NHNN vừa mới quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 14% đồng thời điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ mức 16.139 VND/USD lên mức 16.461 VND/USD áp dụng cho ngày 11/6/2008. Anh có nhận định gì về hai động thái này?
Tôi nghĩ việc tăng lãi suất cần được nhìn trong bối cảnh chung hiện nay trên các thị trường khác, đặc biệt là thị trường ngoại hối. Điều cần lưu ý là đồng thời với quyết định tăng lãi suất cơ bản, NHNN cũng tuyên bố giảm giá đồng tiền Việt 2% (từ 16.139 về 16.461 VND/USD).
Như thế, theo quan điểm của tôi, hành động tăng lãi suất cơ bản dường như nhằm hướng tới ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam nhiều hơn là kiểm soát vấn đề thu phí tràn lan hiện nay. Tất nhiên một hành động chính sách có thể hướng tới nhiều mục đích cùng một lúc.
Nếu nâng lãi suất cơ bản thêm 2% (và do đó là nâng trần cho vay thêm 3%), về cơ bản phí phụ thu sẽ phải tự động giảm, dù chưa cần có quyết định cấm tuyệt đối các khoản phí này. Vì lãi suất thực là lãi suất danh nghĩa cộng với phí suất phụ thu, và nó phụ thuộc vào cung cầu vốn trên thị trường. Do đó, chưa chắc việc tăng lãi suất danh nghĩa đã làm tăng lãi suất thực lên một lượng đúng như vậy.
Điều quan trọng hơn dường như nằm ở chỗ NHNN muốn tăng khoảng cách lãi suất tiền gửi giữa đồng Việt Nam và đồng USD nhằm giảm tác động đô-la hoá và tránh những diễn biến xấu đối với đồng tiền Việt.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ việc tăng lãi suất như thế có hút được tiền VND vào ngân hàng, và khuyến khích người dân chuyển từ USD, vàng và các tài sản khác về tiền Việt Nam (và gửi vào ngân hàng) hay không, là một vấn đề cần được quan sát chặt chẽ.
Theo nguồn tin cá nhân của tôi, trong thời gian trước, khi lãi suất tăng từ 10% lên 12% hoặc hơn, lượng tiền vào ngân hàng tăng mạnh. Nhưng với những diễn biến gần đây, khi lãi suất tăng lên nữa, lượng tiền không còn tăng mạnh. Có nhiều giả thuyết để lý giải hiện tượng này, tuy nhiên, chúng ta cần thêm thời gian để đi đến những kết luận chính xác.
Lãi suất cho vay sẽ tăng lên mức tối đa 21%/năm, nhiều người cho rằng với mức lãi suất này tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp không thể tăng theo kịp. Liệu các doanh nghiệp đang phải chịu đựng lãi suất cho vay quá cao?
Nếu các doanh nghiệp có thể tăng giá theo cùng mức lạm phát, thì về nguyên tắc đây không phải là một vấn đề lớn. Vì lạm phát kỳ vọng của năm nay là hơn 20%, do đó, với lãi suất danh nghĩa khoảng 21% thì lãi suất thực không phải là cao.
Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có khả năng tăng giá rất khác nhau, nên sẽ phân ra thành hai tuyến. Các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường thường điều chỉnh được giá lướt trên bề mặt của lạm phát, và do đó sẽ tồn tại được.
Nhưng các doanh nghiệp có ít sức mạnh thị trường, và đó thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường không làm được điều này, và họ sẽ rất khó khăn trong vòng 6 tháng – 1 năm tới.
Hơn nữa, lạm phát cao như hiện nay làm môi trường kinh doanh bất ổn hơn trước đây nhiều, nó khiến việc dự báo để ra các kế hoạch kinh doanh khó khăn hơn trước.
Dù thế nào, trong khoảng sáu tháng đến một năm tới, nợ xấu trong khu vực ngân hàng sẽ có khuynh hướng tăng. Do đó, đi liền với các chính sách này, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo rà soát chặt chẽ các khoản tín dụng. Đó là những việc làm đồng bộ và cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng các thông báo tăng lãi suất của NHNN khá đột ngột khiến các doanh nghiệp không dự báo được chính sách lãi suất liên tục biến động. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?
Trong tình hình khó khăn hiện nay, sẽ xuất hiện nhiều chính sách mới. Nói là đột ngột chưa chắc đã đúng, vì nếu doanh nghiệp hiểu rõ tình hình vĩ mô, họ sẽ biết sớm hay muộn Nhà nước sẽ phải áp dụng một số chính sách.
Do đó, tầm nhìn và tri thức của lãnh đạo doanh nghiệp trong thời điểm này là rất quan trọng. Phải qua sóng gió mới biết ai lái thuyền giỏi. Tôi tin là đối với các doanh nhân có tầm nhìn, những động thái chính sách vừa rồi là có thể nhìn thấy trước.