Đây là cuộc khảo sát hàng năm thứ 4 của Symantec có tên gọi IT Disaster Recovery Survey (tạm dịch: Khảo sát về việc khắc phục những thảm họa IT). Hãng này đã tiến hành khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp lớn và trung bình trên toàn cầu (có trên 500 nhân viên) và hơn 1/3 số công ty được hỏi đã thừa nhận trong năm vừa qua họ đã phải khôi phục lại dữ liệu bằng những chương trình khẩn cấp.
Nguyên nhân của những lần khôi phục lại dữ liệu khá đa dạng: do lỗi phần cứng hoặc phần mềm (20%), các mối nguy an ninh từ bên ngoài (12%), thiếu hoặc sự cố về nguồn điện (10%), các thảm họa thiên nhiên (12%), lỗi quản trị IT (10%), rò rỉ hoặc mất dữ liệu (8%), tai nạn hoặc các nhân viên có hành động mờ ám (10%)…
Đáng chú ý, các nguyên nhân như virus tấn công, mất dữ liệu và những thay đổi trong luật pháp hay quy định về IT của chính phủ và địa phương là những nguyên nhân chính yếu nhất. Kết quả khảo sát cũng đã cho thấy sự lo lắng về việc mất mát dữ liệu đã khiến cho các doanh nghiệp phải thực thi các chương trình hành động khẩn cấp (82%) và chỉ có một số rất nhỏ (8%) tiến hành sao lưu và khôi phục dữ liệu vì đó là công việc thường xuyên cần phải làm của họ. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp dù là lớn vẫn có thái độ rất chủ quan và thường chỉ hành động theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Dẫu vậy chính họ cũng phải thừa nhận là khả năng thành công là rất thấp. Chỉ có 34% số doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ đã thành công trong việc khôi phục những dữ liệu quan trọng nhất của mình. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các công nghệ và phần mềm hữu hiệu, sự gượng ép về nguồn lực và đòi hỏi thời gian thường quá gấp gáp.
“Vậy đâu là khung thời gian lý tưởng cho việc sao lưu dự phòng dữ liệu?”, ông Paul Lancaster – Giám đốc Hiệp hội kỹ sư hệ thống của Australia và New Zealand đặt câu hỏi, “30 phút hay 7 ngày? Cái đó thì còn tùy nhưng ít ra việc đó phải được tiến hành trước khi ai đó thông báo rằng dữ liệu của bạn đã biến mất”.