Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành mía đường: Thêm sức ép từ đường nhập khẩu
26 | 11 | 2013
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hàng triệu nông dân trồng mía và khoảng 40 nhà máy đường trong nước sẽ rơi vào cảnh khó khăn nếu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được phép nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam.
VSSA khẳng định như vậy sau khi HAGL có kiến nghị xin phép nhập khẩu 30.000 tấn đường sản xuất tại tỉnh Át- ta-pư (Lào) về nước để tinh luyện rồi tái xuất. Cụ thể, số đường này được HAGL Đoàn Nguyên Đức bán lại cho Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS) tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VSSA cho biết, hàng triệu nông dân trồng mía trên khắp cả nước sẽ là người chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất nếu kế hoạch trên của HAGL được các cơ quan chức năng thông qua. Ông Long phân tích, do Chính phủ Lào có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành mía đường tại đất nước này, do đó, giá thành mía, đường HAGL sản xuất tại Lào rất thấp, chỉ bằng 30% so với giá mía, đường trong nước. 
 
Cụ thể, tại Lào, HAGL thu mua mía với giá khoảng 296.000 đồng/tấn, đường chưa qua tinh luyện có giá khoảng 4,32 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, tại Việt Nam, các nhà máy đường thu mua mía nguyên liệu của nông dân từ 950.000 - 1,2 triệu đồng/tấn, chiếm hơn 70% giá thành của 1 tấn đường.
 
Hơn nữa, dự kiến niên vụ mía đường 2013-2014 Việt Nam sẽ thừa khoảng 600.000 tấn đường, chưa kể 400.000 - 500.000 tấn đường nhập lậu từ Thái Lan, tạo sức ép rất lớn cho tiêu thụ đường trong nước. Do đó, việc HAGL và BHS hợp tác đưa 30.000 tấn đường giá rẻ từ Lào về Việt Nam sẽ buộc các nhà máy đường trong nước phải hạ giá mua mía của nông dân để cạnh tranh. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng nông dân thua lỗ, bỏ trồng mía.
 
Ông Đỗ Thanh Liêm - Phó Chủ tịch VSSA kiêm Tổng Giám đốc Nhà máy Đường Khánh Hòa cũng chia sẻ, hiện việc xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu phụ Bản Vược (Nghệ An) là lối thoát duy nhất để giải quyết tình trạng dư thừa đường trong nước. Trong khi các cơ quan chức năng không thể ngăn chặn tình trạng đường lậu càng khiến các nhà máy đường chật vật hơn để tồn tại.
 
Ngày 13/11/2013, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không chấp thuận đề xuất của Bộ Công Thương theo đề nghị của HAGL và BHS về việc nhập khẩu đường sản xuất tại Lào để chế biến rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ, lối mở.
 
Gần đây, VSSA cũng đã đề nghị nếu Bộ Công Thương cho phép HAGL đưa đường từ Lào về Việt Nam thì nên đưa lượng đường này vào quota nhập khẩu theo cam kết với WTO của năm 2014, tức khoảng 80.000 tấn.
 
Nguồn: Dân Việt
 


Báo cáo phân tích thị trường