Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để ổn định thị trường cá tra
08 | 05 | 2008
Hơn hai tuần qua giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm mạnh. Cá loại thịt trắng chỉ còn ở mức 14.500 - 15.300 đồng/kg, giảm 800-900 đồng/kg so với hơn hai tuần trước. Nhưng theo các cơ quan hữu quan, thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam đang rất thuận lợi (cả sản lượng lẫn giá cả), doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lo chuyện thiếu nguồn cung nguyên liệu hơn là không có đầu ra.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ (CAFA), cho biết:

- Hai năm trở lại đây, thị trường cá tra trong và ngoài nước tăng giảm theo một quy luật chung, đó là: 6 tháng đầu năm giá cá trên thị trường tăng và đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 6. Sau đó giảm mạnh và mức thấp nhất rơi vào thời điểm tháng 11. Từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm cá tra cũng đang theo quy luật và sản phẩm cá tra đã được xuất sang gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những sản phẩm từ con cá tra Việt Nam được khách hàng ưa chuộng do thịt thơm, ngon, có hương vị đặc trưng và là thực phẩm thay thế cho các sản phẩm của từ gia cầm, cá tuyết, cá rô phi... Đặc biệt, giá xuất khẩu cá tra phi lê của ĐBSCL và cả nước giá rẻ hơn nhiều so với giá các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL đang lo lắng tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu chế biến, đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu hơn là thiếu thị trường đầu ra.

Như vậy, theo ông thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra ở TP Cần Thơ, cũng như ĐBSCL và cả nước đang thuận lợi?

- Vâng, rất thuận lợi. Nhưng nó vẫn đang ẩn chứa sự bất ổn. Điều đó được thể hiện ở chỗ, cả nước có trên 260 đơn vị, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, có một thực tế là gần như mạnh ai nấy mua, mạnh ai nấy chế biến... Trong các kỳ hội chợ, các lần xúc tiến thương mại nhiều doanh nghiệp còn “chọi” với nhau về giá. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp chấp nhận ký hợp đồng xuất khẩu với giá 1,6-1,75USD/kg. Điều này khiến giá cá tra phi lê xuất khẩu của ĐBSCL và cả nước thấp. Trong khi đó, mức giá trung bình trên 3USD/kg cá phi lê.

Những diễn biến về tài chính, tiền tệ vừa qua tác động như thế nào đối với thị trường cá tra nguyên liệu ở TP Cần Thơ cũng như ĐBSCL, thưa ông?

- Đầu năm đến nay, con cá tra nguyên liệu chịu sự ảnh hưởng của nhiều tác động lớn. Sự giảm sút giá của đồng đô-la Mỹ so với Việt Nam đồng; những điều chỉnh từ các chính sách tiền tệ của ngân hàng, của nhà nước... trong thời gian vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khó khăn do thiếu vốn thu mua cá trong dân; còn người nuôi thì thiếu vốn đầu tư. Thêm vào đó, giá cả hàng hóa trên thị trường cứ tăng vùn vụt, trong đó có cả những hàng hóa liên quan đến việc nuôi cá tra. Tôi đơn cử như thức ăn, thuốc thú y thủy sản, so với đầu năm, giá nhiều loại đã tăng 50-70%, thậm chí 100% khiến giá thành sản xuất một kg cá tra đã ở mức 14.500 - 15.000 đồng. Với tình hình giá cả tăng, mức giá thành cá tra nguyên liệu chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới...

Nhưng hiện tại, giá cá tra nguyên liệu ở TP Cần Thơ và ĐBSCL đang sụt giảm mạnh. Điều này khác hẳn so với quy luật ông vừa đề cập ở trên?

- Do những tác động lớn, giá cá tra trong tháng 3 giảm chỉ còn 13.300-13.800 đồng/kg, sau đó tăng và đạt 15.400-15.500 đồng/kg. Hai tuần nay, giá cá tra lại giảm mạnh, chỉ còn 14.300-15.300 đồng/kg. Với những gì tôi vừa phân tích, rõ ràng đây là một nghịch lý. Theo tôi, tình trạng này diễn ra phần nhiều là do doanh nghiệp. Bởi lâu nay, chỉ có doanh nghiệp, những nhà chế biến quy định giá cả thị trường. Một phần cũng do người nuôi, từ việc làm ăn riêng lẻ, tự phát, cộng thêm bị động ở “đầu ra” như: chất lượng cá, giá thức ăn, lãi vay... nên dễ dẫn đến chuyện doanh nghiệp ép giá người nuôi...

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra khuyến cáo: Tất cả các đối tượng liên quan đến chuỗi sản xuất cung ứng cá tra (nhà chế biến, người nuôi, ngân hàng...) phải liên kết với nhau mới có thể giúp ngành phát triển bền vững. Ông nghĩ sao về khuyến cáo này?

- Đây là vấn đề nhất định phải làm. Các nhà chế biến liên kết với nhau thành một khối để đối mặt với thương trường thế giới và chăm lo tạo ra nguyên liệu thủy sản ở trong nước phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Giữa người nuôi cá cũng phải có sự gắn kết mới có sức mạnh và liên kết thuận lợi với nhà máy chế biến... Các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng trở thành một chuỗi thống nhất thì xuất khẩu cá tra mới ổn định, bền vững và ngày càng phát triển...

Ở nhiều nước trên thế giới, muốn hình thành nhà máy chế biến, trước hết anh phải có sẵn nguồn nguyên liệu. Nhưng đối với con cá tra ở TP Cần Thơ cũng như ở ĐBSCL thì gần như không phải vậy. Khi cá được giá, người dân tự mở mới diện tích, tự tìm nhà chế biến. Điều này rất nguy hiểm. Không có một sự kiểm soát, thoái hóa về con giống, môi trường nuôi xuống cấp, dịch bệnh trên đàn cá... đang diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Hiệp hội Thủy sản phải đứng ra trấn an người nuôi, nhanh chóng tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người nuôi... để sớm ổn định thị trường cá nguyên liệu, tạo sự cạnh tranh công bằng.

- Về mặt lý thuyết, Hiệp hội hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng trên thực tế nguồn nhân lực, vật lực các Hiệp hội thủy sản không đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ. Ngoài ra, Hiệp hội cũng không có cơ sở pháp lý, khả năng giao dịch tìm nguồn tài chính cho các thành viên... Vì thế, chỉ hô hào, động viên tinh thần để gắn kết các tác nhân trong chuỗi sản xuất, cung ứng thì không thể nào thực hiện được. Theo tôi chỉ có Nhà nước mới có thể là cầu nối trong các mối liên kết này.

Từ trước đến nay, vai trò của Nhà nước trong việc làm cầu nối được nhắc rất nhiều trong các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa nông thủy sản. Theo ông, đối với con cá tra, trong thời điểm hiện nay, vai trò này phải được thể hiện như thế nào?

- Theo tôi, đó là những quy định về giá sàn, quy định về chất lượng con cá tra; là những chính sách, nghị quyết được cụ thể hóa bằng quy hoạch vùng nuôi, điều kiện nuôi, điều kiện chế biến, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm... Nói chung, trong thời điểm hiện nay, phần nào của Nhà nước, phần nào của người nuôi, của doanh nghiệp... phải được quy định thật rạch ròi!




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường