Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chiến lược đầu tư nào cho phù hợp?
07 | 09 | 2007
Đầu tư không theo một chiến lược nào giống như việc tham gia một cuộc chiến mà không có "binh pháp" dẫn đường.


Thực tế, TTCK thế giới đã phát triển hơn 100 năm nay và các nhà lý thuyết đầu tư, các NĐT thực tế đã đúc kết những trải nghiệm của mình thành những chiến lược đầu tư rất nổi tiếng.

Đặc điểm chung của các phương pháp đầu tư

Tâm lý: Giữ tinh thần vững vàng, quyết định đầu tư không bị chi phối bởi tình cảm, không bị chi phối, ảnh hưởng bởi tâm lý của đám đông hay nói cách khác, phải có cái đầu lạnh với những diễn biến của thị trường.

Lựa chọn CP: Các tiêu chí về một DN tốt luôn được đưa ra như khả năng tăng trưởng mạnh, ngành nghề hoạt động có nhiều tiềm năng phát triển, tình hình tài chính lành mạnh, chiến lược hoạt động tốt, ban lãnh đạo có tài, sử dụng công nghệ tiên tiến....

Cách thức đầu tư: Các nhà chiến thuật không có sự thống nhất về cách thức đầu tư (mua - bán) mà chia thành hai nhóm rõ rệt: 1). Năng động trong mua bán để tận dụng lãi biên dù nhỏ nhất mà cơ hội thị trường tạo ra 2). Lựa chọn CP tốt mua và đón chờ giá trị tương lai rất lớn mà DN có thể tạo ra.

Chỉ báo của thị trường, của CP: Đây cũng là một trong các chỉ tiêu hình thành chiến lược đầu tư. Đối với các NĐT dài hạn thường nhìn về các chỉ tiêu của DN như EPS, ROE, ROA và các chỉ số như PE, PEG, P/BV...; trong khi đó, các NĐT ngắn hạn, những người luôn tìm cách "lướt sóng" thì sự chuyển động của giá CP, số lượng giao dịch mới là điều cần quan tâm.

Quản lý rủi ro: Cũng chia thành hai trường phái chính là "ngại rủi ro" và "chống chọi với rủi ro". Trường phái "ngại rủi ro" thiên về xu hướng đa dạng hoá danh mục đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, nhằm đảm bảo lợi nhuận mục tiêu trên cơ sở mức rủi ro chấp nhận được. Trường phái "chống chọi với rủi ro" chủ trương thị trường như chiến trường, sẵn sàng "ra trận" và thu về những chiến lợi phẩm tốt nhất.

Cơ hội vẫn chia đều

Thị trường đang xuất hiện rất nhiều các điều kiện mà NĐT - dù không thiên về một trường phái đầu tư nào - đều có thể áp dụng.

Thứ nhất: Đối với những người chuyên đầu cơ, lướt sóng thì rõ ràng vẫn có những đợt sóng "đẹp" và "đủ cao" để lướt như trường hợp của KDC liên tục dao động trong phạm vi giá từ 220 -250 ngàn đồng/CP; hay như trường hợp HAP, UNI và nhiều trường hợp khác (BBT, LAF, IMP, DHG...) với những bước sóng lên tới nhiều lần 5% thì việc "tiên đoán" và chộp lấy cơ hội đầu tư có thể đem lại lợi nhuận khá cao trong điều kiện thị trường chưa có chuyển biến mạnh.

Thứ hai: Đối với những NĐT nhỏ lẻ thì vẫn còn rất nhiều cơ hội với các CP có đặc điểm chung: 1) DN hoạt động tốt và đang đà tăng trưởng 2) Các chỉ số tài chính đều rất đẹp như ROE>=20%; Div >=10%; EPS từ 40-70% mệnh giá; g>=25%/năm; PE<=20... Lựa chọn đúng các cơ hội đầu tư sẽ đem lại cho NĐT nhỏ những khoản lãi lớn trong tương lai.

Thứ ba: Đối với những NĐT chuyên nghiệp, rõ ràng giai đoạn này là một giai đoạn tốt để giải ngân do: 1) Hàng hóa tốt và rẻ tương đối được bán với khối lượng lớn do nhiều lý do khác nhau như: Trả nợ; giảm lỗ (cut loss); ghi nhận lợi nhuận thực; cơ cấu lại danh mục đầu tư... 2) Nguồn vốn tập trung sau một thời gian huy động từ cổ đông, người uỷ thác và các nguồn vốn huy động khác. 3) TTCK sẽ "đến hẹn lại lên" khi các DN đã đi hết 1/2 quãng đường của năm 2007 với kết quả kinh doanh khả quan. 4) Lợi thế của người đi trước hay "trâu chậm uống nước đục" (First come first serve)...

Do vậy, có thể khẳng định cơ hội vẫn còn rất tiềm năng và việc lựa chọn đúng chiến lược đầu tư phù hợp với hoàn cảnh thị trường hiện nay sẽ đem lại cho các NĐT những khoản lợi nhuận lớn trong thời gian tới, khi mà dòng vốn đầu tư vào được khơi thông đối với NĐTTN cũng như nước ngoài.



Theo báo Lao động
Báo cáo phân tích thị trường