Cung không đủ cầu
Trong buổi tổng kết và triển khai hoạt động năm 2008 mới đây, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - phải thốt lên: "Ở thời điểm này, không tìm đâu ra một hột gạo nào ở đồng bằng sông Cửu Long để mà xuất khẩu. Hầu hết sản lượng đều đã được bán hết từ cuối năm trước, năm nay đành phải chờ vụ thu hoạch". Số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11.2007, các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu vỏn vẹn 70.000 tấn gạo, trị giá 23,2 triệu USD, giảm 78% về lượng và 79% về kim ngạch so với tháng 10.2007; giảm 63% về lượng và 57% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân khan hiếm gạo, theo ông Trương Thanh Phong là do dân số Việt Nam ngày một tăng, thiên tai ngày càng nhiều trong khi diện tích, sản lượng lúa gạo không tăng bao nhiêu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên thế giới cũng tăng mạnh. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn thế giới trong năm 2008 đạt khoảng 420 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với năm 2007. Trong khi đó tiêu dùng ước đạt 418 triệu tấn, tăng 4,39 triệu tấn so với năm trước. Tình hình thiếu hụt nông sản sẽ còn nghiêm trọng, đặc biệt là do thiếu lúa mì nên khuynh hướng tiêu thụ lúa gạo sẽ càng mạnh hơn.
Tại Thái Lan, dự kiến xuất khẩu gạo năm 2008 đạt khoảng 8,7 triệu tấn, giảm hơn 700.000 tấn so với năm 2007. Tại Ấn Độ, do thiếu hụt lúa mì và bắp nên nước này đang áp dụng các biện pháp để hạn chế xuất khẩu. Đối với Trung Quốc, mặc dù là nước xuất khẩu gạo nhưng năm nay Trung Quốc sẽ không tiếp tục xuất mà có thể sẽ tăng lượng nhập khẩu gạo và các loại nông sản. Đối với các nước nhập khẩu gạo, Bangladesh dự kiến nhập trên 1 triệu tấn do nước này liên tục gặp thiên tai phải cần đến nguồn cung cấp gạo của Việt Nam. Philippines cũng có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay.
Giá gạo tăng đến đâu?
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2007 luôn ở mức cao. Đặc biệt trong tháng 10.2007, gạo Việt Nam được giá cao nhất với 352 USD/tấn. Bình quân cả năm 2007, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 326 USD/tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 52 USD/tấn. Đây cũng là năm đầu tiên giá gạo Việt Nam xuất khẩu ngang bằng với gạo Thái Lan cùng cấp các loại. Thậm chí có những thời điểm giá gạo loại 25% tấm của Việt Nam đã trúng thầu cao hơn gạo Thái Lan 8 USD/tấn. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2008 dự kiến sản lượng lúa đạt khoảng 36 - 36,5 triệu tấn, sau khi trừ tiêu dùng trong nước khoảng 27,8 triệu tấn thì lượng lúa hàng hóa ở mức 8,2 - 8,7 triệu tấn, tương đương 4,5 - 4,8 triệu tấn gạo. Vì vậy dự kiến năm 2008 cả nước chỉ xuất khẩu được 4,5 triệu tấn, bằng con số xuất khẩu gạo của năm 2007.
Dự báo giá gạo trong năm 2008, ông Trương Thanh Phong cho biết: "Năm nay các doanh nghiệp tiếp tục không đủ gạo để bán. Lợi thế nằm trong tay của mình, vấn đề là phải làm sao cho có lợi cả người nông dân, nhà xuất khẩu". Ông Phạm Văn Bảy - Giám đốc Công ty nông sản xuất khẩu An Giang (Afiex) cũng nhận định: "Năm 2008, nông dân có thu nhập cao nhất trong nhiều năm nay. Với giá lúa hiện tại là 4.000 đồng/kg và khó xuống thấp, bà con nông dân sẽ trúng lớn. Tuy nhiên năm 2007 vẫn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận thấp hoặc chỉ hòa vốn. Cần khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, và phải minh bạch trong việc phân chia chỉ tiêu cho các thành viên trong hiệp hội".
Theo Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công thương, năm 2008 giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục ở mức cao, có thể đạt từ 350 - 400 USD/tấn. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng, giá phân bón tăng... nên chi phí sản xuất lúa trong vụ đông xuân năm 2008 có thể lên tới 1.800 đồng/kg. Để xuất khẩu hiệu quả, Bộ Công thương cũng chuẩn bị ban hành quy chế thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung trong năm 2008. Một số điểm đáng chú ý trong quy chế này là doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam; giá xuất khẩu gạo trong hợp đồng phải phù hợp với khung giá hướng dẫn của Hiệp hội tại thời điểm đăng ký...
Theo Bộ Công thương, năm 2008 sẽ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 150.000 tấn gạo miễn thuế từ Campuchia và sẽ tiếp tục miễn thuế đến năm 2009 nhằm góp phần giảm bớt tình trạng khan hiếm lúa gạo trong những lúc giáp hạt. Hiện tại lúa từ Campuchia đang nhập qua biên giới Tây Nam thuộc các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp với giá dao động từ 3.500 - 3.700 đồng/kg nhưng số lượng chưa nhiều. Dự báo sau Tết Nguyên đán, lượng lúa từ Campuchia nhập sang sẽ tăng vọt.