Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo trước một thảm họa môi trường
02 | 08 | 2007
Theo Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, bình quân mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 111.600m3 nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó chứa hàng chục tấn hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Thêm vào đó, nước thải đô thị chưa xử lý cũng được đổ thẳng ra đây. Vận tải hàng hóa trên sông Đồng Nai cũng góp phần làm ô nhiễm sông

Những con số báo động

Theo Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, bình quân mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 111.600m3 nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó chứa hàng chục tấn hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Thêm vào đó, nước thải đô thị chưa xử lý cũng được đổ thẳng ra đây.

Vận tải hàng hóa trên sông Đồng Nai cũng góp phần làm ô nhiễm sông.

Kết quả quan trắc cho thấy, hiện ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai (sau đập Trị An trên sông Đồng Nai, sau đập Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Thị Vải), nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm rõ rệt. Sông Sài Gòn cũng đã bị nhiễm mặn ở khu vực cửa sông và vùng ven biển.

Sông Thị Vải đã bị ô nhiễm hữu cơ ở mức nghiêm trọng. Sông Vàm Cỏ Đông bị nhiễm phèn và axít hóa ở mức độ cao. Nguồn nước tại hạ lưu các sông Đồng Nai-Sài Gòn đã ô nhiễm đến mức báo động. Đáng lo ngại, có nhiều đoạn sông, hồ chứa phía thượng nguồn- nơi được coi là sạch nhất đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ rõ rệt như ở thác Cam Ly và một số hồ ở khu vực thành phố Đà Lạt.

Đặc biệt ở hồ Trị An - xung quanh khu vực các làng nghề nuôi cá bè, nồng độ ôxy hòa tan (DO) trong nước hồ tụt giảm đến mức kỷ lục và kéo dài suốt một đoạn dài gần 10 km từ sau cầu La Ngà, kèm theo các mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt hồ. Do quá trình làm sạch của sông Sài Gòn, đặc biệt sau khi hợp lưu với sông Đồng Nai có lưu lượng lớn, mức độ ô nhiễm hữu cơ vùng Nhà Bè - Cần Giờ có giảm đáng kể, tuy nhiên hàm lượng hữu cơ vẫn còn khá lớn.

Ông Nguyễn Đức Huỳnh, Giám đốc Trung tâm An toàn Môi trường và Dầu khí cho biết, cùng với sự gia tăng của các hoạt động giao thông thủy trên hệ thống sông Đồng Nai là nguy cơ xảy ra các sự cố môi trường.

Trong thời gian vừa qua, chất lượng môi trường hệ thống sông Đồng Nai đã bị ảnh hưởng khá nhiều do các sự cố giao thông thủy như vụ chìm tàu Neptune Aries (Singapore) ngày 3-10-1994 có trọng tải 1.684 tấn chở DD, xăng, condensate, dầu lửa; vụ chìm tàu Gemini (Singapore) ngày 27-11-1996 khi vận chuyển 72 tấn dầu DO; vụ đắm sà lan chở dầu Hiệp Hòa 2 tại sông Nhà Bè ngày 16-4-1999 khi vận chuyển 113.000 lít dầu DO…

Cảnh báo từ tương lai

Theo ông Lâm Minh Triết, Trưởng phòng điều phối chiến lược phát triển môi trường (Bộ TN-MT), quy mô và nhịp độ phát triển công nghiệp và khu công nghiệp tập trung trên lưu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiếm tới gần 58% GDP công nghiệp của cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức trên 15%.

Đến tháng 6-2005, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có 62 KCN và KCX đang hoạt động. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 15 khu, Đồng Nai 16 khu (trong số 23 KCN được quy hoạch), Bình Dương 16 khu (trong số 25 khu đã được quy hoạch), Bà Rịa – Vũng Tàu 8 khu, Long An 3 khu (trong số 22 KCN được quy hoạch), Bình Phước 3 khu, Tây Ninh 1 khu.

Với nhịp độ này, nếu không có ngay các hành động để bảo vệ môi trường, các chuyên gia môi trường cảnh báo đến năm 2010, mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp nhận khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5, 756 tấn COD, 59 tấn Nitơ tổng, 15 tấn Phospho tổng, 243 tấn dầu mỡ phi khoáng và nhiều vi trùng gây bệnh cùng với các tác nhân gây ô nhiễm khác.

Nếu phát triển tối đa theo như quy hoạch thì đến năm 2010, toàn vùng sẽ có 74 KCN-KCX được hình thành và hoạt động. Nếu như tất cả các khu công nghiệp này được lấp đầy diện tích đất thì mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp nhận khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, 493 tấn COD, 89 tấn Nitơ tổng, 12 tấn Phospho và nhiều kim loại nặng cùng với các tác nhân ô nhiễm độc hại khác.

Các con số này chưa tính đến khả năng “đóng góp” ô nhiễm của hàng vạn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang tồn tại bên ngoài các khu công nghiệp tập trung.

Cuộc sống của hơn 15 triệu người ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ ra sao nếu nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm ở mức độ cao?



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường