Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Muốn xuất khẩu gạo phải có giấy phép
02 | 11 | 2009
Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nước ta hiện có khoảng gần 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo.

Thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo nếu đáp ứng đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận kinh doanh từ Bộ Công Thương.

Đây là một nội dung trong dự thảo mới về kinh doanh xuất khẩu lúa gạo của Bộ Công Thương. Theo đó, thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng chứa lúa gạo với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn; có cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn lúa mỗi giờ...

Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nước ta hiện có khoảng gần 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Trong đó, số doanh nghiệp có kho tàng, cơ sở xay xát, phương tiện đóng gói, vận chuyển chiếm chưa tới 25%, còn lại chủ yếu là làm thương mại, mùa vụ.

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Công ty Xuất khập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang, cho rằng: “Việc đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn hợp lý”. Dự thảo mới này sẽ loại được doanh nghiệp làm ăn chụp giật, gây ra nạn cạnh tranh không lành mạnh, sẵn sàng bán phá giá hòng xuất được số lượng nhiều, nhưng khi mua lúa gạo của nông dân thì ép xuống tận đáy.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cũng đồng ý với quy định doanh nghiệp phải có kho tàng, có cơ sở xay xát mới được xuất khẩu gạo. Ông Dương nói: “Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp 'tay không bắt giặc', thấy có ăn thì nhảy vào làm, ký được hợp đồng giá cao họ quay qua mua vét lúa gạo trên thị trường, gây biến động giá giả tạo. Khi giá giảm thì họ ngó lơ, không tham gia xuất khẩu nữa, để mặc nông dân xoay xở đầu ra”.

Ngoài quy định có kho, cơ sở xay xát, dự thảo cũng đề cập đến điều kiện bắt buộc phải có 50% lượng gạo tồn kho mới được đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Một số doanh nghiệp cho rằng, tiêu chí này sẽ loại bỏ nhiều trường hợp doanh nghiệp bội tín hợp đồng với khách hàng, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ngành gạo Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại lo ngại nếu không giám sát kỹ sẽ xảy ra trường hợp ký hợp đồng và xác nhận tồn kho ảo để được đăng ký xuất khẩu.

Trong dự thảo, có một điều khoản mà nhiều doanh nghiệp không đồng tình, đó là vai trò của VFA. Dự thảo quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại VFA và chỉ được xuất khẩu gạo sau khi hợp đồng đó đã được đăng ký theo quy định.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp tỏ ra không đồng tình. Bởi theo ông này, khi trao quyền cho VFA thì ai đảm bảo sẽ không xảy ra tình trạng cửa quyền, làm khó đối với những doanh nghiệp nằm ngoài hiệp hội? Do đó, cách điều hành minh bạch nhất cần áp dụng trong dự thảo, theo vị giám đốc trên, là nên giao quyền tiếp nhận đăng ký hợp đồng qua bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang thì cho rằng, dự thảo vẫn có thể quy định VFA nắm quyền tiếp nhận đăng ký hợp đồng, nhưng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động cấp phép của tổ chức này. Để giám sát hiệu quả, ông Khang đề nghị trong thành phần tổ điều hành xuất khẩu gạo Chính phủ cần mở rộng thêm các tỉnh có gạo xuất tham gia, ít nhất mỗi địa phương phải có một phó chủ tịch tỉnh phụ trách kinh tế trong tổ này. “Tổ điều hành sẽ cử người tham gia vào VFA, giám sát hoạt động cấp phép các hợp đồng xuất khẩu”, ông Khang nói.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị, công tác điều hành xuất khẩu gạo phải thật minh bạch về sản lượng, giá xuất, chỉ tiêu phân bổ, nhất là đối với hợp đồng tập trung. “Cơ chế giám sát doanh nghiệp thu mua gạo phải chặt chẽ hơn, không thể để tình trạng nông dân chỉ bán lúa với giá 2.800 đồng mỗi kg, trong khi doanh nghiệp lại luôn nói họ mua 3.800 đồng mỗi kg”, ông Khang góp ý thêm.



Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường