Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo Việt Nam: Hợp tác, thay vì cạnh tranh
30 | 01 | 2008
- Đuổi kịp và vượt qua Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là viễn cảnh mà Việt Nam dường như không thể với tới. Vậy thì tại sao không bắt tay với người Thái để hình thành thế và lực mạnh nhất cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế? Thống kê của ba năm trở lại đây cho thấy Thái Lan ngày càng bỏ xa VN về lượng gạo sản xuất, xuất khẩu và trị giá ngoại tệ mang về từ xuất khẩu gạo. Từ thực tế này, có thể thấy rằng mục tiêu đuổi kịp và vượt qua người Thái trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là rất xa vời.

Thống kê của ba năm trở lại đây cho thấy Thái Lan ngày càng bỏ xa VN về lượng gạo sản xuất, xuất khẩu và trị giá ngoại tệ mang về từ xuất khẩu gạo. Từ thực tế này, có thể thấy rằng mục tiêu đuổi kịp và vượt qua người Thái trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là rất xa vời. Đây cũng là góc tham chiếu để thay đổi một tư duy kinh tế: Thay vì cạnh tranh với người Thái, nên hợp tác theo nguyên tắc win-win (đôi bên cùng thắng). Nhờ đó, mục tiêu nâng chất xuất khẩu, cải thiện thu nhập cho nông dân mà hội nghị tổng kết hoạt động xuất khẩu gạo năm 2007 và triển khai kế hoạch năm 2008 tổ chức vào chiều 18-1 đã đưa ra, mới có cơ may thành hiện thực.

Nhiều khó khăn nội tại

Năm 2008, thị trường gạo thế giới phát đi những tín hiệu thuận lợi cho VN. Nhu cầu tiêu thụ tăng, nhiều quốc gia mất mùa lúa mì, chuyển sang ăn gạo đã đưa ra những đơn hàng lớn. Thế cầu vượt cung đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng vọt. Ngoài ra, theo cổng thông tin điện tử RiceOnline, Thái Lan cũng vừa có thông báo năm nay sẽ giảm lượng gạo xuất khẩu (còn 8,7 triệu tấn) vì gặp khó khăn về nguồn cung.

Những thuận lợi trên là thời cơ để gạo VN bứt phá. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy năm nay, gạo VN chưa thể tiến xa hơn bởi còn khá nhiều khó khăn nội tại.

Thứ nhất, diện tích trồng lúa giảm dần theo từng năm. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, VN có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa, nhưng mỗi năm bị thu hẹp chừng 70.000 ha do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi đất nông nghiệp. Cũng may, nhờ những giống lúa cao sản, cho năng suất cao đã bù đắp sản lượng mất đi do giảm diện tích canh tác. Ngoài ra, hiểm họa mất mùa luôn rình rập bởi thiên tai bất thường và dịch bệnh nhiều, như rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá... Từ đó, những yêu cầu về an ninh lương thực buộc VN phải đặt mục tiêu sản xuất, xuất khẩu trong ngưỡng an toàn.

Thứ hai, Thái Lan có thể sẽ giảm xuất khẩu như đã thông báo, nhưng Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết suốt cả năm 2008, gạo Thái vẫn duy trì mức giá bán cao, tập trung thị trường xuất khẩu cao cấp. Đây là thị trường mang lại lợi nhuận lớn mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN đang hướng tới. Nếu Thái Lan tiếp tục chú trọng phân khúc thị trường này để tăng thu bằng những chủng gạo đặc sản thì khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp VN là rất thấp.

Như vậy, phát triển sâu tại thị trường trung cấp và hạ cấp bằng loại gạo trắng là hướng mở phù hợp cho các nhà xuất khẩu gạo VN bởi ở hai thị trường này, những năm qua hạt gạo VN thường thắng thế nhờ ngon hơn, đa dạng hơn.

Quan tâm đến người trồng lúa

Yếu tố quyết định sự thắng - thua của hạt gạo trên thương trường quốc tế chính là chất lượng. Gạo Thái Lan thắng lợi là nhờ ngon, thơm, dẻo, mẩy... , điều đó ai cũng đã thừa nhận. Gạo Thái ngon nhờ có nhiều giống lúa tốt, đặc sản; nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì chưa đủ để làm nên hạt gạo Thái hôm nay. Một chuyên viên của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nói: “Nền tảng làm nên chất lượng hạt gạo không chỉ từ hạt giống, mà được xây dựng từ ý thức của nhà khoa học - người nông dân - doanh nghiệp xuất khẩu - khách hàng”.

Chuyên viên này cho rằng, theo tìm hiểu của ông ta, ở VN có hiện tượng doanh nghiệp xuất khẩu không thu mua gạo trực tiếp của nông dân mà mua qua thương lái. Đây chính là kẽ hở khiến các loại gạo ngon bị “ăn gian” bằng cách pha tạp những loại gạo kém hơn. Thái Lan hạn chế thấp nhất khâu mua bán trung gian này. “Mua trực tiếp thì doanh nghiệp xuất khẩu kiểm soát được chất lượng gạo và người nông dân được lợi về giá” - đại diện của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết.

Tại VN, năm 2007 có thể được xem là thắng lợi về xuất khẩu gạo nhưng nông dân vẫn chưa vui. So với vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ, sản xuất lúa gạo ở miền Nam khả quan hơn nhiều: ĐBSCL và Đông Nam Bộ thu hoạch tăng 700.000 tấn so với năm 2006; tổng sản lượng lúa là 20,5 triệu tấn, riêng ĐBSCL chiếm đến 18,7 triệu tấn.

Các chuyên gia nông nghiệp VN từng đưa ra phép tính: Để làm ra 1 kg lúa, người nông dân chỉ mất 1.600 đồng gồm công lao động, phân bón, thuốc trừ sâu, thủy lợi, vận chuyển... Năm 2008, Hiệp hội Lương thực VN đưa ra mức giá thu mua tối thiểu có thể là 4.000 đồng/kg, vậy thì lãi ròng 2.400 đồng kg! Nhưng thực tế, một kỹ sư nông nghiệp tính ngược lại: Với tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng vọt như hiện nay, chi phí đầu vào để làm ra 1 kg lúa không thể là 1.600 đồng, mà đã tròm trèm 2.400 đồng (chưa kể rủi ro mất mùa). Trong tình hình đất canh tác ngày càng ít, nhân khẩu lại tăng, lợi tức chừng ấy cho nông dân vẫn còn “hẻo” lắm!

Bắt tay với người Thái

Để tiếp tục giữ thế so kè với hạt gạo Thái, VN phải bắt tay với Thái Lan trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo. Cách nghĩ này được cụ thể hóa vào cuối năm 2006, bằng bản ghi nhớ được ký giữa Chính phủ hai nước. Theo đó, mỗi tháng hai lần, hai nước trao đổi nhau thông tin về gạo nhằm ngăn tránh tình trạng bị các khách hàng mua gạo “làm giá”. Và cứ ba tháng một lần, hai bên sẽ tổ chức hội thảo định kỳ để các nhà xuất khẩu hai nước cùng bàn bạc về kế hoạch hợp tác. Giám đốc cơ quan ngoại thương Thái Lan Apiradi Tantraporn cho rằng bản ghi nhớ sẽ giúp hai nước kiểm soát hiệu quả lượng gạo lưu trữ, chống gian lận giá và các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Thực ra, từ nhiều năm trước, hợp tác về gạo giữa Thái Lan và VN đã được thực hiện, như trao đổi chuyên môn giữa các cơ quan nghiên cứu, tổ chức các đoàn nông dân khảo sát, tìm hiểu về kỹ thuật trồng trọt... Tuy nhiên, mức độ hợp tác chỉ là “sơ khai” và về cơ bản, vẫn “hồn ai nấy giữ”. Tại cuộc gặp lãnh đạo cấp cao tại Cebu - Philippines mới đây, Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất gạo. Những triển vọng hợp tác này mở ra một hướng đi mới, chắc chắn hơn cho hạt gạo VN trên trường quốc tế: Liên kết để hình thành thế và lực mạnh nhất.

Chuyên đề này được thực hiện theo Chương trình Imaging Our Mekong, do IPS Asia-Pacific và Probe Media Foundation tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường