Ông Biên cho biết: Thời gian qua, các DN làm hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 gặp vướng mắc lớn là không có đủ điều kiện có kho chứa thóc và nhà máy xay xát lúa ở tập trung một địa điểm, mà mỗi công trình ở một nơi khác nhau. Bộ Công Thương vừa qua đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị gỡ khó cho DN ở điểm này, tức là không nhất thiết DN phải có các hệ thống này trên cùng một địa bàn nữa.
Nhưng ngoài vấn đề đó, còn rất nhiều quy định khác mà DN kêu là quá khó để đáp ứng sớm?
- Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng khác cũng đã đồng ý nới rộng thời gian thực hiện các hạng mục theo yêu cầu của Nghị định 109 như phải có kho chứa từ 5.000 tấn trở lên, có nhà máy xay xát với công suất 10 tấn/giờ, có lò sấy, máy tách vỏ, đánh bóng hạt… thêm 1 năm, tức đến ngày 1.10.2012.
Trong thời gian này, doanh nghiệp chưa có hạng mục nào thì có thể đi thuê bên ngoài. Bộ Công Thương sẽ cấp giấy phép xuất khẩu tạm thời trong 1 năm. Sau đó, doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện như Nghị định 109 quy định thì mới được cấp giấy phép.
Để có được các hạng mục theo Nghị định 109 yêu cầu, DN phải bỏ ra tới 30 – 40 tỷ đồng, trong khi lãi suất ngân hàng hiện nay còn quá cao. Chi phí đó vượt quá khả năng và sức chịu đựng của DN?
- Từ khi ban hành Nghị định 109 đến nay đã 8 tháng rồi, thời hạn chuyển tiếp tương đối dài để DN đầu tư một khoản nhất định đáp ứng điều kiện tối thiểu của Nghị định 109. Nghị định này chúng tôi cũng lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng DN và các địa phương nên không thể nói là những yêu cầu vượt xa sức chịu đựng của DN.
Cho đến nay Bộ Công Thương đã cấp 44 giấy phép xuất khẩu gạo, tuần này sẽ cấp tiếp 5 giấy phép. Số DN này đã chiếm xấp xỉ 70% kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước nên việc cấp giấy phép này sẽ bảo đảm đúng tiến độ, không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Việc vay vốn đầu tư kho tàng, máy móc của các DN đang gặp trở ngại lớn vì chỉ được ngân hàng đồng ý khi đã có giấy chứng nhận được tham gia xuất khẩu lúa gạo. Các DN cho rằng ngân hàng cần linh động hơn bởi họ rất cần vốn để trang bị máy móc, đầu tư nhà kho... Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) đã tiếp thu ý kiến của các DN và hứa sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tháo gỡ khó khăn này. (Đình Thức)
Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi rồi, nếu muốn phát triển xuất khẩu gạo bền vững thì DN phải gắn trách nhiệm với bà con nông dân cũng như hạn chế rủi ro thất thoát sau thu hoạch.
Được biết trong 44 DN đã được cấp giấy phép có 4 DN nước ngoài. Thứ trưởng có cho rằng với nhiều tài lực vượt hơn hẳn, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xuất khẩu gạo sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng với các DN trong nước ?
- Chúng ta đã thực hiện cam kết về hội nhập quốc tế, không phân biệt đối xử trong kinh doanh đối với DN trong nước hay nước ngoài. Nghị định 109 cũng đã cho một lộ trình thực hiện hợp lý để các DN đáp ứng yêu cầu để cạnh tranh. Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ lãi suất cho vay với các DN này thấp hơn lãi suất chung trên thị trường.
Theo Dân Việt