Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lo cho sự bền vững của nguồn thu ngân sách
20 | 09 | 2007
Sáng 21.10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006; phương hướng, nhiệm vụ năm 2007.

Phần lớn các ý kiến đều đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế đạt được của 3 quý đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch theo chỉ tiêu đặt ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn bất lợi.

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu lưu ý là hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa có chuyển biến gì mang tính đột phá. Đây là điểm đáng lo ngại nhất khi Việt Nam chuẩn bị trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thực trạng giá trị tăng thêm trong nhiều ngành sản xuất vẫn không tăng, thậm chí còn thấp hơn năm 2005. Đóng góp chủ yếu và tăng trưởng kinh tế vẫn là yếu tố vốn và lao động, hàm lượng trí tuệ, khoa học công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ còn thấp.

Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì hiệu quả kinh tế trên 1 đồng chi phí đã giảm so với năm 2005. Mức thu ngân sách nội địa (không tính dầu thô) năm 2006 chỉ chiếm 52,6%, tăng không đáng kể so với bình quân 5 năm trước đó (52,4%), trong đó riêng thu từ đất đã chiếm trên 10%.

Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Quang Dự đưa ra cảnh báo đáng chú ý về tính bền vững trong nguồn thu ngân sách nếu dựa quá nhiều vào dầu thô.

“Báo cáo gần đây nhất của TCty dầu khí ngày 16.10.2006 cho thấy sản lượng năm 2006 là 17,5 triệu tấn. Như vậy, so với kế hoạch năm sẽ giảm 0,5 triệu tấn và so với năm 2005 giảm 1 triệu tấn. Với giá tính bình quân là 65 đô la/thùng thì giá trị giảm gần 500 triệu đôla, tương đương giảm khoảng 0,8% GDP theo giá thực tế. Đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về ảnh hưởng cân đối vĩ mô này”, ông Dự kiến nghị.

Đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc “ép sản lượng” quá mức đối với nguồn thu từ dầu thô. Năm 2006, dầu thô dự kiến đóng góp 29,9% ngân sách và năm 2007 vào khoảng 24%. Với tỉ trọng lớn như vậy, dầu thô thường được coi là nguồn lực đảm bảo tăng trưởng GDP, đặc biệt là vào những thời điểm “nước rút”.

“Tuy nhiên, hiện tình trạng của các mỏ dầu không cho phép làm như vậy nữa. Trong khoảng 70 giếng dầu khai thác ở mỏ Bạch Hổ - mỏ lớn nhất của chúng ta hiện nay - có khoảng 40 giếng đã ngập nước. Tình trạng này cũng đã xảy ra trên một nửa số giếng của mỏ Sư Tử Đen là mỏ lớn thứ hai.

Nếu cố ép tăng thêm sản lượng trước mắt sẽ dẫn đến tình trạng ngập nước sớm hơn của mỏ và không thể thu hồi được số dầu thô trong những năm tới đây theo sơ đồ công nghệ đã được phê duyệt, dẫn đến lãng phí lớn nguồn tài nguyên này”, ông Dự cảnh báo.

Về hiệu quả đầu tư, đại biểu tỉnh Bình Định Nguyễn Đăng Vang đưa ra dẫn chứng: Trong tổng số 38,5 tỷ đô la xuất khẩu năm 2006 thì doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu tới 22,4 tỷ chiếm 58%, trong khi vốn đầu tư phát triển toàn xã hội họ chỉ chiếm có 15,4%. Còn lại 84,6% là nguồn vốn đầu tư phát triển của người Việt Nam nhưng chỉ xuất khẩu được 42%.

 

“Vậy đội quân chủ lực của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2020, khi Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp và khi chúng ta vào WTO, sẽ là ai?”, đại biểu nêu câu hỏi.

Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì bức tranh đầu tư dài trải, lãng phí càng trở nên tương phản. Đại biểu tỉnh Bắc Giang Đỗ Trọng Ngoạn nêu ví dụ, nhiều công trình quy hoạch “treo” hàng chục năm, đó là chưa kể không ít công trình “đắp chiếu”, sử dụng không hiệu quả, vừa rất tốn kém, vừa tai hại cho dân.

“Tuy mới kiểm toán ở một số đơn vị, nhưng tổng kiểm toán đưa ra con số lãng phí 4.400 tỷ, nhiều TCty lớn của Nhà nước làm ăn thua lỗ. Con số trên chắc chắn không chuẩn, nó chỉ bằng 1% thực tế thôi”, ông Ngoạn bức xúc.

Về phương hướng, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2007, các đại biểu yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp mạnh tay chống thất thoát, lãng phí, kiểm soát chặt nguồn chi cho các dự án lớn; kiên quyết xử lý nợ đọng thuế, gian lận thương mại.

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc – Đoàn TPHCM: 

Không nên chỉ chú ý đến yếu tố tăng trưởng mà bỏ qua yếu tố hiệu quả

Đồng tiền đưa vào đầu tư phải được tính sử dụng như thế nào, hiệu quả như thế nào? Hiện rất ít công trình được thực hiện đúng thời hạn mà mọi sự chậm chễ đều đem lại hậu quả rất lớn.

Chẳng hạn một công trình được đầu tư thì GDP vẫn tăng nhưng công trình không sử dụng được thì hiệu quả bằng không. Chúng ta hiện mới chỉ nhấn mạnh một chiều yếu tố tăng trưởng mà không nói đến hiệu quả thì là sơ hở rất lớn.

Tôi thấy giữa báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách có hai bức tranh khác nhau. Theo tôi phần nhận định hạn chế trong báo cáo của Chính phủ hơi ít. Phần giải pháp nặng về cách nói nhấn mạnh như “khẩn trương”, “tích cực”, “thúc đẩy”...  nhưng lại không có cơ chế đi kèm. Báo cáo là định hướng hoạt động trong một năm nên cần cụ thể.

Đại biểu tỉnh Bắc Giang Đỗ Trọng Ngoạn:

Chính phủ phải báo cáo thật minh bạch tình trạng lãng phí, thất thoát

Báo cáo về thành tích của Chính phủ khá minh bạch, nhưng báo cáo về tồn tại, yếu kém tôi cho rằng không minh bạch, không rõ.

Đề nghị Chính phủ cần báo cáo thật minh bạch tình trạng mức độ lãng phí, thất thoát từng dự án và nói rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ra quyết định những dự án đó.

Đã đến lúc chúng ta phải có cơ chế, buộc tổ chức, cá nhân phải bồi thường khi ra quyết định không chính xác, gây tổn thất cho dân, chứ không phải ra quyết định rồi phủi tay.



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường