Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần xem lại chính sách ưu đãi thuế
19 | 03 | 2008
Chiều 17-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự án sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Vấn đề được bàn nhiều nhất là chính sách ưu đãi thuế.
70% doanh nghiệp nước ngoài khai lỗ Hiện nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường là 28%. Nếu được ưu đãi, doanh nghiệp có thể hưởng mức thuế suất 10%, 15%, 20% (tùy thuộc lĩnh vực hoạt động và địa bàn hoạt động) trong 15 năm, 12 năm, 10 năm từ khi bắt đầu kinh doanh. Trong thời gian hưởng thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp còn được miễn vài ba năm đầu, giảm 50% thuế trong nhiều năm tiếp theo, chỉ vài ba năm cuối mới phải nộp 100% thuế theo thuế suất ưu đãi. Việc miễn, giảm thuế được tính từ thời điểm doanh nghiệp có lãi. Do đó, nếu doanh nghiệp cứ “dùng dằng” không có lãi mãi thì khỏi phải nộp thuế. Ông Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết tại TP có đến 70% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khai lỗ. Thậm chí khi rà soát lại hồ sơ xin hoàn thuế thì có đến 50% doanh nghiệp khai lỗ liên tục 10 năm. Tính ra số lỗ đã làm “bay” mất vốn điều lệ của doanh nghiệp đó. Thế mà doanh nghiệp vẫn hoạt động và tiếp tục mở rộng hoạt động. Thậm chí có doanh nghiệp có đến vài ba chục ngàn công nhân mà bảy, tám năm liền chỉ nộp có mỗi thuế môn bài! Không nên đánh thuế từ thiện Ông Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP, đồng thời là Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP cho biết dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp còn một số bất hợp lý. Cụ thể, dự án này bắt các “tổ chức có thu nhập không chia” phải nộp thuế thu nhập. Hiểu nôm na đây là tổ chức phi lợi nhuận. Ông Lịch ví dụ một người bỏ 100 triệu USD xây bệnh viện. Khi bệnh viện này hoạt động thì có thu nhập, có lãi. Phi lợi nhuận không có nghĩa là hoạt động không sinh lãi. Nếu không có thu nhập, không có lãi thì làm sao duy trì hoạt động. Tuy nhiên, khi có lãi thì lãi này không đem ra chia cho thành viên hay chủ đầu tư mà lãi được đưa vào hoạt động tiếp. Như vậy gọi là “có thu nhập không chia”. Ở nước ngoài, họ không thu thuế đối với các tổ chức này để khuyến khích phát triển. Thế nhưng dự án của ta lại đưa vào đánh thuế là bất hợp lý. Ngoài ra, ông Trần Du Lịch cũng cho biết một bất hợp lý khác là từ 2009, các hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, không nộp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nữa. Với Luật Thuế thu nhập cá nhân, người kinh doanh cá thể được trừ các khoản đóng góp từ thiện, tài trợ. Trong khi với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp lại không được trừ là bất hợp lý.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường