Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa, gạo tăng giá: Nhà nông... lo!
30 | 01 | 2008
Ở đồng bằng sông Cửu Long lác đác đã thu hoạch lúa đông xuân sớm. Ngay thời điểm này, giá lúa gạo đang đạt mức cao kỷ lục. Tuy vậy, nông dân mừng ít, lo nhiều vì giá phân bón và các loại vật tư tăng cao tới mức không thể ngờ.

Giá lúa tăng một... 

Hiện nay, một số tỉnh ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và vùng Đồng Tháp Mười đang thu hoạch diện tích lúa đông xuân sớm. Năng suất đạt trên dưới 6 tấn/ha. Lúa được mùa và được giá, thương lái khắp nơi đổ về giành nhau mua từng ghe lúa. Do cung ít, cầu nhiều nên giá lúa từ đầu năm đến nay tăng liên tục và được đẩy lên tới mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện giá lúa thơm là 4.200đ/kg, lúa thường 3.700 - 3.800đ/kg (kỷ lục trước đây được lập ở vụ đông xuân 2006 là giá lúa thơm 3.200đ/kg, lúa thường 2.900 đ/kg). Theo ông Tư Thành ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An, thì với giá lúa như hiện nay, nông dân lãi trên dưới 1.500đ/kg - một con số khá hấp dẫn mà không phải vụ lúa nào cũng có được.


Theo tin từ Bộ Công thương, giữa tháng 1/2008, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đạt mức 380 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm cuối năm 2007; gạo 25% tấm cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với cuối năm 2007, để đạt mức 300 USD/tấn. Mặc dù, mới đây Bộ Công thương đã cho phép các nhà nhập khẩu trong nước được nhập 150.000 tấn gạo miễn thuế từ Campuchia trong năm 2008, nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm lúa gạo ở ĐBSCL trong thời điểm giáp hạt, tuy vậy, nguồn cung vẫn khó khăn. Giá lúa vẫn... thẳng tiến. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch  Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa: "Nhu cầu gạo thế giới tăng mạnh, trong khi nguồn cung lại có xu hướng giảm. Do đó, giá gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ đạt mức cao có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân".

 
Giá phân bón lại tăng... ba

Chưa có năm nào mà vụ đông xuân giá phân bón lại tăng cao và tăng liên tục suốt vụ như năm nay. Cụ thể, vụ đông xuân 2006 – 2007, giá DAP Trung Quốc là 275.000đ/bao, cuối năm 2007 tăng lên 510.000đ/bao và đầu tháng 1/2008 nhảy vọt lên 650.000đ/bao; Phân NPK - 202 - 15 Đầu Trâu (Bình Điền) cũng "nhảy lên" 550.000đ/bao; Urê từ 225.000đ tăng lên  305.000đ/bao- Mức tăng mà không có nông dân nào ngờ tới. Ông Ba Minh ở thị trấn Vĩnh Hưng, Long An, tính toán: 1ha lúa bón bình quân 500kg phân các loại. Cứ cho là 1kg phân tăng 3.000đ so với vụ đông xuân trước thì phải bỏ ra thêm 1,5 triệu đồng. Nếu nông dân thiếu vốn, mua nợ phân bón của các đại lý đến cuối vụ mới trả lại thì phải cộng thêm lãi suất 5 - 10% (trước đây là 2%) vào giá 1 bao phân. Tính rộng ra, toàn vùng ĐBSCL, vụ này diện tích xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, lượng phân bón các loại ước sử dụng trên 700.000 tấn, thì chi phí riêng về phân bón đã tăng cả trăm tỷ đồng so với vụ đông xuân trước. Ông Minh than thở: "Làm ruộng bây giờ mệt thật, trong khi giá lúa chật vật tăng được 1.000 đ/kg thì giá phân bón tăng gấp 2-3 lần. Ngoài phân bón, giá xăng dầu và thuốc bảo vệ thực vật cũng đang “hành” dân! Đến một lúc nào đó trụ không vững có lẽ... phải bán đất"!               


Cùng với cơn "bão giá" đang xô đẩy nhà nông, ở một số địa phương, dịch rầy nâu đang bùng phát. Tại Bạc Liêu, diện tích lúa nhiễm rầy lên tới gần 20.000ha; Hậu Giang trên 20.000ha. Điều đáng lo ngại là ở một số huyện như Vị Thuỷ, Long Mỹ... hàng ngàn hecta lúa xuống giống đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp để "né rầy" vẫn bị nhiễm rầy. Chi phí sản xuất của nông dân đã tăng nay lại càng tăng.      

 
Và thêm nỗi ám ảnh giá… nhân công

Phải đến sau Tết Nguyên đán, ĐBSCL mới vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tuy vậy, ngay từ bây giờ, nông dân đã nơm nớp lo giá tăng và khan hiếm nhân công cắt lúa. Ông Ba Tráng ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An, nhà có hơn 10ha lúa đông xuân, nhớ lại: "Vụ đông xuân năm ngoái, giá công cắt lúa đã "sốt nẩy người", từ 70.000 - 80.000đ/công (1.000m2) tăng lên 100.000đ/công, rồi thợ ép chủ bằng được giá 120.000 đ/công. Tính ra, 1ha riêng công cắt lúa đã là 1,2 triệu đồng. Không biết năm nay giá sẽ đội lên bao nhiêu? Có lẽ không dưới 1,5 triệu đồng/ha?".


Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tình trạng thiếu lao động cắt lúa năm nào cũng xảy ra và sẽ ngày càng trầm trọng. Vì, nông thôn ĐBSCL đang dần rơi vào tình trạng chỉ còn người già và trẻ con. Lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ đang chuyển dịch ra thành phố, khu công nghiệp. Thiếu lao động nông nghiệp nói chung và lao động gặt lúa vào mỗi mùa thu hoạch nói riêng, người nông dân và chính quyền tỉnh nào cũng tiên liệu được, nhưng muốn cơ giới hoá thay sức người thì phải đầu tư, phải có vốn. Vì vậy mà có tỉnh "tiên" được nhưng không "liệu" được vì “lực bất tòng tâm”. Trừ một vài tỉnh như An Giang, Kiên Giang... kịp thời có chính sách động viên, khuyến khích nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH), như hỗ trợ nông dân lãi suất vay vốn ngân hàng trong 2 năm. Ông Trần Quang Củi, Phó GĐ Sở NN & PTNT Kiên Giang, cho biết, trong năm 2008, sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân mua thêm khoảng 100 máy GĐLH, nâng tổng số máy trong toàn tỉnh lên 320 chiếc, thu hoạch bằng cơ giới đạt từ 25 - 30% trong từng vụ và sẽ được tiếp tục nâng thêm trong các vụ sau, năm sau. “Chỉ có như vậy mới tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao được chất lượng lúa gạo, giúp hạt lúa vượt ra khỏi đồng bằng đến với thị trường quốc tế" - ông Củi nói



Hồ Khánh Thiện - vovnews
Báo cáo phân tích thị trường