Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng kinh tế - vận động hướng tới phát triển bền vững
10 | 04 | 2009
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn thế giới, bởi đó thực sự là bước chuyển tiếp sang giai đoạn phát triển bền vững.

Sự khan hiếm hàng hoá chưa qua chế biến và tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã dẫn tới tình trạng mất ổn định nền kinh tế thế giới và điều này có xu hướng gia tăng trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Giá hàng hoá và nhiên liệu tăng cao cùng với những thảm hoạ thiên nhiên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm xói mòn các thị trường tài chính, sức mua của các hộ gia đình, và thậm chí là sự ổn định xã hội.

Nhìn theo hướng đó, một chính sách thiết yếu mà các nước phát triển và đang phát triển nên theo đuổi để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay là xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho thế kỷ 21. Chính sách này bao gồm một hệ thống truyền tải điện hiệu quả từ các nguồn năng lượng có thể tái tạo; các mạng lưới truyền dẫn viễn thông và internet băng thông rộng không dây và có dây; các hệ thống cấp – thoát nước sinh hoạt, tưới tiêu và quay vòng sử dụng hiệu quả nước sạch; các hệ thống giao thông công cộng trong thành phố và giữa các thành phố; các đường cao tốc an toàn; và hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường sống của các giống loài đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Những đầu tư trên cần được thực hiện trong ngắn hạn để bù đắp cho sự suy giảm chi tiêu tiêu dùng toàn cầu, do tác động của suy thoái kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, chúgn cần được đặt ra trong dài hạn, bởi đơn giản là một thế giới với 6,8 tỷ người (và vẫn đang tăng lên) sẽ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế trừ phi hướng tới các công nghệ bền vững, nhằm tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt.

Trên thực tế, khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đồng nghĩa với việc đầu tư bền vững ở thế giới đang phát triển bị thu hẹp nhiều hơn là mở rộng. Khi việc tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng quốc tế, phát hành trái phiếu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài mất đi, các dự án cơ sở hạ tầng đã đàm phán trước đây cũng bị đình trệ, đe doạ đến sự ổn định kinh tế - chính trị của rất nhiều quốc gia đang phát triển. Đã đến lúc cần một nỗ lực phối hợp hành động toàn cầu, nhằm đưa những dự án này vào triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải là một điều dễ dàng, khi mà hầu hết các dự án đều đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa lĩnh vực công và tư trong quá trình thực hiện.

Việc một lượng lớn các dự án cơ sở hạ tầng bị treo đang tàn phá nền kinh tế thế giới. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đang đau đầu với tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí ngày càng cao, do việc sử dụng một lượng lớn các loại nhiên liệu hoá thạch. Sự khan hiếm nước hầu như diễn ra ở tất cả các trung tâm kinh tế lớn từ Bắc Mỹ đến châu ÂU, châu Phi, Ấn Độ và Trung Quốc.

Do đó, các chính phủ nên tăng cường năng lực của các bộ liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng (bao gồm điện, đường, nước, hệ thống thoát nước và công nghệ thông tin - truyền thông), cũng như các ngân hàng phát triển quốc gia trong việc cấp vốn cho các chương trình và dự án cơ sở hạ tầng dài hạn. Khả năng bù đắp cho khủng hoảng trong phát triển cơ sở hạ tầng thông qua sự mở rộng hợp tác công – tư sẽ quyết định gia đoạn phát triển tiếp theo của các quốc gia và khu vực. Nhận thức rõ điều này, Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới chuẩn bị thành lập Ngân hàng Cơ sở hạ tầng quốc gia.

Tuy nhiên, các cố vấn kinh tế của Mỹ và châu Âu đều tin rằng sự kích thích mạnh mẽ, tạm thời là đủ để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đó là một sai lầm. Thêm vào đó, các nhà làm luật ở thế giới giàu có tin rằng họ có thể tiếp tục “sao nhãng” thế giới đang phát triển hoặc đẩy họ đi tới mất chỗ đứng trên thị trường thế giới. Đây là một “công thức” cho sự sụp đổ kinh tế toàn cầu và thậm chí là một cuộc xung đột trong tương lai. Các nước phát triển sẽ phải tăng cường viện trợ cho các nước nghèo hơn nữa trong thời kỳ quá độ sang phát triển bền vững. Trong khi hầu hết các biện pháp kích thích kinh tế cho tới nay đều ngắn hạn và hướng nội, việc tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững ở các nước nghèo sẽ mang lại sự thúc đẩy mạnh mẽ cho các nền kinh tế ở thế giới giàu có.

Các nước phát triển nên hỗ trợ tài chính đáng kể cho các nước đang phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư bền vững. Điều này có thể được tiến hành trực tiếp trên cơ sở song phương, chẳng hạn thông qua các khoản vay dài hạn từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu của các nước phát triển. Việc cấp vốn cũng có thể được tiến hành đa phương, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) và ngân hàng phát triển khu vực như Ngân hàng Phát triển một số nước Bắc-Nam Mỹ, Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Các nước phát triển hiện nay vẫn chưa nhận thấy một cách đầy đủ rằng nếu không đầu tư mạnh hơn nữa vào cơ sở hạ tầng bền vững ở thế giới đang phát triển, đặc biệt là sản xuất và truyền tài điện, một thoả thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu toàn cầu rất có thể sẽ được ký kết vào cuối năm nay (hoặc sớm hơn). Thế giới giàu có vì một lý do nào đó hy vọng các nước nghèo sẽ hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà không hề có thêm một sự trợ giúp đáng kể nào về tài chính và các nguồn năng lượng bền vững. Hầu như trong tất cả các đề nghị của nước giàu về mục tiêu, hạn ngạch, cam kết và các giấy phép cho khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gần như không có một từ nào nói về sự trợ giúp tài chính cho các nước nghèo chuyển đổi sang các công nghệ bền vững.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường