Bên lề chuyến thăm chính thức Bỉ, EC và Hà Lan của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã dành cho Phóng viên Báo Công Thương buổi phỏng vấn về nội dung trên.
Xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động của Thứ trưởng khi tham gia Đoàn Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thăm châu Âu lần này?
- Tôi tham gia các chương trình chính thức của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại EC và Hà Lan trong các cuộc gặp Cao ủy Đối ngoại và Cao ủy Thương mại EC, tham dự và đồng chủ trì Diễn đàn Việt Nam - Hà Lan nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan, gặp các Bộ trưởng phụ trách Ngoại giao, Kinh tế của Hà Lan, Giám đốc Tổ chức vũ khí hóa học…
Bên cạnh đó, tôi đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại EC tổ chức Họp báo tại EU để cung cấp thông tin cho cộng đồng châu Âu và bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vấn đề thuế chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào EU; đồng thời trao đổi với Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thương mại EC về các vấn đề thương mại song phương giữa Việt Nam và EC.
Cuộc họp báo thu hút được nhiều phóng viên của các hãng truyền thông lớn như Reuter, AFP, Europeanvoice, Finance Time, Wallstreet Journal, Thông tấn xã Việt Nam…
Thứ trưởng có thể cho biết diễn biến mới nhất liên quan đến thuế chống bán phá giá của EU đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam?
- Theo quy định của EU, ngày 7/7/2008 là hạn để các nhà sản xuất giày dép châu Âu nộp hồ sơ đề nghị rà soát thuế chống bán phá giá giày mũ da. Theo thông tin của chúng tôi nhận được đã có đơn yêu cầu rà soát nhưng chưa biết được mức độ hợp lệ của hồ sơ.
Ngày 17/9/2008 vừa qua (tức là 2 ngày sau khi Việt Nam tổ chức Họp báo tại EU), Ủy ban tư vấn về chống phá giá của EU đã họp và cho ý kiến về rà soát thuế chống bán phá giá giày mũ da nói trên. Kết quả bỏ phiếu là 15/27 nước thành viên EU phản đối việc rà soát cuối kỳ. Tới đây, các Cao ủy của Ủy ban châu Âu sẽ họp và cho ý kiến về việc có tiếp tục việc rà soát cuối kỳ hay không.
Quan điểm của Việt Nam về việc EC đang xem xét yêu cầu rà soát và gia hạn thuế chống bán phá giá giày mũ da đối với Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
- Tôi xin khẳng định rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá và không theo đuổi chính sách này.
Việc một số doanh nghiệp sản xuất giày ở EU yêu cầu rà soát thuế chống bán phá giá không phản ánh hết quan điểm của các doanh nghiệp giày dép châu Âu, đi ngược lại xu thế tự do hóa thương mại mà EU đang theo đuổi, bỏ qua lợi ích của cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp liên quan.
Giai đoạn 2009 - 2011 là giai đoạn chuẩn bị cần thiết để Việt Nam có thể tham gia một cách tích cực và thực hiện đầy đủ cam kết gia nhập WTO, Hiệp định Thương mại tự do mà ASEAN và EU đang tiến hành đàm phán.
Việc Việt Nam vừa không được hưởng GSP giai đoạn 2009 - 2011 lại vừa bị rà soát chống bán phá giá trong vòng một năm rưỡi với mức thuế chống bán phá giá 10% sẽ làm cho ngành da giày Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng, việc làm và thu nhập của lao động trong ngành và gia đình của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi đã đề nghị EU không tiến hành rà soát và để cho thuế chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào EU tự động hết hạn vào ngày 6/10/2008.
Được biết rất nhiều tổ chức của EU phản đối rà soát thuế chống bán phá giá giày mũ da. Thứ trưởng cho biết cụ thể thông tin về vấn đề này?
- Vừa qua, có 8 tổ chức của EU là Tổ chức người tiêu dùng, Tổ chức Thương mại, Hiệp hội các nhà bán lẻ hàng thời trang ,Hiệp hội các nhà sản xuất đồ thể thao, Hiệp hội Ngoại thương Liên minh các hãng giầy nổi tiếng châu Âu (EBFC) và Nhóm các nhà sản xuất giày đi ngoài nhà (EOG), Liên đoàn Công nghiệp Giày Đức (HDS) đã ra thông cáo báo chí phản đối đề xuất rà soát thuế chống bán phá giá, trong đó nhấn mạnh EU không nên tiếp tục chính sách chống bán phá giá đối với Trung Quốc và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao và kinh tế suy thoái như hiện nay; chính sách bảo hộ này chỉ bảo vệ một vài doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh kém.
Điều này cho thấy, dư luận chung tại Liên minh châu Âu đồng tình và ủng hộ việc chấm dứt thuế chống bán phá giá và cho đây là biện pháp không thích hợp.
Thứ trưởng có thông điệp gì gửi đến quan chức và nhà sản xuất giày dép châu Âu?
- Việt Nam vẫn đang là nước đang phát triển ở trình độ thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ, đang đối mặt với thâm hút thương mại rất lớn nên không thể đe dọa hoặc có khả năng đe dọa lợi ích của các doanh nghiệp EU.
Chủ trương của EU luôn kêu gọi thúc đẩy tự do hóa thương mại, tôi mong rằng các nhà sản xuất giày dép châu Âu nhận thức rõ về sự phân công lao động quốc tế, việc các ngành sản xuất cần nhiều lao động như giày dép đã và đang chuyển từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển là một thực tế không thể đảo ngược.
Các doanh nghiệp EU với lợi thế về vốn, công nghệ, thiết kế, tiếp thị; trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về lao động, kỹ năng sản xuất. Hai bên có thể hợp tác thay vì cạnh tranh đối đầu. Thông qua hợp tác, chúng ta sẽ đạt được giải pháp các bên cùng có lợi qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó có người tiêu dùng trong EU.
Tôi hoan nghênh các doanh nghiệp trong ngành giày dép châu Âu tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp giày dép Việt Nam.
Xin cám ơn Thứ trưởng!