Ông Phan Đức Tú, Phó tổng giám đốc BIDV, nói với chúng tôi: “Chỉ cần một nửa số vốn trên được chấp thuận đầu tư và giải ngân, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng đầu tư nước ngoài tại Lào sẽ thay đổi”. Điện, mỏ, giao thông
Ông Lê Quang Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng điện và mỏ của Vinashin, sau buổi sáng làm việc với Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, đã có trong tay thông tin về hầu hết các mỏ khoáng sản, các dự án đã và chuẩn bị được cấp phép trong lĩnh vực khai khoáng, thậm chí cả những hồ sơ của nước ngoài đang chờ cấp phép.
Vinashin, ngoài dự án thủy điện trên Sông Nậm Xăm, Tỉnh Hủa Phăn với tổng vốn đầu tư lên đến 876 triệu đô la Mỹ, nhà máy bột giấy, đang nhắm tới các dự án khai thác mỏ chì, kẽm, đồng tại hai địa phương Attapư và Oudomxay. Công việc khảo sát, thăm dò các mỏ dự kiến tiến hành trong hai năm và đã nhận được ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành có liên quan của Lào. Giờ chỉ còn chờ giấy phép chính thức của Chính phủ Lào là Vinashin có thể bắt tay vào việc. Ông Lê Quang Anh đã lăn lộn ở Lào hai tháng nay và hy vọng ngày nhận được giấy phép đầu tư từ phía Lào sắp đến!
Petro Vietnam dường như đang nhanh chân hơn. Theo ông Lê Như Linh, Phó trưởng ban Kế hoạch và Đầu tư Petro Vietnam, tập đoàn này đã cử chuyên viên sang đàm phán, chuẩn bị cho việc ký MOU (biên bản ghi nhớ) về hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Các dự án của Petro Vietnam gồm khai thác Barite và đất sét Bentonite tại Savanakhet và Hủa Phăn; thăm dò dầu khí tại Vientiane và Pakse; Thủy điện Sekong 3 và Luang Phrabang; xây dựng tổng kho xăng dầu tại Nam Lào. Việc đích thân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro Vietnam Đinh La Thăng đã bay sang, tiếp kiến, làm việc với Thủ tướng Lào cho thấy tầm quan trọng của những dự án trên.
Dự án của Vinatex là nhà máy sợi cao cấp 6 vạn cọc; của Công ty Chí Thành là khai thác, chế biến thạch cao; của Vina Properties là chuyển phát nhanh và cảng trung chuyển phức hợp Vũng Áng (Hà Tĩnh) chuyên phục vụ cho xuất nhập khẩu của Lào; của Mirex là hai nhà máy khai thác quặng sắt, luyện thép với tổng vốn đầu tư dự kiến 186 triệu đô la Mỹ.
Sản phẩm của các dự án này, một khi đi vào hoạt động, sẽ phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Nguồn vốn đầu tư cho các dự án, ngoài vốn tự có của các doanh nghiệp, BIDV là “bà đỡ” đứng phía sau. Và điểm then chốt là Chính phủ Việt Nam đã bật đèn xanh, ủng hộ các công ty đầu tư vào Lào.
Cải thiện hình ảnh, nâng cao vị thế
Kể từ khi Ngân hàng Liên doanh Việt - Lào được thành lập, sự hiện diện của BIDV ở Lào ngày một sâu rộng hơn. Năm ngoái BIDV tài trợ 27 triệu đô la Mỹ cho hai dự án trồng cây cao su tại đây của Công ty Cao su Daklak và Công ty Công nông nghiệp Bình Định. BIDV cũng thu xếp vốn cho dự án thủy điện Sekaman 3 của Công ty Cổ phần Điện Việt - Lào với số tiền 1.054 tỉ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn cho vay 45 triệu đô la Mỹ để triển khai dự án đường 18B.
Thế nhưng sự có mặt gần như đơn độc trong vai trò tiên phong của BIDV chưa thể ngay lập tức cải thiện vị trí của Việt Nam trong bảng tổng sắp đầu tư nước ngoài tại Lào. Với 106 dự án, tổng vốn đầu tư 516 triệu đô la Mỹ, Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan, Trung Quốc.
Hơn nữa, những năm gần đây, các công ty nhỏ của Việt Nam đầu tư sang Lào khá manh mún, chủ yếu xin cấp phép các dự án, sau đó chậm triển khai, hoặc không triển khai mà sang tên cho các đối tác khác, hưởng chi phí chênh lệch. Họ đã tạo ra một hình ảnh, một tiền lệ không mấy tốt đẹp về các nhà đầu tư Việt Nam ở đất nước triệu voi. Điều này cũng làm nản lòng không ít các cơ quan quản lý đầu tư của Lào.
Ông Sombun Lasasombat - Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, khi tiếp các doanh nghiệp Việt Nam đã không giấu rằng: “Trong khai thác mỏ, việc thẩm định và cấp phép cho các dự án cần sự tham gia của các bộ liên quan. Khai thác ở đâu, điều kiện thế nào, hiệu quả ra sao đều phải tính toán thận trọng. Chúng tôi đã có kinh nghiệm, đã rút ra những bài học. Trước đây, ai xin đầu tư cũng cấp và hiệu quả không như mong muốn”.
Cụ thể hơn, một chuyên viên của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào nói: “Hiện có hơn 100 công ty tìm kiếm, khai thác 16 loại khoáng sản ở Lào, trong đó có 10 công ty Việt Nam. Mười hồ sơ khác đang được trình Chính phủ Lào, kể cả hồ sơ của Vinashin”.
Phía Lào chủ trương xây dựng các nhà máy chế biến khoáng sản, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác được, không muốn xuất khẩu thô. Và để tránh tình trạng chuyển nhượng dự án mà không triển khai đã từng xảy ra, phía Lào nói thẳng: “Chúng tôi cần công văn thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tin cậy, tài trợ cho doanh nghiệp nào, chúng tôi tin cậy, cấp phép cho doanh nghiệp đó”.
Khi tiếp các doanh nghiệp Việt Nam, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Lào Somsavat Lengsavad nói: “Các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đến hơi muộn. Đáng lẽ Việt Nam phải đến sớm hơn. Tại sao Việt Nam chỉ có thể đứng thứ ba về đầu tư nước ngoài? Không phải phía Lào không muốn Việt Nam vào đầu tư. Lần này chúng ta phải bàn được, làm được, hợp tác được và thực hiện được. Trước đây hai bên chỉ nói chính trị chung chung, giờ cần triển khai cụ thể”.
Như vậy, việc đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào bây giờ mang một ý nghĩa, trách nhiệm nặng nề hơn. Đó không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà cả nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam tại đây như những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có vốn liếng, nhân lực và công nghệ thực sự.
Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Lào tổ chức tại Cửa Lò (Nghệ An) tháng 9-2007, Chính phủ đã giao cho BIDV xúc tiến thành lập Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào. Trao đổi với quan chức các bộ, ngành Lào, ông Phan Đức Tú cam kết: “Các doanh nghiệp chúng tôi có đủ năng lực tài chính, công nghệ, con người, sự ủng hộ của Chính phủ. Nếu có sự đồng thuận và hỗ trợ của các bộ, Chính phủ Lào, chúng tôi sẽ thực hiện được những dự án mà hai bên quan tâm”.
Ông nói với chúng tôi bên ngoài hành lang cuộc họp: “BIDV không chỉ thúc đẩy đầu tư vào Lào, mà tham gia hỗ trợ các cơ quan quản lý Việt Nam để thẩm định, quản lý các dự án một cách thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo, giẫm chân nhau. Chính phủ Việt Nam sẽ có ý kiến ủng hộ chính thức các doanh nghiệp và như thế sẽ tạo được sự tin cậy ở phía Lào. Việc xử lý các phát sinh, tồn tại trước đây sẽ đơn giản hơn”.
BIDV với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào, đang đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, nói ngắn gọn là “người cầm chịch” kết nối các doanh nghiệp, các khâu từ sự ủng hộ của giới doanh nhân trong làm ăn, đến sự ủng hộ của chính phủ hai nước.
Đây là sự chuyển biến tích cực đáng ghi nhận trong tư duy kinh doanh của một ngân hàng quốc doanh tầm cỡ trước thềm cổ phần hóa (tổng tài sản của BIDV hiện là 190.000 tỉ đồng). Bởi ở vị trí đầu tàu, BIDV có khả năng kéo các toa tàu doanh nghiệp Việt Nam khác đầu tư vào Lào và đó cũng là đầu ra chắc chắn cho đồng vốn của ngân hàng từ cho vay đến thanh toán quốc tế, chuyển tiền và hàng loạt dịch vụ tài chính trọn gói khác.
Ở đất nước không có biển như Lào, các doanh nghiệp Việt đang tạo ra những con sóng và khi Cảng Vũng Áng hoạt động, các con sóng có thể sẽ trở thành những vòng sóng lớn không ngừng.
* Lào rất giàu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản với đồng, sắt, chì, kẽm, thạch cao, vàng... và các dòng sông có tiềm năng xây dựng nhà máy thủy điện. Rừng ở Lào hầu như vẫn còn nguyên, chưa bị tàn phá. Ra khỏi Vientiane khoảng 10 ki lô mét, hai bên đường là rừng ngăn ngắt. Đất đai, bất động sản được chuyển nhượng với giá thấp hơn nhiều so với bất động sản ở Việt Nam. Những ngôi biệt thự mẫu được xây dựng bên bờ sông Mêkông, cạnh khách sạn Don Chan Palace, đang được rao bán với giá 187.000-207.000 đô la Mỹ/căn.
NanThy, Chánh văn phòng Ngân hàng liên doanh Việt - Lào, cho biết sông Mêkông đoạn chảy qua Vientiane rất hiền hòa, hầu như không có lũ lụt. Hàng chục ki lô mét dài bên bờ sông, với đường nhựa phía sau, rất gần với Phủ chủ tịch, trung tâm thủ đô, vẫn còn bỏ hoang cho cỏ mọc. Bên kia sông là đất Thái Lan. Một cơ hội đầu tư hiếm có cho các công ty kinh doanh bất động sản.