Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp sau cổ phần hoá: Nhiều “gánh nặng”
06 | 06 | 2008
Thời còn là doanh nghiệp Nhà nước, muốn vay vốn không khó, quỹ đất được cấp “xông xênh” đến khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, nhiều doanh nghiệp lại vấp phải sự đối xử không ít “bất công” từ chính các cơ quan công quyền.
Thực tế này đã được chính Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - ông Hoàng Nguyên Học chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo Tái cấu trúc DN sau cổ phần hóa (CPH) và vai trò của các tổ chức tài chính do Quỹ Mekong Capital phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức sáng ngày 5/6 tại Hà Nội.

"Gồng mình" với nợ khó đòi từ trước cổ phần hoá

+ Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hoá đang gặp phải những khó khăn lớn trong quản trị cũng như giải quyết tồn tại vê tài chính có từ trước khi cổ phần. Vậy là cơ quan quản lý vốn nhà nước, SCIC đánh giá thế nào về điều này, thưa ông?

- Có thể thấy là các vấn đề tồn tại trước cổ phần hoá (CPH) của doanh nghiệp (DN) Nhà nước không được giải quyết dứt điểm nên khi chuyển sang công ty cổ phần lại phải gánh chịu những khoản nợ không có khả năng thu hồi, cùng các tồn tại về tài chính khác. Chưa kể việc xử lý quyền và lợi ích của các cổ đông trong công ty cổ phần chưa được giải quyết tốt nên xảy ra hiện tượng một nhóm cổ đông lớn thâu tóm, quyết định mọi việc của công ty. Chưa kể, DN khi còn thuộc Nhà nước được hưởng ưu đãi nhất định trong việc cho thuê đất, cấp quỹ đất, vay vốn nhưng khi chuyển sang công ty cồ phần có khi quỹ đất bị thu hồi, vay vốn khá khó khăn.

+ Trong muôn vàn những khó khăn này, đâu là gánh nặng lớn nhất của các DN sau CPH, thưa ông ?

- Khó khăn lớn nhất của DN sau CPH là vấn đề quản trị kinh doanh. Vì DN sau cổ phần hóa ngoài thuận lợi vẫn còn những tồn tại, khó khăn chưa thể giải quyết dứt điểm, kể cả vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp. Trong các đơn vị SCIC được chuyển giao quản lý chỉ có 20-30 DN quản trị tốt, còn lại đa số là chưa tốt.

Những DN này cần tiếp cận phương thức quản trị tiên tiến. Việc đầu tiên là phải có chiến lược cơ cấu lại cổ đông, vốn điều lệ… để các nhà đầu tư có năng lực về vốn, quản trị cùng tham gia giúp DN kinh doanh có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó còn có vấn đề quản lý vốn của nhà nước ở các công ty sau CPH. Để việc quản lý có hiệu quả, SCIC phải thực sự là một cổ đông được thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông đúng theo Luật Doanh nghiệp và theo quy định điều lệ của các công ty này. Khi DN làm ăn có hiệu quả thì vốn nhà nước ở các DN này cũng sẽ tăng trưởng.

Vốn Nhà nước đang đầu tư quá dàn trải

+ Có nghĩa SCIC đang gặp không ít trở ngại khi quản lý vốn ở các DN đã CPH, thưa ông?

- Trở ngại lớn nhất của SCIC hiện nay là phần vốn nhà nước đang đầu tư dàn trải quá. Trước mắt cũng như lâu dài, theo tôi cần bán bớt hoặc bán hết phần vốn nhà nước đầu tư ở các công ty mà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà nước không cần nắm giữ cổ phần ở đây. Số tiền thu được dùng để đầu tư vào các dự án có hiệu quả hơn.

+ Vậy theo ông, có cần thêm cơ chế riêng cho SCIC trong việc quản lý các DN Nhà nước đã cổ phần xong?

- Về cơ chế, chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng nhưng vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. Chúng tôi chủ yếu kiến nghị làm thế nào để thoái vốn một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất thông qua việc mở rộng các hình thức bán vốn. Có nghĩa ngoài hình thức bán cổ phần nhà nước qua đấu giá như hiện nay, cần mở thêm một số hình thức như: bán thỏa thuận, căn cứu vào giá niêm yết trên thị trường chứng khoán để đàm phán bán vốn cho các nhà đầu tư khác.

+ Việc CPH các DN bị kéo chậm lại như hiện nay có tác động thế nào đến hoạt động của SCIC?

- Về vai trò, SCIC là một công cụ hỗ trợ của Chính phủ trong cải cách và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Việc bán bớt vốn nhà nước ở các công ty cổ phần cũng là quá trình tiếp theo của cổ phần hóa. Việc bán bớt vốn sẽ giúp tập trung nguồn lực cho các dự án lớn, dự án tốt nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn.

Dưới góc độ công ty cổ phần, khi danh mục đầu tư càng lớn trong khi có càng nhiều công ty kinh doanh không tốt thì rủi ro càng lớn. Chính vì thế cần tăng cường bán bớt vốn ở những đơn vị nhỏ hoạt động không hiệu quả và về lâu dài nhà nước không cần nắm giữ vốn ở đó. Có nhiều công ty có tỉ suất lợi nhuận rất cao nhưng chúng tôi vẫn bán.

+ Xin cảm ơn ông!



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường