Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thời cơ vàng cho Nông nghiệp VN đã đến
02 | 01 | 2008
Tự nhận mình là người ngoại đạo, nhưng qua theo dõi thị trường nông sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu Thương mại) nhận định, đây là thời cơ vàng để nông nghiệp VN rũ bỏ hình ảnh sản xuất nhỏ lẻ “con trâu đi trước, cái cày đi sau”…
Chu kỳ thị trường nông sản bị phá vỡ

Ông từng nhận định có thể "chữa" lạm phát bằng...nông nghiệp?

Nhiều người nói, trong năm đầu hội nhập 2007, chính sách giảm thuế đã không phát huy tác dụng. Đánh giá như thế là chưa nhìn thấy nguyên nhân đích thực của tình hình. Hiện đang là giai đoạn sốt giá nông sản trên toàn thế giới, chứ không phải riêng VN. Do vậy, có giảm thuế nhập khẩu thì hàng nông sản nhiều nước cũng chưa thể vào VN. Rõ ràng lương thực, thực phẩm là nguyên nhân cơ bản khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Tỷ trọng tăng giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có xu hướng doãng rộng. Còn tỷ trọng của 9 nhóm hàng khác nhỏ bớt đi. Chuyện này không liên quan gì đến hội nhập cả. Đây là tình huống chung trên thị trường thế giới hiện tại.

Vậy phải chăng sản xuất nông sản, thực phẩm qua nhiều năm đang có sự bất cập so với nhu cầu của nền kinh tế, thưa ông?

Tôi quan sát liên tục trong 4 năm qua, giá nông sản đều sốt nóng. Phải chăng sản xuất nông nghiệp bất cập ngay với nhu cầu trong nước? Bên cạnh đó cũng thấy, xuất khẩu nông sản của VN liên tục tăng cao. Năm 2007, có thể đạt kim ngạch 12 tỷ USD, như vậy là tăng rất nhanh so với thực tế sản xuất. Cũng vì điều này mà lượng cung cho thị trường trong nước vơi bớt đi. Nếu các tổ chức quốc tế đánh giá không nhầm thì đến khoảng 2015- 2016, sản xuất nông nghiệp thế giới sẽ có rất nhiều vấn đề. Giá dầu tăng cao khiến hàng loạt quốc gia dùng lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học. Brazil thì đi từ đường, châu Âu đi từ lúa mỳ, Mỹ đi từ ngô…khiến sản xuất nông sản thế giới vốn đã khó theo kịp nhu cầu lại càng bất cập hơn. Do vậy, lẽ ra thị trường nông sản thế giới sau một chu kỳ 4- 5 năm sốt nóng, sẽ lại có 4- 5 năm sốt lạnh. Nếu chúng ta bắt đầu chu kỳ sốt nóng từ 2004 thì đến 2007 là hết, chuyển sang chu kỳ ngược lại. Hoặc cùng lắm đầu 2009 thị trường sẽ sốt lạnh. Nhưng thế giới dự báo chu kỳ này sẽ bị phá vỡ.

Điều này sẽ tác động ra sao đến sản xuất nông nghiệp VN?

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5- 9%/năm, thậm chí trên 10% trong những năm tới, đương nhiên nhu cầu lương lực, thực phẩm trong nước tăng rất nhanh. Cộng với nhu cầu thế giới cũng tăng mạnh, rõ ràng đây là thời cơ vàng cho nông nghiệp VN trong những năm đầu tham gia WTO. Thị trường nông sản sẽ rất thuận lợi cho sản xuất nông sản hàng hóa.

Vấn đề còn lại là gì? Có rất nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện phát triển nông nghiệp. Chúng ta thấy phát triển cá basa tại ĐBSCL chắc chắn không phải cho nhu cầu trong nước. Vì dân ta không thích xài món này. Do vậy chúng ta phải hoạch định được, phần dành cho thị trường trong nước là bao nhiêu, phần dành để xuất khẩu bao nhiêu? Những nhà hoạch định chính sách và chiến lược nông nghiệp phải tính đến điều này.

Thực trạng nông nghiệp cho thấy nhiều mặt hàng đã kịch trần rồi. Có một vài bài báo nói rằng VN sẽ vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Tôi thì không tìn điều này. Xuất khẩu cũng kịch trần rồi, chỉ có vậy thôi. Cá basa cũng rất cao rồi, không phát triển được thêm đâu. Cây cà phê cũng đến hạn rồi, hồ tiêu thì đã chiếm 60% thị phần thế giới, còn muốn phát triển đến bao nhiêu nữa. Vậy bên cạnh những thứ đã kịch trần rồi thì chúng ta phát triển cái gì là một bài toán phải giải. Tính làm sao để nông dân được lợi trong điều kiện thị trường đang thuận lợi như hiện nay.

Kéo công nghiệp về đồng bằng: Sai lầm chiến lược

Ông nói đây là thời cơ cho nông nghiệp, nhưng các KCN đang tràn xuống đồng ruộng đấy thôi?

Chúng ta cứ nói CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn, vậy nội dung đưa công nghiệp vào nông thôn như thế nào. Thực tế phát triển công nghiệp tại các địa phương đang rất đáng lo. Những nước phát triển như Nhật, Đức đi trước ta hàng trăm năm, về cơ bản Nhật vẫn tự túc được gạo cho gần 130 triệu dân của họ. Còn Đức, hầu như toàn bộ vùng miền Bắc mênh mông là dành cho nông nghiệp, chứ tuyệt nhiên không phát triển công nghiệp lớn.

Trong khi đó, chúng ta đang lôi tất cả công nghiệp về đồng bằng. Tôi lấy ví dụ, phát triển khu công nghiệp dệt may tại Hưng Yên, Hải Dương làm gì. Ta kéo công nghiệp vào ĐBSCL làm gì. Đây đều là những vựa lúa. Kéo công nghiệp vào có nghĩa chúng ta đang “tiêu diệt” những vùng trồng lúa mênh mông của VN, hình thành từ quá trình hàng nghìn năm nay. Diện tích đất của VN không nhiều, thậm chí rất thấp so với trung bình thế giới. Kéo công nghiệp về đồng bằng là một sai lầm mang tính chiến lược.

Chúng ta đang làm điều mà chỉ thế hệ sau thôi sẽ trách lớp người đi trước: Cha ông ta sao dốt thế! Sao lại sử dụng tài nguyên lãng phí thế! Điều này rất đáng lo, rất đáng buồn. Phải mở rộng thủ đô Hà Nội thì là điều buộc phải làm. Thủ đô không thể bé tí được. Nhưng tại sao lại đưa những khu công nghiệp dệt xuống “gan ruột” ĐBSH mà không đưa lên Phú Thọ, Bắc Giang. Tại sao Vĩnh Phúc không đưa công nghiệp vào các quả đồi bên trong mà lại đưa tất ra ruộng lúa. TOYOTA, HONDA nằm ngay trong vựa lúa mà không xê vào 1-2 km phía trong?

Sản xuất nông nghiệp đang bị bó lại bởi “khoán 10” đã hết vai trò lịch sử .Chúng ta phải tìm chính sách mới để thay thế chứ?

Nông nghiệp phát triển đến đây có lẽ đã khai thác gần hết tiềm năng rồi. Vấn đề bây giờ là phát triển công nghiệp để rút bớt nông dân ra để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Nếu để bấy nhiêu dân với từng ấy ruộng thì người ta vẫn làm như vậy thôi. Một người còn 1 sào đất thì đương nhiên người ta đi cuốc. Nếu họ có 1ha thì người ta sẽ sắm máy để cày. Còn 1 người 1 sào thì chả nhẽ ngồi chơi để đi thuê máy cày. Tôi không tán thành ý kiến cho rằng sản xuất nông nghiệp VN đã phần lớn là sản xuất hàng hóa.

Chăn nuôi: Đang rất ì ạch

Chăn nuôi nhỏ lẻ đã co bớt lại, nhưng các chính sách phát triển chăn nuôi tập trung lại chưa phát triển?

Kinh tế phát triển nhanh mà nông dân thấy trong túi họ không thêm tiền thì sẽ nảy sinh vấn đề xã hội. Tôi đã từng nói về sự kiện Thái Bình. Giả dụ như nông dân Thái Bình thấy năm sau nặng túi hơn năm trước thì chắc chắn sẽ không có sự kiện đó. Tất nhiên là còn nguyên nhân này khác nhưng chúng ta thấy rằng kinh tế là cốt lõi nhất trong bất cứ sự kiện xã hội nào. Không có chuyện quan chức địa phương nhập nhèm đất đai thì làm sao có khiếu kiện vượt cấp, đông người. Hiện tượng ấy chính là phản ánh quá trình kinh tế đang diễn ra trong từng khu vực nông thôn. Anh phát triển kinh tế không tốt, nảy sinh ra vấn đề xã hội, và sau xã hội là vấn đề chính trị.

Rõ ràng ở đây có vấn đề. Tuy giá thực phẩm tăng nhưng người chăn nuôi nhỏ lẻ không có lợi. Do vậy phải giải quyết được về mặt chính sách. Thay vì mỗi hộ nông dân có 1 chuồng lợn thì phải phát triển chuồng trại quy mô công nghiệp. Có thực tế là: Tại sao vùng Đông Nam bộ hình thành nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại rất sớm mà ĐBSH thì làm quá chậm chạp. Chỉ còn con đường phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trang trại dần tiến tới quy mô công nghiệp thì mới có sản phẩm giá thành hợp lý.

Liệu nhà nước có thể bỏ ra vài trăm tỷ miễn thuế đất, thuế nhu nhập DN để thúc đẩy phát triển nền chăn nuôi hiện đại?

Tôi về quê tại Phú Thọ có làm một thống kê nhỏ. Nhà mình trên vùng đồi trung du, trước đây từ dưới chân đồi lên đỉnh đồi có 25 nhà thì cả 25 nhà đều nuôi lợn, 2/3 số nhà có trâu, bò. Hiện nay chỉ còn 3 hộ nuôi lợn, còn lại bỏ hết vì không có lãi.

Tôi hình dung, quá trình này để yên tự nó cũng phát triển. Khi giá lên, nhiều người sẽ tính: À! Có nên nuôi lợn trở lại không nhỉ? Có điều nó sẽ tự thay đổi rất chậm để hình thành hộ chăn nuôi quy mô lớn. Nếu tác động bằng chính sách, quá trình này xảy ra nhanh hơn. Mình sẽ có sản xuất nông sản hàng hóa nhanh hơn. Tôi nhắc lại, nếu không có chính sách thì nó cũng sẽ hình thành, nhưng phải mất vài chục năm.

Ngoài ra, câu chuyện với chăn nuôi VN còn là làm thế nào để sản xuất được TĂCN công nghiệp. Chứ vẫn phải nhập ngô, đậu tương, bột cá từ những thị trường xa lắc, xa lơ, phải vận chuyển cả nửa vòng trái đất thì không có gì lạ khi giá TĂCN cao ngất ngưởng.

Khi đã thành nguồn hàng hóa lớn thì các kênh lưu thông cũng sẽ hình thành. Tại sao những anh mổ lợn tư nhân vẫn tồn tại được? Bời kèm theo đấy là chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu các trang trại lớn ra đời thì những anh này hết nghề luôn. Thay đổi nguồn cung sẽ kéo theo thay đổi kênh phân phối, thay đổi trong lực lượng tham gia thị trường.

Theo nongnghiep.vn


Báo cáo phân tích thị trường