Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp cần biết: Cơ chế cho sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột
03 | 10 | 2008
Sàn giao dịch chuyên ngành cà phê đầu tiên của Việt Nam dự kiến chính thức mở cửa vào ngày 12/12/2008 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, kiêm Giám đốc Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) cho biết về phương thức hoạt động của mô hình này như sau:
Cơ chế hoạt động của sàn giao dịch cà phê:

BCEC thực hiện việc giao dịch mua, bán các loại cà phê được sản xuất tại Việt Nam theo phương thức đấu giá tập trung và công khai, dành cho các nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh xuất khẩu. Giao dịch gồm mua bán giao ngay và mua bán giao sau, hoạt động theo nguyên tắc thành viên.

Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vừa là thị trường sơ cấp, vừa là thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp là những giao dịch mua bán lần đầu, sản phẩm của người sản xuất lần đầu tiên được đưa vào sàn giao dịch, hình thành hợp đồng nguyên thủy. Còn thị trường thứ cấp dành riêng cho giao dịch kỳ hạn, theo đó bên mua bán lại hợp đồng cho người khác.

Các hoạt động giao dịch được quản lý, điều hành bằng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, các phần mềm vận hành và được điều chỉnh bởi hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ cụ thể.

Những lợi ích của người trồng cà phê khi tham gia sàn giao dịch:

Với sự công khai, minh bạch về giá trên sàn giao dịch, người sản xuất nắm được diễn biến và xu hướng của thị trường, nên chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định và tránh được tình trạng bị ép giá.

Hơn nữa, sàn giao dịch còn giúp cho người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm tránh được các dịch vụ tín dụng lãi suất cao, vì người dân có thể thế chấp vay vốn đầu tư tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong hệ thống của BCEC. Bên cạnh đó, người dân còn được tạo điều kiện thuận lợi nhất về ký gửi hàng, chế biến và các dịch vụ giao nhận hàng, các thủ tục liên quan.

Những quy định về khối lượng cà phê tối thiểu khi tham gia sàn giao dịch:

Dự kiến khối lượng giao dịch tối thiểu là 5 tấn. Đối với trường hợp người dân có ít cà phê thì họ cần thành lập nhóm để gom đủ hàng. Quy chế cho phép việc đăng ký mua, bán đối với từng đơn vị độc lập hoặc nhóm đơn vị.

Qui định về chất lượng sản phẩm cà phê khi đưa lên sàn giao dịch:

Trước khi đưa lên sàn, cà phê phải được chuẩn hóa, do Cafecontrol kiểm nghiệm chất lượng và chỉ khi đảm bảo chất lượng, cà phê mới đưa vào giao dịch.

Trung tâm sẽ thực hiện giao dịch hai loại cà phê: cà phê có phân loại và cà phê không phân loại phẩm cấp. Trước mắt, chỉ tiến hành giao dịch cà phê vối (robusta), tiêu chuẩn, phẩm cấp theo các tiêu chuẩn hiện được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cà phê nội địa và xuất khẩu áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN 4193-2005.

Những phương án của BCEC để tránh các trường hợp làm giá, thao túng thị trường:
Theo quy định, các thành viên đều phải đóng tiền ký quỹ khi tham gia giao dịch, với mức ký quỹ giao dịch là 10% giá trị khối lượng hàng hóa. Khoản này nhằm tránh rủi ro khi đơn vị tham gia đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Để ngăn chặn các trường hợp thao túng thị trường hay thoả thuận để làm giá, BCEC quy định mức chặn trên, chặn dưới về giá trong một phiên giao dịch. Tuỳ tình hình, thời điểm cụ thể để đưa ra mức chặn phù hợp, với mức biến động không quá 10% giá đang giao dịch.

Đồng thời, hạn mức giao dịch của một thành viên không vượt quá 10% tổng hạn mức của toàn thị trường. Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ lũng đoạn thị trường, tổng mức giao dịch cà phê của toàn bộ hợp đồng trong thời hạn giao dịch không được phép vượt quá 50% tổng sản lượng cà phê cả nước (sản lượng của năm trước).



Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường