Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Ốm yếu” kiểm toán nội
18 | 10 | 2007
Nhu cầu về dịch vụ kiểm toán độc lập ngày càng lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các công ty kiểm toán "nội" còn quá yếu.


Hoạt động kiểm toán độc lập Việt Nam ra đời năm 1991 và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu năm 1991 chỉ có 2 công ty kiểm toán độc lập và 15 nhân viên thì đến nay cả nước đã có 136 công ty với hơn 5 nghìn nhân viên, cung cấp hơn 20 loại dịch vụ nghề nghiệp cho khách hàng.

Tuy nhiên, trong đội ngũ kiểm toán viên nước ta hiện nay chỉ có 888 kiểm toán viên hành nghề có chứng chỉ kiểm toán viên (thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam - VACPA), trong số đó chỉ có khoảng 300 người có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế. Tính bình quân mỗi công ty kiểm toán mới chỉ có 6,5 kiểm toán viên có chứng chỉ. Có một số công ty kiểm toán chỉ có 3 kiểm toán viên với vỏn vẹn 6 khách hàng.

Từ năm 2006 trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, môi trường kinh tế của Việt Nam càng đòi hỏi tính minh bạch trong thông tin tài chính. Ước tính, mức cầu từ dịch vụ kiểm toán độc lập tăng gấp 10 lần so với năm 2006.

Bên cạnh đó, nhu cầu tư vấn tài chính của các doanh nghiệp ngày càng lớn, cần những nhà cung cấp thật sự có đẳng cấp. Các công ty kiểm toán nước ngoài với lợi thế về thương hiệu và nhân lực cấp cao đang "ép sân" các công ty kiểm toán trong nước.

Nhận xét về năng lực của kiểm toán độc lập Việt Nam, TS. Thịnh Văn Vinh, Học viện Tài chính nói: "Mặc dù quy mô đã có những bước phát triển nhưng chưa thực sự có đầy đủ các kiểm toán viên, cũng như chưa đủ trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra".

Năng lực cạnh tranh của các công ty kiểm toán Việt Nam rất yếu so với các công ty nước ngoài. Hệ thống khách hàng chưa rộng lớn, chưa vững chắc. Hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính chưa thực hiện kiểm toán toàn diện cho tất cả các lĩnh vực cần thiết của nền kinh tế thị trường. Nhiều lĩnh vực theo quy định đã bắt buộc kiểm toán nhưng vẫn đang còn bỏ ngỏ chưa thực hiện kiểm toán như các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, các hợp tác xã...

Các công ty kiểm toán độc lập chưa biết hợp tác với nhau và cạnh tranh còn thiếu lành mạnh. Mức phí dịch vụ trung bình của các công ty kiểm toán Việt Nam chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với mức phí cùng loại của công ty nước ngoài. Một số công ty, do cạnh tranh giảm giá phí đã cắt giảm một số thủ tục, quy trình soát xét chất lượng kiểm toán nên chất lượng dịch vụ cung cấp giảm.

Vai trò của kiểm toán viên có thể rất súc tích trong nhận xét của GS.TS Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước: "Kiểm toán viên vừa phải là quan tòa công minh của quá khứ, vừa phải là người phán xử thông thái của hiện tại, lại vừa là người dẫn đường sáng suốt cho tương lai".

Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại có ý kiến là, điểm yếu nhất của kiểm toán độc lập Việt Nam là "con người". Theo ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính: "Khả năng đánh giá bao quát và đưa ra ý kiến tư vấn chiến lược của đội ngũ kiểm toán viên Việt Nam hiện nay chắc chắn chưa thể bằng kiểm toán viên quốc tế". Ông Vương Đình Huệ cũng cho biết: "Phấn đấu đến 2010, nước ta sẽ có khoảng 3.000 nhân viên chuyên nghiệp, một nửa trong số đó có thể đăng ký hành nghề".

Về việc phát triển năng lực của các công ty kiểm toán độc lập, nhiều chuyên gia cũng có ý kiến, nên liên kết các công ty kiểm toán thành những doanh nghiệp lớn có quy mô nhất định về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, loại hình dịch vụ. Ngoài ra, một doanh nghiệp kiểm toán có thể trở thành thành viên của một hãng kiểm toán lớn, chẳng hạn như VACO, điều này sẽ giúp quảng bá và thúc đẩy hình ảnh của thương hiệu rất nhiều.

Một hạn chế lớn khác xuất phát từ nhận thức, các doanh nghiệp chưa hiểu rõ được vai trò của kiểm toán trong chiến lược phát triển lâu dài của mình. Hiện tại, có tới 60% khách hàng của các công ty kiểm toán trong nước là kiểm toán theo luật định. Thị phần khách hàng tự nguyện đã tăng lên nhưng chưa đáng kể. Nhiều doanh nghiệp vẫn có khái niệm "bị kiểm toán" chứ không phải là "được kiểm toán", vì vậy, cần thúc đẩy tuyên truyền về lợi ích của các hoạt động của kiểm toán bằng nhiều kênh khác nhau.

Hạn chế thứ ba là môi trường pháp lý đối với kiểm toán độc lập chưa được hoàn thiện. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập hiện nay là rất thấp, chủ yếu dựa trên Nghị định số 07/CP, đã ra đời từ cách đây 13 năm, Quyết định số 76/2004/TT-BTC và Quyết định 87/2005/QĐ-BTC. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên ban hành luật kiểm toán độc lập, các doanh nghiệp kiểm toán bắt buộc đề phòng những gian lận kiểm toán khi có sự thông đồng giữa doanh nghiệp được kiểm toán và các doanh nghiệp kiểm toán.

Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, một đề tài cấp nhà nước về định hướng giải pháp về xây dựng khung khổ pháp lý cho kiểm toán độc lập đang được xây dựng, dự kiến có thể được áp dụng vào năm 2010.

(Theo www.vneconomy.vn)


Báo cáo phân tích thị trường