Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ trước giờ G: DN lúng túng... chờ
16 | 10 | 2008
Thị trường bán lẻ Việt Nam trước “giờ G” mở cửa vào ngày 1/1/2009 theo cam kết gia nhập WTO đang đặt ra nhiều thách thức cho các DN bán lẻ trong nước. Trao đổi với DĐDN, ông Trịnh Đình Long - TGĐ AMICA group, DN chuyên về tư vấn, đào tạo trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ cho rằng đa số các DNVN chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ có một số ít các DN lớn mới cảm nhận được sức ép và họ đã có sự chuẩn bị khá tốt. Còn phần lớn vẫn coi như việc... tương lai.
Thụ động

Ông Nguyễn Hữu Lộc - TGĐ Cty Leantek Việt Nam cho rằng các DN Việt Nam mặc dù đã ý thức được khả năng cạnh tranh sẽ rất gay gắt với các DN nước ngoài song họ còn khá lúng túng trong sự chuẩn bị. Nguyên nhân là các DNVN nhận thức tìm hiểu về đối tác chưa sâu, trong khi đối tác hiểu ta hơn là ta hiểu đối tác. Thậm chí ta còn thiếu những quyết sách lớn của Nhà nước trong vấn đề này. Tóm lại là cả tầm vĩ mô và vi mô đều chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Thậm chí, ông Lộc còn ví von DN Việt Nam hiện đang thiếu chiến lược, giống như đang đi trong bóng đêm chưa có định hướng phát triển, chưa hiểu mình đang ở đâu và khi DN nước ngoài vào mình có đối đầu trực diện với họ được hay không? Mình sẽ liên doanh hay đối đầu trực diện với họ? Đây là những câu hỏi lớn mà DN phải trả lời. Ông dự đoán, các DN FDI sẽ không tiếp cận ồ ạt, họ sẽ tiếp cận từ từ, thận trọng. DNVN nên tận dụng lúc mà người ta còn đang thận trọng để tự hoàn thiện mình và đưa ra những chiến lược cụ thể.

“Các DN nươc ngoài sẽ vào không ồ ạt mà từ từ, có thể cảm nhận sẽ không thấy ngay nhưng họ làm rất chắc và rất bài bản, chính vì vậy mà đến tận bây giờ các DN VN cũng chưa cảm nhận được “sức nóng” của nó. Nếu không chuẩn bị kỹ thì chuyện thua là đương nhiên” - ông Trịnh Đình Long nói.

Bắt đầu từ đâu?

Ông Trịnh Đình Long cho rằng, các DN đều làm theo cách mà họ cho là đúng, tức là họ cử cán bộ đi học, thậm chí là đi nước ngoài để học hỏi, ngoài ra một số DN cũng đã bắt đầu thuê TGĐ là người nước ngoài, thuê chuyên gia tư vấn...

Tuy nhiên, nhân lực cấp cao trong lĩnh vực đào tạo phân phối, bán lẻ ở Việt Nam còn quá ít, thậm chí là không có nên các DN khá lúng túng. Phương thức kinh doanh hiện đại sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, do vậy sẽ phải có rất nhiều người ở các DN phải đi đào tạo lại trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Cái lo của bán lẻ Việt Nam chính là vấn đề con người, con người không thể một sớm một chiều là có ngay được mà phải có cả một quá trình. DN có thể thuê ngay được một TGĐ nước ngoài về làm, chúng ta có thể có một vị trí mặt bằng tốt, có quan hệ khách hàng tốt... nhưng nếu nguồn nhân lực không tốt thì sẽ rất khó thực hiện” - ông Long nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, không phải DN nội không có những lợi thế hơn các nhà đầu tư nước ngoài. Trước một nhà đầu tư nước ngoài với kinh nghiệm, vốn, nhân lực và sự chuyên nghiệp trong kinh doanh thì các nhà đầu tư trong nước lại có những thế mạnh mà các nhà đầu tư nước ngoài không thể có ngay đó là: các nhà đầu tư trong nước đã hiện diện lâu dài, hiểu rõ văn hoá tiêu dùng của người Việt, hiểu rõ con người Việt Nam hơn bất kỳ một nhà đầu tư nước ngoài. Với những thế mạnh đó, cộng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, vật lực... tin rằng các DN Việt Nam sẽ tự tin bước vào một giai đoạn kinh doanh mới.

“Thị trường bán lẻ sau ngày 1/1/2009 sẽ chuyển biến từ từ, việc mất dần thị phần của các DN Việt Nam là khó tránh khỏi, việc thu hút khách hàng và khai thác nguồn hàng sẽ khó khăn hơn. Xu thế người tiêu dùng sẽ đi siêu thị nhiều hơn và các cửa hàng truyền thống sẽ khó khăn hơn trong kinh doanh.”

Ông Trịnh Đình Long



Nguồn: DDDN
Báo cáo phân tích thị trường