Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thấy gì từ báo cáo kiểm toán Nhà nước 2006?
25 | 09 | 2007
Dư luận báo chí tuần qua đã thật sự nóng lên với những con số “kinh động” của báo cáo kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2006 về niên độ ngân sách 2005. Con số “gây sốc” 7.670, 7 tỷ đồng thất thoát chỉ là sai phạm trong hoạt động ngân sách Nhà nước. Nếu tính cả doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị quốc phòng và an ninh được kiểm toán nữa thì con số này là 9.436,2 tỷ đồng, một con số khổng lồ.
Kiểm toán Nhà nước: Những con số "gây sốc"!

Đọc, nghiên cứu và để hiểu được những con số của 39 trang báo cáo và phụ lục của KTNN không phải chuyện dễ, vì kiểm toán là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn rất cao. Chắc hàng trăm kiểm toán viên đã phải làm việc miệt mài qua nhiều tháng để đúc kết ra những số liệu đó.

Trước hết là những điểm đáng trân trọng và đáng hoan nghênh, mà đầu tiên là toàn bộ báo cáo được đưa ra công khai và đây là năm thứ hai KTNN công bố báo cáo.

Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ: "Con số 7.622,5 tỉ đồng chỉ là một góc nhỏ!"

Thứ hai, về phạm vi kiểm toán: KTNN không những xem xét các số liệu của 32/64 tỉnh thành phố; 16/27.924 dự án (con số này ước tính từ báo cáo “đến 2005 một số bộ, ngành, địa phương có 8.042 dự án đã hoàn thành, chưa lập báo cáo hoặc đã lập báo cáo nhưng chưa được phê duyệt, chiếm 28,8% số dự án đã hoàn thành trong năm”).

Như thế kể cả các dự án chưa hoàn thành thì con số dự án quả là khổng lồ! 277/523 doanh nghiệp của 21/90 tổng công ty, theo số liệu Bộ Tài chính, (trong số 2728 doanh nghiệp Nhà nước, 8/22 bộ và cơ quan ngang bộ; mà còn kiểm toán cả 22 đơn vị thuộc bộ quốc phòng, công an và cơ quan đảng).

Có thể thấy phạm vi và quy mô khá rộng, không rõ có đủ điển hình để dùng các phương pháp thống kê suy luận hay ước tính ra những con số thống kê chung hay không, nhưng quả thực đây là một nỗ lực đáng trân trọng theo hướng minh bạch hóa hoạt động nhà nước.

Thứ ba, kiểm toán vạch ra những sai phạm so với quy định hiện hành, đưa ra những con số sai phạm cần xử lý, kiến nghị cách xử lý (kể cả sửa đổi các quy định hiện hành, bãi bỏ các quy định sai).

Con số “gây sốc” 7.670, 7 tỷ chỉ là sai phạm trong hoạt động ngân sách Nhà nước. Nếu tính cả doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị quốc phòng và an ninh được kiểm toán nữa thì con số này là 9.436,2 tỷ đồng, một con số khổng lồ.

Sửa là chính hay "trừng trị" là chính?

Nhưng đây không phải là những khoản thất thoát, mà chỉ là những khoản sai phạm so với quy định hiện hành, mà các quy định hiện hành cũng là đối tượng kiểm toán nên mới có những kiến nghị sửa đổi (nghị định, quyết định của thủ tướng, thông tư và quyết định của các bộ), vì thế con số thất thoát hay có thể thất thoát chỉ là một phần trong số đó, cho nên nếu coi chúng là khoản thất thoát và đòi “truy cứu trách nhiệm hình sự”, “trách nhiệm cá nhân” là hơi vội vã.

Đó là việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, không phải của KTNN, và thực ra KTNN cũng đã chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra. Việc vạch ra những sai phạm là nhiệm vụ hết sức quan trọng của KTNN, cho nên xét từ khía cạnh này các con số “kinh động” lại mang tính rất tích cực, vì không có đo lường định lượng như vậy thì khó biết mức độ sai để mà sửa, và sửa mới là chính chứ không phải “trừng trị” là chính.

Đi chi tiết hơn vào một vài con số chúng ta có thể rút ra những bài học gì? Lại lưu ý rút ra bài học để sửa chữa - từ chính sách, cách quản lý, đến vận hành các đơn vị - là chính, chứ không phải để “kích động” dư luận đòi “xử” người này hay đơn vị nọ. Việc “xử”, nếu cần, là việc khác, của cơ quan khác, không phải của KTNN.

Đầu tiên, là một căn bệnh kinh niên của bất cứ Nhà nước nào: thu không hết nhưng chi luôn luôn nhiều hơn dự kiến. Vấn đề chỉ là mức độ, tính liên tục và có trầm trọng hay không mà thôi. Trong niên độ Ngân sách 2005 và trong 7.622,5 tỷ đồng cần xử lý KTNN thấy: cần tăng thu (tức là đã thu thiếu) 1.891,9 tỷ đồng tại các nơi được kiểm toán; nhưng lại phải giảm chi (tức là đã chi quá) 1.339,5 tỷ đồng; cho vay, tạm ứng sai là 2.735,8 tỷ đồng; ngoài ra riêng phần nợ đọng thuế tăng so với báo cáo là 1.076 tỷ đồng. Đó chỉ là ở các nơi được kiểm toán.

Còn suy ra toàn bộ là bao nhiêu? Chỉ có các nhà thống kê, với số liệu chi tiết thêm, mới có thể ước lượng. Nhưng nếu lấy tổng thu Ngân sách mà KTNN kiến nghị Quốc hội phê chuẩn là 283.847 tỷ (trong đó thu nội địa 53,7% tương đương 152.372,1 tỷ) và số thu Ngân sách đã được kiểm toán chiếm 49% tổng thu nội địa (tức tương đương 74.662,4 tỷ), thì tỷ lệ sai trong thu là 2,53% so với tổng thu nội địa được kiểm toán (nếu tỷ lệ vẫn thế ở những khoản chưa được kiểm toán thì tổng thu cần tăng là: 3.861 tỷ).

Tổng số sai sót cần xử lý khoảng 25 ngàn tỷ đồng?

Về chi Ngân sách có thể tính tương tự (phần đã kiểm toán chiếm 48,7% tổng chi Ngân sách địa phương và 6,8% tổng chi Ngân sách Trung ương cho các bộ ngành). Đáng tiếc báo cáo không cho tỷ lệ chi Ngân sách địa phương và chi Ngân sách Trung ương nên không có cơ sở để suy luận, tuy KTNN kiến nghị Quốc hội thông qua tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước là 313.479 tỷ đồng.

100% các cuộc kiểm toán đều phát hiện "có vấn đề". Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Theo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2005, “tổng thu cân đối Ngân sách Trung ương chiếm 68% và tổng thu cân đối ngân sách địa phương chiếm 32% tổng thu cân đối NSNN. Tổng chi cân đối Ngân sách Trung ương chiếm 73,7% và tổng chi cân đối Ngân sách địa phương chiếm 26,3% tổng chi cân đối NSNN...

Sau khi bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì tổng chi cân đối ngân sách Trung ương chiếm 56,2% và tổng chi Ngân sách địa phương chiếm 43,8% tổng chi NSNN”.

Giả sử những con số của Nghị quyết đã được thực hiện, thì tổng chi Ngân sách Trung ương là 176.175,1 tỷ, tổng chi Ngân sách địa phương là 137.303,8 tỷ. Nói cách khác phần chi Ngân sách đã kiểm toán khi đó là: 66.867 tỷ đồng Ngân sách địa phương và 11.980 tỷ đồng Ngân sách Trung ương (tổng cộng là 78.847 tỷ đồng). Như thế số chi quá 1.339,5 tỷ đồng chiếm 1,7% chi Ngân sách đã kiểm toán. Ngoại suy ra tổng chi quá là 5.326 tỷ.

Đó là chưa kể đến những sai phạm khác, mà có lẽ nghiêm trọng nhất là lấy Ngân sách đi cho vay và tạm ứng sai quy định 2.735,8 tỷ đồng (chiếm 3,47% chi Ngân sách đã được kiểm toán và nếu tỷ lệ như thế thì ngoại suy ra khoản này sẽ là 10.877 tỷ đồng). Mới cộng ba con số ngoại suy này cho thấy số cần xử lý là 20.064 tỷ đồng.

Tổng số sai sót cần xử lý phải cỡ 25 ngàn tỷ đồng (để so sánh, tổng chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo năm 2004 là 25.343 tỷ đồng).

"Điểm sáng" có sáng thật ?

Chúng ta vẫn chưa biết số thất thoát là bao nhiêu, vì không có số liệu làm cơ sở cho ngoại suy, nên chỉ có thể phỏng đoán. Tôi nghĩ số thất thoát không dưới 10 ngàn tỷ đồng. Nhìn tỷ lệ ta thấy con số sai phạm không lớn, nhưng nhìn con số tuyệt đối thì quả là “khủng khiếp”. Nếu tránh được 50% thất thoát thì thí dụ vấn đề tăng lương gấp đôi cho giáo viên không gây khó khăn gì cho Ngân sách.

Thứ hai, theo phụ lục 2 của báo cáo, chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự án chiếm tỷ trọng sai phạm lớn và gần ngang nhau (661,8 tỷ và 537,8 tỷ trong 1.339,6 tỷ đồng chi sai).

Thứ ba, theo ông Tổng KTNN: “điểm sáng" nổi bật là có tới 76,5% doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán làm ăn có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt gần 19,2%”. Một bức tranh hoàn toàn trái ngược với tình hình một năm trước (tỷ suất lợi nhuận rất thấp từ 0,18% đến 0,8%). Tôi e rằng tình hình thực sự không tốt như vậy, mà có lẽ do việc chọn doanh nghiệp để kiểm toán năm nay rơi vào một số doanh nghiệp có hiệu quả chăng?

Có lẽ vậy, theo báo cáo, Tổng công ty Dầu khí nộp ngân sách trên 60.000 tỷ đồng; TCT thuốc lá 3.118 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp 408 tỷ đồng (không rõ cơ cấu của khoản nộp ngân sách này, liệu là thuế thu nhập doanh nghiệp hay là phần nộp lợi nhuận cho ông chủ duy nhất là Nhà nước?). So với một ngân hàng tư nhân 100% như ACB, năm đó nộp ngân sách 95 tỷ với 92,35 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp; TCT Sông Đà 363 tỷ đồng; TCT Lương thực miền Bắc 139 tỷ đồng là các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều cho Ngân sách.

Dầu và thuốc lá thì khỏi phải nói: đóng góp là do bán tài nguyên quốc gia và là thuế tiêu thụ đặc biệt mà người dân đóng chứ đâu phải là doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khác thì xài bao nhiêu nguồn lực của Nhà nước? Thuế thu nhập doanh nghiệp đóng bao nhiêu? Cái gọi chung chung là nộp Ngân sách (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, v.v.) không nói gì về hiệu quả doanh nghiệp. Cho nên “điểm sáng” này chưa chắc đã là điểm sáng thật.

Về mức độ và tính thường xuyên của căn bệnh, có lẽ so với kết quả kiểm toán 1 năm trước đó [số liệu của báo cáo hiện thời để trong ngoặc để tiện so sánh]. Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2005 đối với niên độ ngân sách năm 2004, KTNN đã phát hiện, kiến nghị tăng thu, giảm chi, đưa vào quản lý qua Ngân sách 4.408 tỷ đồng (7.622,5 tỷ của báo cáo 2006), gồm:

- Tăng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN): 789 tỷ đồng (1.891,9 tỉ)

- Giảm chi: 708 tỷ đồng (1.339,5 tỉ)

- Đưa vào quản lý qua NSNN (ghi thu - ghi chi): 2.164 tỷ đồng (1.350,6 tỉ)

- Các khoản tạm thu, tạm giữ, nợ đọng thuế do KTNN xác định tăng thêm 747 tỷ đồng (2.735,8).

Lưu ý là những con số năm 2004 và 2005 là khác nhau và khó so sánh, nhưng do phạm vi kiểm toán khá giống nhau (năm 2004: 11 bộ, cơ quan trung ương; báo cáo quyết toán của 9 dự án, chương trình trọng điểm; báo cáo tài chính của 19 tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng; báo cáo tài chính của 24 đơn vị thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tài chính Đảng) nên khi so sánh vẫn cho ta thấy: sai phạm năm sau còn lớn hơn năm trước.

Có thể sơ bộ rút ra kết luận cơ bản:

- Kỷ luật thu chi và hiệu quả quản lý Ngân sách của các cơ quan Nhà nước vẫn còn kém, sai sót năm sau vẫn trầm trọng hơn năm trước, chưa có chuyển biến, cho nên việc chấn chỉnh (kể cả đào tạo người) là rất cấp thiết.

- Nhà nước không nên làm những việc không thuộc phạm vi “quản lý”, như các dự án kinh tế, hoạt động kinh tế mà nên chuyển cho khu vực tư nhân (nên tư nhân hoá thật sự các doanh nghiệp Nhà nước, không để cho phong trào “tập đoàn” bành trướng và sở hữu chéo lẫn nhau). Giảm bớt số các dự án, nếu có thể cũng nên chuyển cho khu vực tư nhân. Làm được 2 việc cơ bản này chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện đáng kể.



Theo vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường