràng:

- Các DNNN hoạt động kém hiệu quả, nợ xấu ngân hàng lớn và kéo dài, không được các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay, nên càng thiếu vốn và càng làm ăn không có hiệu quả. Tuy nhiên, không cổ phần hoá được hay chậm cổ phần hoá vì khó xử lý công nợ. Lãnh đạo và trưởng phòng kế toán tài chính của nhiều doanh nghiệp được ví như “lẩn trốn ngân hàng như trạch” vì bị đôn đốc nợ.

Hoặc doanh nghiệp chạy gõ cửa hết ngân hàng này đến ngân hàng khác để xin vay vốn từng dự án cụ thể có hiệu quả, từng dự án mới có tính khả thi cao, nhưng do nợ xấu, nợ cũ, thế hệ lãnh đạo trước của doanh nghiệp để lại nên các ngân hàng đều tư chối. Một TCT xuất nhập khẩu và chế biến thuỷ sản ở Hải Phòng nằm trong tình trạng nói trên.

- Các DNNN hoạt động kinh doanh có hiệu quả, là đối tượng cạnh tranh mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc xác định giá trị doanh nghiệp có nhiều khó khăn, cộng với các nhân tố chủ quan khác nên cũng làm chậm tốc độ cổ phần hoá. Đối với các doanh nghiệp loại này cũng bị săn đón nhưng lãnh đạo và trưởng phòng kế toán – tài chính cũng "lẩn trốn” vì bị ngân hàng “săn” mời chào mở tài khoản tiền gửi, mời chào cho vay vốn với chính sách ưu đãi. Nhiều khoản cho vay lớn, khoản cho vay của một số doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả bền vững được nhiều ngân hàng thương mại cùng cho vay hợp vốn, cho vay đồng tài trợ.

Thực tế là có tình trạng nghịch cảnh như trên trong quan hệ tín dụng giữa NHNN và ngân hàng thương mại. Giải quyết nợ xấu của các DNNN đối với các ngân hàng thương mại vẫn là bài toán khó. Song giải pháp kiên quyết giải thể, cổ phần hoá, bán lại, cho thuê… các DNNN vẫn là cách làm khả thi hơn cả.



www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường