Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp Việt Nam trên lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế
17 | 07 | 2007
Việt Nam là nước có ưu thế về sản xuất nông nghiệp, nông sản đa dạng và có giá trị kinh tế cao. Các nhóm mặt hàng nông sản chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới, gồm: gạo, chè, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau, quả, hoa, thịt lợn. Trong đó, xuất khẩu gạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn và ưu thế mạnh của Việt Nam, đứng vị trí thứ 2 và hạt tiêu đang đứng đầu xuất khẩu trên thế giới

1. Cơ hội và khó khăn của nông nghiệp Việt Nam

a. Cơ hội:

+ Việt Nam là nước có ưu thế về sản xuất nông nghiệp, nông sản đa dạng và có giá trị kinh tế cao. Các nhóm mặt hàng nông sản chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới, gồm: gạo, chè, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau, quả, hoa, thịt lợn. Trong đó, xuất khẩu gạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn và ưu thế mạnh của Việt Nam, đứng vị trí thứ 2 và hạt tiêu đang đứng đầu xuất khẩu trên thế giới.

+ Tham gia CEPT/AFTA là bước tập dượt, thử nghiệm cho ngành nông nghiệp hội nhập vào khu vực trước lộ trình hội nhập quốc tế với việc tham gia tổ chức thương mại thế giới - WTO, đồng thời sẽ sớm tận dụng được ưu đãi về thuế quan mà các nước ASEAN trong khối dành cho nhau. Do đó, nó có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước trong khu vực và trên thế giới.

+ Gia nhập WTO là bước đi mạnh dạn vào thương trường quốc tế mà Việt Nam phải bước vào một thế giới cạnh tranh khốc liệt về giá cả sản phẩm, chất lượng, số lượng hàng hoá nông sản, thương hiệu và nhãn hiệu nông sản. Song, Việt Nam cũng cần phải đối phó với những luật lệ riêng của từng nước, từng tổ chức riêng rẽ và còn nhiều gai góc trên lộ trình hội nhập.

+ Gia nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân làm việc động não hơn, tinh khôn hơn, bình đẳng hơn. Ngoài ra, hội nhập kinh tế quốc tế có khả năng, xu h­ướng tạo thêm đầu tư, thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

b. Khó khăn: nông nghiệp Việt Nam sẽ vấp phải nguy cơ cạnh tranh khốc liệt ngay trong khối ASEAN, các đối thủ lớn trên thế giới chèn ép về thị trường hàng nông sản. Do đó, nông nghiệp Việt Nam gặp phải những khó khăn sau:

+ Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới và bán nhiệt đới, nắng hạn nhiều về mùa khô; gió bão, lũ lụt tàn khốc về mùa mưa và gió rét sương muối vào mùa đông (phía Bắc) nên gặp rất nhiều rủi ro, tổn thất lớn trong sản xuất làm ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng hàng nông sản.

+ Nền sản xuất nông nghiệp nước ta với quy mô nhỏ, chi phí cao, công nghệ thấp, thiếu vốn lớn cho sản xuất nên đội giá thành sản phẩm cao và chất lượng thấp.

+ Kỹ thuật và công nghệ sau thu hoạch kém, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú và hợp thị hiếu người tiêu dùng, thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm chưa có hoặc có rồi lại bị tranh chấp.

+ Khả năng tiếp thị, quảng cáo sản phẩm còn hạn chế và thị trường cho xuất khẩu không ổn định, thương hiệu hàng hoá chưa hoàn chỉnh.

+ Những kinh nghiệp tham gia thương trường mậu dịch tự do trên thế giới còn ít, trình độ ngoại ngữ còn yếu hơn nhiều nước, những thông tin nhanh nhạy về giá cả nông sản và buôn bán trên thế giới chưa nhiều, chưa cập nhật đầy đủ và còn nhiều vấn đề khác nữa… Do vậy, chúng ta phải tự học hỏi, nghiên cứu, nhận định tình hình hiện tại và tương lai, rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá nhất trong lịch sử của các nước đi trước và những khó khăn ta gặp phải, đặc biệt rút ra bài học từ 2 hội nghị Dolha và Cancun của WTO trước đây.

2. Cơ sở khoa học và những vấn đề quan tâm để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế

a. Cơ sở khoa học:

+ Cung cấp những căn cứ, cơ sở khoa học cho nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững; khả năng tiếp thu những thành tựu mới, hiện đại từ các nước có nền khoa học tiên tiến, hiện đại và từ những nỗ lực chính bản thân để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng để gia nhập kinh tế quốc tế được vững chắc.

+ Đẩy mạnh đưa kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tăng cường đa dạng hệ thống nghiên cứu và đa dạng các loại sản phẩm để đáp ứng công cuộc đổi mới, hiện đại hoá nông nghiệp và công nghiệp hoá nông thôn theo h­ướng chất lượng cao, bảo đảm về lượng để hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

+ Thực hiện đa dạng hoá kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, rà soát và đánh giá lại diện tích trồng trọt, phạm vi chăn nuôi, có quy hoạch, quy mô để nhận thức, xây dựng các dự án phù hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu theo hướng tăng các giống có năng suất và chất lượng cao.

+ Đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất cho thị trường, ổn định và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Công nghiệp nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tạo ra nhiều động lực mới, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho 70% người dân nông thôn và là điều kiện tiên quyết cho công cuộc đổi mới nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phát triển nông nghiệp bằng nhiều hình, nhiều dạng với các quy mô lớn, vừa và nhỏ phù hợp với từng vùng sinh thái, từng trang trại, từng sản phẩm, từng dịch vụ và khả năng từng đơn vị nhằm đảm bảo lượng, chất và vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái lâu dài.

b. Những vấn đề quan tâm trong sản xuất nông nghiệp để hội nhập:

+ Áp dụng công nghệ sinh học lai tạo, tuyển chọn giống cây trồng và vật nuôi. Sản xuất theo nhiều phương thức và đa dạng hàng hoá, đa dạng sản phẩm sau sản phẩm chính (ví dụ sau đường là cồn, rượu bia, nước ngọt, bánh, kẹo, thức ăn chăn nuôi, phân bón, chất đốt…) nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, xuất khẩu và phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn, tận dụng lao động ngành nghề truyền thống, nông nhàn.

+ Về giống, giống là nhân tố quyết định cho quy trình sản xuất năng suất và chất lượng; chế biến là khâu thứ hai quyết định xuất khẩu hàng hoá. Lấy phương châm giảm chi phí sản xuất tới mức thấp nhất, đạt năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, hạ giá thành sản phẩm thấp nhất và lợi nhuận nhiều nhất.

+ Áp dụng kỹ thuật thâm canh, canh tác cao; ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất… để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, sinh thái và sức khoẻ cộng đồng làm cho nền móng nông nghiệp bền vững.

+ Xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cho từng cây trồng và vật nuôi; tăng cường nông nghiệp hữu cơ; sản phẩm không còn dư lượng độc hại - sản phẩm sạch.

+ Liên kết giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà ngân hàng. Xây dựng quan hệ các chiều giữa các nhà doanh nghiệp với nhà nông bảo đảm hai bên cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư cho nông dân để sản xuất đủ số lượng và chất lượng hàng hoá đáp ứng xuất khẩu.

+ Trang bị cho các cơ sở nghiên cứu những phòng thí nghiệm có thiết bị hiện đại, những nhà lưới, những trang trại hiện đại, lớn với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhất. Cơ khí hoá, cơ điện hoá, cải tiến máy nông nghiệp để giảm sức lao động và tăng năng suất lao động.

+ Tưới và tiêu là việc sống còn đối với sản xuất nông nghiệp. Cung cấp đủ nước cho cả trồng trọt và chăn nuôi, cụ thể là kiên cố hoá kênh mương, sử dụng nguồn nước ngầm, sông ngòi và những hồ dự trữ nước gắn liền với thuỷ điện lớn, nhỏ và vừa; xây và bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước  hợp lý, tiết kiệm; chống hạn, chống bão lụt, úng và bảo về rừng đầu nguồn phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và trồng rừng; giữ thảm thực vật mang tính chiến lược để bảo về một không gian sinh thái sạch và bền vững, giữ ổn định sản xuất nông nghiệp nhằm ổn định lượng và chất hàng hoá. Trong tương lai cần tiêu chuẩn hoá nước, phân bón cho từng loại cây và thức ăn cho từng con vật nuôi để bảo đảm sản phẩm sạch, điều khiển sinh trưởng và năng suất theo ý muốn.

+ Phát triển cân đối có quy hoạch các vùng  hàng hoá đặc trưng như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; các vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với những vùng ven biển, đưa khoa học và kỹ thuật chống ngập cát, chống nước mặn xâm chiếm, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ lọc nước mặn, nước phù sa phục vụ dân sinh, chăn nuôi và trồng trọt. Đặc biệt, có kế hoạch phát triển kinh tế biển, biến vùng ven biển thành vùng kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế đồi gò, miền núi, vùng xa, vùng trũng, vùng lũ bảo đảm kinh tế tại chỗ.

+ Công nghệ sau thu hoạch cần được cải tiến, trang bị kỹ thuật, công nghệ, công cụ, nhà máy mới, máy hiện đại để thu hái, vận chuyển, chế biến, bảo quản lưu kho và lưu thông phân phối và đẩy mạnh xuất khẩu.

+ Tăng cường công tác về kinh tế thị trường, tiếp cận thị trường, quảng cáo, giao dịch, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa phương thị trường.

+ Các chính sách nông nghiệp khác như đất đai, trang trại, bảo hộ giống, cải tiến hệ thống thuế, bảo hiểm; hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và các vấn đề liên quan khác cần đổi mới.

+ Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng nông sản là vấn đề tồn tại, uy tín sản phẩm, mở rộng thị trường nông nghiệp của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Đề xuất chiến lược chung cho nông nghiệp hội nhập

+ Đào tạo, nguồn nhân lực về tổ chức, quản lý, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính, kiến thức về kinh tế thị trường, ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, kỹ thuật và công nghệ, thông tin nhanh và hiện đại, nghệ thuật kinh doanh; phương pháp điều tra và phân loại, đánh giá kỹ năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng dịch vụ, từng doanh nghiệp, từng địa phương, từng nước để có biện pháp hữu hiệu tăng cường cạnh tranh.

+ Tổ chức, sắp xếp doanh nghiệp cho phù hợp với từng quy mô, đổi mới cơ chế, chính sách, phát huy vai trò tự chủ của từng cá nhân từng đơn vị trong doanh nghiệp và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

+ Tăng cường đầu tư sản xuất, đặc biệt là công tác giống trong sản xuất (nông, lâm, ngư), giống quyết định chất lượng và năng suất; xây dựng nguồn nguyên liệu, chính sách tiêu thụ nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến, bảo quản sản phẩm cho tiêu thụ, vận chuyển lưu thông phân phối trong nước và quốc tế.

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hoá sản phẩm, tận dụng và phát huy thế mạnh của từng sản phẩm, vùng kinh tế và sinh thái.

+ Tăng cường các biện pháp cạnh tranh bằng giảm chi phí sản xuất, chất lượng cao, tăng năng suất, giá thành hạ.

+ Xây dựng và đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã đẹp, có biện pháp bảo vệ hàng hoá, sản phẩm và giữ uy tín lâu dài cho từng sản phẩm cho từng thị trường.

+ Chiến lược tiêu thụ sản phẩm thị trường ngoài nước, tăng cường nghiên cứu hiểu biết công ước quốc tế, luật lệ của nước nhập khẩu; thị hiếu, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của nước mà định xuất khẩu hàng đến.

+ Tăng cường và phát huy thị trường nội địa, một tiềm năng thị trường lớn đang bỏ ngỏ nhưng hấp dẫn.

Trong thời gian qua, nước ta đã tiến hành nhiều cải cách về thể chế, chính sách, kinh tế, thị trường thể hiện sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với khả năng của Việt Nam.



Hà Văn Chức, Cục Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường