Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Võ Quốc Thắng đem tư duy đột phá vào doanh nghiệp
11 | 09 | 2008
Ngoài môi trường làm việc chuyên nghiệp, Đồng Tâm Group đang hướng đến mô hình làm việc 5 S, khuyến khích nhân viên luôn phát huy khả năng sáng tạo, đột phá
Thương hiệu Đồng Tâm có mặt trên thị trường Việt Nam từ năm 1969 với dòng sản phẩm đầu tiên là gạch bông thủ công truyền thống. Sau 38 năm hình thành và phát triển, ngoài mặt hàng truyền thống, Đồng Tâm đã trở thành một tập đoàn với tên gọi Công ty Cổ phần Đồng Tâm kinh doanh đa ngành nghề. Không ai khác người đã tạo nên bước đột phá cho Đồng Tâm chính là anh Võ Quốc Thắng- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.

Bài học từ xứ sở hoa anh đào

“Một lần tôi đi công tác tại Nhật. Tại đây, tôi có người bạn từng là du học sinh, được giữ lại giảng dạy ở một trường đại học. Trước lúc lên đường, người bạn có hẹn khi nào đến Nhật cứ gọi. Thế nhưng khi đến nơi, tôi gọi điện mãi mà người bạn không nhấc máy. Đến chiều, chuông điện thoại tôi réo lên.

Bên kia đầu dây, giọng bạn tôi: Ông ở chỗ nào, tôi đến đón. Tôi tỏ vẻ phiền hà vì đã điện cho bạn nhiều lần nhưng không được trả lời. Bạn tôi liền giải thích: Biết bạn gọi nhưng mình không thể nghe được, vì trong giờ làm việc. Ở đây, văn hóa của công ty Nhật không cho phép sử dụng giờ làm việc của công ty để làm việc riêng.

Cho nên mặc dù thấy số điện thoại của anh gọi nhưng lương tâm tôi không cho phép mình nghe điện thoại, vì nếu nghe điện thoại của anh mà nói bằng tiếng Việt, mọi người sẽ biết tôi làm việc riêng”- Võ Quốc Thắng kể. Một lần khác, trong chuyến tham quan thực tế các công ty tại Nhật, Võ Quốc Thắng tận mắt chứng kiến mỗi lần đến trạm dừng chân vào tham quan, sau khi hành khách xuống xe, cô hướng dẫn viên đi từ đầu đến cuối xe thu gom từng vỏ chai nước suối mang xuống và cho vào thùng rác. Thấy lạ, anh thắc mắc, vì sao cô hướng dẫn viên lại làm những công việc này, thì cô trả lời: “Văn hóa của người Nhật không cho phép xả rác bừa bãi nơi công cộng mà phải bỏ rác vào thùng đựng rác đúng nơi quy định”.

Hai câu chuyện trên làm Võ Quốc Thắng không khỏi trăn trở. Tiếp đó, những lần đến các công ty của Nhật, được tham quan dây chuyền sản xuất, anh đã không khỏi giật mình vì nơi đây, nhà xưởng sạch sẽ, dụng cụ sản xuất được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo đúng quy trình. “Xứ sở hoa anh đào trở thành một ẩn số khiến tôi luôn muốn đi tìm lời giải”.

Ứng dụng thuyết tư duy đột phá

Tháng 1-2007, trong chuyến đi nâng cao kỹ năng về quản lý tại Nhật, Võ Quốc Thắng có dịp gặp giáo sư- tiến sĩ Shozo Hibino chuyên về quản trị nhân lực. Những buổi được nghe giáo sư thuyết trình, anh bị lôi cuốn bởi thuyết suy nghĩ và những tư duy đột phá từ thầy. Anh tự nhủ: “Sao lâu nay mình không dám nghĩ lớn, làm lớn”. Sau hai tuần theo học tại Nhật, anh ngỏ ý mời giáo sư Shozo Hibino sang Việt Nam thuyết trình về thuyết tư duy đột phá cho CB-CNV công ty và lãnh đạo tỉnh, cùng các lãnh đạo sở, ban, ngành, huyện thị trong tỉnh Long An.

Ít lâu sau, giáo sư Shozo Hibino sang Việt Nam có buổi diễn thuyết về đề tài trên. Tại buổi trao đổi ấy, một vị khách tham dự hỏi: “Làm sao để Long An phát triển theo kịp TPHCM?”. Giáo sư trả lời: “Nếu anh nghĩ Long An sẽ không theo kịp TPHCM hoặc bằng TPHCM thì mãi mãi Long An sẽ không bao giờ phát triển”.

Câu nói của giáo sư càng gieo trong anh ý tưởng: Phải thay đổi mô hình quản lý tại công ty lúc bấy giờ đang hoạt động theo quy mô nhỏ, lẻ. “Tôi quyết định thực hiện bước đột phá: thay đổi mô hình quản trị, hợp nhất các công ty lại. Và khát khao, mong muốn của tập thể ban lãnh đạo cùng toàn thể CB-CNV Đồng Tâm sau năm 2010 thu nhập bình quân của CB-CNV nằm trong Top 10 doanh nghiệp của ngành sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam” - anh tâm sự.

Chuẩn bị cho sự thay đổi trong chặn đường phát triển trong tương lai, anh đã mời hai chuyên gia Nhật là ông Ohyatsu Yukiyoshi (chuyên về sản xuất) và ông Nakagawa Sumao (hành chính) tư vấn chiến lược phát triển. Hàng loạt các chương trình đào tạo đặt ra cho nhân viên như: mời chuyên gia về đào tạo văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên, cử các cán bộ quản lý đi học tập kinh nghiệm quản lý ở các nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Ý và Tây Ban Nha. Để đầu tư cho nguồn nhân lực, hằng năm công ty dành khoảng hơn 2 tỉ đồng cho công tác đào tạo.

Xây dựng tiêu chí 5 S

Tháng 4-2007, Đồng Tâm Group hợp nhất, sáp nhập, mua lại 6 công ty thành viên với hơn 3.300 lao động mà trong đó, 2/3 người lao động góp vốn vào được quyền làm chủ và được hưởng lợi nhuận họ làm ra. Định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới là trở thành thương hiệu hàng đầu của ngành vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, làm nền tảng phát triển cho toàn hệ thống, tạo thế đứng vững chắc để công ty phát triển sang các lĩnh vực khác.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phát triển khu công nghiệp, khu dân cư; xây dựng nhà để kinh doanh với nhiều kế hoạch đầu tư lớn và đầu tư liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước mỗi bên. Để quản lý một tập đoàn lớn mạnh với số nhân lực khá đông, Đồng Tâm Group phải tạo bước chuyển mình trong việc xây dựng nền tảng văn hóa ngay từ ban đầu với triết lý kinh doanh: “Minh bạch, liêm chính trong quản lý và kinh doanh; luôn học hỏi, suy nghĩ, nghiên cứu, đổi mới để mang lại lợi ích giá trị gia tăng lớn nhất cho khách hàng; sẵn sàng chia sẻ thành công với cộng đồng”.

Anh Võ Quốc Thắng cho biết: “Bản sắc văn hóa của Đồng Tâm là nhân văn, đề cao giá trị con người, chung tay vì cộng đồng xã hội, Đồng Tâm muốn tất cả CB-CNV làm việc tại công ty đều là những người chủ, có nhà cửa, tiện nghi đầy đủ. Muốn thế, tôi luôn khuyến khích mọi nhân viên xem công ty là gia đình, cảm thấy thật thoải mái khi làm việc. Có như thế, mọi người mới phát huy khả năng sáng tạo, làm việc hết mình”.

Không những thế, anh còn đưa ra quy định: người lao động được quyền vượt cấp trong vòng 24 giờ nếu như vấn đề không được cấp quản lý giải quyết thỏa đáng bằng cách gửi email, nhắn tin hoặc điện thoại trực tiếp cho tổng giám đốc hoặc trợ lý – thư ký tổng giám đốc”. Đặc biệt, anh còn áp dụng tiêu chí 5 S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) trong toàn công ty.

Chỉ sau vài tháng cơ cấu tổ chức lại, bộ máy nhân sự của Đồng Tâm đã hoạt động có hệ thống và hợp lý hóa nguồn nhân lực, giảm thiểu mọi chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động. Anh tự hào: “Thành công trong giai đoạn đầu có ý nghĩa rất quan trọng, làm tiền đề chiến lược để Đồng Tâm phát triển trong tương lai...”.



Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường