Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hậu kết quả kiểm toán: Phải xử lý, đừng để “rút kinh nghiệm"
25 | 09 | 2007
Xử lý thế nào đối với kết quả kiểm toán vừa được kiểm toán nhà nước công bố? Xung quanh vấn đề này, ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán VN, cho biết:

Kết quả kiểm toán lần này, theo tôi, không có nhiều bất ngờ. Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành mới chỉ xem xét và công bố một số vụ việc chứ nếu họ tổng hợp lại thì có thể có những số liệu “ấn tượng” hơn nhiều. Trong cơ chế hiện nay có những quy định chưa sát thực tế nên có những việc làm sai sót rất đáng phê phán, nhưng cũng có những việc nên xem xét thực tế.

Mới kiểm toán một phần các cơ quan tiêu tiền ngân sách nhưng đã “lòi” ra con số 7.600 tỷ đồng. Đó là một điều đáng báo động?

7.600 tỷ đồng chưa có gì lớn bởi ta mới kiểm toán được 32 tỉnh, thành cùng một số doanh nghiệp. Có thành phố lớn thu chi ngân sách chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngân sách nhà nước (NSNN) chưa kiểm toán. Cũng chỉ kiểm toán được có 6,8% tổng số chi ngân sách trung ương, còn hơn 90% nữa. Tất nhiên, 7.600 tỷ không phải tất cả là sai phạm. Nhưng con số mà kiểm toán phát hiện thể hiện sai sót, thu không đúng, không đủ cho NSNN, chi sai chế độ, vượt dự toán, lãng phí, thậm chí là gian lận của các tổ chức cá nhân, có thể nói đã đáng báo động và xảy ra ở hầu hết các đơn vị được kiểm toán.

Năm nào chúng ta cũng có kiểm toán nhưng rồi kết quả kiểm toán lần nào cũng thấy sai phạm?

Vấn đề đáng quan tâm và quan trọng hơn cả là kết quả kiểm toán đã báo động, đã chỉ cho chúng ta biết mức độ và sự phổ biến của sai sót, các hành vi gian lận khi thu và sử dụng ngân sách. Nó cũng chỉ ra chất lượng chính sách và năng lực quản lý tài chính của bộ máy nhà nước. Những vấn đề này có nhiều điều đã được biết, nhưng kiểm toán chỉ ra cụ thể, lượng hóa mức độ.

Kiểm toán cho thấy, thu và chi NSNN, đặc biệt là chi thường xuyên, chi xây dựng cơ bản có vấn đề. Kỷ luật, kỷ cương trong việc sử dụng ngân sách qua đây cũng thấy là không cao. Nếu không chỉnh sửa thì những năm sau nữa chúng ta sẽ lại phải thấy một kết quả kiểm toán không kém phần quan ngại, thậm chí còn cho con số lớn hơn số đã phát hiện

Kết quả kiểm toán đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngân sách, nhưng chưa thấy ai đứng ra giải thích hay chịu trách nhiệm về con số 7.600 tỷ đồng?

Chúng ta mới công khai kết quả kiểm toán được mấy năm nên thói quen sau kết quả kiểm toán là chưa có thái độ xử lý trách nhiệm thật nghiêm túc. Hiện nay, có thể chỉ rõ cơ quan tài chính các cấp phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách.

Tuy nhiên, hàng năm Bộ Tài chính đều có báo cáo cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về kết quả xử lý các kiến nghị mà kiểm toán nhà nước công bố. Vẫn còn vấn đề về tính pháp lý của kết quả kiểm toán, trách nhiệm tập thể, cá nhân trước những sai phạm dù đã được khắc phục hay chưa khắc phục.

Cần phải chỉ ra được trách nhiệm cá nhân thì mới giải quyết được vấn đề. Vì 32 bản báo cáo quyết toán của các tỉnh vừa được kiểm toán phát hiện có vấn đề thì không ít báo cáo tài chính đã được cơ quan tài chính thẩm định, UBND đánh giá và Hội đồng nhân dân thông qua. Không xác định được trách nhiệm cá nhân nên có những sai phạm xảy ra nhiều năm nhưng người chịu trách nhiệm chính vẫn không bị xử lý đúng mức.

Theo ông, có phải một trong những yếu tố khiến kết quả kiểm toán không được tôn trọng vì nó không xử lý được con người, không ai chịu tìm trách nhiệm cá nhân trong chi sai ngân sách?

Quan trọng nhất không chỉ là nêu ra được tiêu cực, mà còn xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức. Rất cần cơ chế hậu kiểm toán, tức là xử lý những vấn đề kiểm toán công bố ra sao. Điều này các cơ quan nhà nước phải vào cuộc. Chứ như hiện nay, kết quả kiểm toán thường được đưa ra để rút kinh nghiệm là chính.

Kiểm toán có lẽ cũng phải “né” vì đã phát hiện có cơ quan nhà nước đem ngân sách cho vay nhưng cơ quan này chỉ nhắc đến rất nhẹ, 1-2 dòng trong bản kết luận?

Trong kết quả kiểm toán có phát hiện nhiều việc không phải sai sót đơn thuần mà là vi phạm Luật Ngân sách nhà nước. Những vi phạm đó khá nghiêm trọng. Dùng ngân sách cho vay chỉ là một, còn có chuyện dùng quỹ chuyên dùng, quỹ dự trữ, dự phòng để xây trụ sở, mua ôtô, chi thường xuyên... Kiểm toán nhà nước đã chuyển sang cơ quan điều tra hai vụ việc.

Theo ông, phải làm thế nào để tiền thuế của dân không bị lãng phí như báo cáo kiểm toán 2005?

Ngoài việc nâng cao trách nhiệm cá nhân, đề ra cơ chế xử lý hậu kiểm toán rõ ràng, cần tăng cường giám sát hơn nữa với những cơ quan sử dụng ngân sách. Cần hướng tới tất cả các báo cáo tài chính đều phải được kiểm toán. Một mình kiểm toán nhà nước không thể làm xuể. Có đơn vị vài năm mới bị kiểm toán. Trong khi chi ngân sách cần phải có cơ chế kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Vì vậy kiểm toán nhà nước cần xây dựng cơ chế để các cơ quan kiểm toán độc lập có thể tham gia.

Tổng kiểm toán sẽ phải trình bày trước Quốc hội và phải được các đại biểu Quốc hội chất vấn. Từ đó, vấn đề trách nhiệm sẽ được làm rõ ở diễn đàn Quốc hội hoặc ít nhất cũng tạo được động lực mạnh hơn để giải quyết vấn đề trách nhiệm khi sử dụng sai ngân sách.



Theo kiemtoan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường