Trong lời khai mạc, ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở BCVT phát biểu: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) Việt Nam cần nhanh chóng tin học hóa, ứng dụng giải pháp CNTT-TT nhằm hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Hội thảo - triển lãm có chủ đề “CNTT-TT giúp DN bước vào thị trường WTO năng động” được tổ chức để giúp các DNV&N VN nói chung, của TP.HCM nói riêng tạo bước đột phá trong triển khai ứng dụng CNTT-TT, nâng cao sức cạnh tranh phục vụ hội nhập”.
Ứng dụng thương mại điện tử: phân bổ không đều
Về ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong DN, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết: 92% DN VN đã kết nối Internet, trong đó 82% dùng ADSL. 80% DN dệt may, da giày có website, 30% hợp đồng ký kết nhờ có thông tin trên website. Đặc biệt, 100% DN thủ công mỹ nghệ có website giao diện tiếng Anh, 80% website có tính chuyên nghiệp. Cả nước có 33.100 website đã được cấp tên miền (11/2006); 14,5 triệu người sử dụng Internet thường xuyên. Thế nhưng, sự phân bổ không đều, TP.HCM có tỷ lệ áp dụng cao nhất, trong khi Hà Nội dù có chỉ số phát triển hạ tầng viễn thông cao nhất, nhưng lại thua TP.HCM về ứng dụng.
Theo TS Doanh, website của DN thường dùng để giới thiệu DN (98,3%), giới thiệu sản phẩm (62,5%); giao dịch TMĐT (27,4%) và thanh toán trực tuyến (3,2%). Khách hàng của các website gồm cá nhân (46,3%), DN (53,5%). Tỷ lệ website có cập nhật thông tin hàng ngày chiếm đa số (62,2%) nhưng số website thỉnh thoảng mới cập nhật thông tin không ít (18,5%). Ông Doanh cũng liệt kê nhiều thống kê thú vị về ngành hàng bán chạy trên Internet, các sàn giao dịch TMĐT được nhiều người quan tâm, cũng như cơ cấu đặt hàng TMĐT hiện nay. Phương thức đặt hàng qua e-mail giữ tỷ lệ cao nhất (34,9%); sau đó là qua điện thoại (29,3%), fax (2 4,2%) và website (22,2%). Thanh toán tiền mặt khi giao hàng vẫn chiếm đại đa số (75%) trong khi thanh toán trực tuyến chỉ đạt 3,2%.
Ông Doanh cảnh báo nguy cơ về an toàn mạng và cho biết số DN có thể tự lo an toàn mạng cho mình chưa nhiều, đa phần phải thuê dịch vụ ở những công ty về an ninh mạng. Một số hạn chế của TMĐT (gắn liền với tin học hoá DN) là: TMĐT VN hiện mới chỉ ở pha đầu, giao dịch đều sơ khai và đòi hỏi có thêm nhiều nỗ lực. Rất nhiều hộ cung cấp nông sản chưa quen với giao dịch qua mạng. Theo ông Doanh, để khắc phục, DN phải chấm dứt kiểu làm ăn “chụp, giật”, nay kinh doanh mặt hàng này, mai chuyển sang mặt hàng khác; chấm dứt lừa đảo, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ; xây dựng kế hoạch làm ăn lâu dài; chuyển sang tư duy “cùng thắng” thay vì “ai thắng ai”; chú trọng trả lời thư điện tử và hết sức coi trọng yếu tố thời gian; chú ý lưu giữ hồ sơ, chứng từ đã số hoá, sẵn sàng cung cấp theo yêu cầu, thực hiện công khai minh bạch. “Vào WTO rồi, khả năng kiện tụng sẽ cao và lưu giữ hồ sơ sẽ làm cho DN đỡ đi rất nhiều khi “lâm sự””, ông Doanh chia sẻ.
Không thể thiếu phần cứng - phần mềm
Ông Thân Trọng Phúc, tổng giám đốc công ty Intel Việt Nam và Đông Dương đem đến sự kiện 5 chiến lược phát triển DN của Intel. Đó là: Văn phòng di động - khuyến cáo DN trang bị thêm máy tính xách tay, cho phép nhân viên làm việc ngoài văn phòng – tăng giờ làm thực tế của nhân viên; Đưa công ty lên mạng - tham gia TMĐT, thực chất là quảng cáo hình ảnh DN; Làm việc theo nhóm - kết nối mạng DN, thực hành chia sẻ thông tin và cần trang bị máy tính mạnh cho DN để có thể chạy nhiều ứng dụng mạnh; Bảo vệ công ty – bảo vệ mạng gồm tài sản cố định là máy móc và tài sản thông tin dữ liệu, trang bị phần cứng bảo mật, chống virus...; Phối hợp với các đối tác (nguyên lý cùng thắng). Với từng chiến lược, Intel đều có giải pháp đáp ứng.
Những nguyên nhân thành công và thất bại trong việc ứng dụng CNTT-TT vào DN, đặc biệt là trong ứng dụng giải pháp hoạch định nguồn lực DN (ERP) cũng được phân tích tại hội thảo. ông Phí Anh Tuấn, giám đốc công ty AZ solutions, cho biết: DN ứng dụng ERP thành công thường chọn đúng giải pháp, triển khai đúng thời gian, không chi vượt ngân sách, khai thác hết tính năng, sau một thời gian có chuyển biến về chất trong DN. Trong khi DN ứng dụng thất bại thường bị “gãy” dự án, chọn sai giải pháp do bị ảnh hưởng của thương hiệu nhà cung cấp, triển khai quá dài kém hiệu quả cho cả DN lẫn bên cung cấp; ngân sách phát sinh quá lớn, sử dụng không hết tính năng... Ông Tuấn khuyến cáo DN chú trọng công tác chuẩn bị và cho rằng không thể thiếu: phương pháp luận từ nhà cung cấp, thay đổi quy trình và chuẩn hóa, phối hợp chặt chẽ giữa DN và nhà cung cấp, xác định rõ vai trò của từng bên suốt quá trình triển khai...
Như Dũng