Bởi giá thành sản xuất lúa còn bao gồm cả chi phí bên ngoài hạt lúa...
Mỗi nơi một phách
Trước thềm mùa thu mua lúa đông xuân 2009-2010, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) tự định đoạt giá thành hạt lúa (GTHL) để tổ chức thu mua lúa với giá tối thiểu là 4.000đ/kg tại kho DN, đảm bảo cho nông dân đạt mức lãi tối thiểu là 30%. Sau sự kiện này, người khen nhiều, người chê cũng không ít...
Dù thừa nhận có đến 11/16 tiêu chí sản xuất đều tăng giá, nhưng ông Vương Bình Thạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang lại cho rằng, GTHL vào khoảng 2.740đ/kg. Vì vậy, để đạt mục tiêu lợi nhuận 30%, ông Thạnh đề nghị nâng giá mua lên 4.200đ/kg lúa.
Trong khi đó, ông Võ Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lại cho rằng, GTHL lúa chỉ là 2.200đ/kg, nên với giá mua tối thiểu 4.000đ/kg lúa là nông dân đạt mức lãi tối thiểu 30%. Còn theo tính toán của nhiều nhà khoa học, GTHL lúa vụ đông xuân này rơi vào thời điểm giá nhiều mặt hàng vật tư tăng nên không thể có chuyện GTHL ở mức 2.200đ/kg, thậm chí còn lên đến 3.300-3.700đ/kg.
Thật ra không phải đến thời điểm này, GTHL mới là tâm điểm “giằng co” của dư luận. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, sở dĩ có tình trạng này là do chúng ta thiếu “chuẩn mực” để thuyết phục mọi người tin và chấp hành.
Theo thông lệ quốc tế, việc định GTHL lúa sẽ do hội đồng lúa gạo, gồm đại diện nhà nước, DN, nhà nhập khẩu và nông dân thống nhất, quyết định trên cơ sở tổng hòa chuỗi chi phí gồm công sức, tiền của mà nông dân đã đầu tư trong quá trình làm ra hạt lúa xem xét, trước khi đi đến thống nhất GTHL lúa, gồm: Chi phí làm đất, quản lý nước, giá giống, thuốc BVTV, công phun, xịt, quản lý sâu bệnh, gặt đập, phơi sấy, vận chuyển... trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nông dân và DN.
Không đơn giản
Thật ra việc xác định GTHL lúa không đơn giản là bài toán cộng dồn các chi phí mà nông dân đầu tư vào đồng ruộng. GTHL lúa còn nằm cả ở bên ngoài hạt lúa như công quản lý, khấu hao đất do bạc màu... Thế nhưng, khi mà đa số nông dân còn duy trì thói quen sản xuất theo kinh nghiệm thì bấy nhiêu cũng quá đủ để “phức tạp”.
Lâu nay chi phí “ngoài hạt lúa” gần như bị bỏ quên trong quá trình tính GTHL. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân: “Việc định đúng GTHL lúa không chỉ tác động đến quyết sách về thu mua lúa của nông dân mà còn quyết định việc đi lên hay đi xuống của nền nông nghiệp quốc gia”.
Theo GS-TS Xuân, trong bối cảnh hiện nay, một trong những hy vọng giải tỏa, đưa GTHL thoát khỏi “cơn hạn” giá chính là khâu đột phá giá bán. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy đã nhanh chóng lụi tàn bởi nạn “Vừa đá bóng, vừa thổi còi” của DN. Bởi chính DN kinh doanh lúa gạo - mà trực tiếp là VFA, người đã tự tính toán, phủ quyết GTHL - lại cũng chính là người ấn định giá sàn thu mua lúa. Do phần lớn hai đối tượng này chưa hề ký kết hợp đồng nào nên sự ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi với nhau cũng hết sức lỏng lẻo, thua thiệt luôn nghiêng về phía nông dân.
Điều này đã đi ngược thông lệ quốc tế khi giá sàn lúa/gạo là kết quả quyết định của Hội đồng Chính sách lúa gạo quốc gia được xây dựng trên 3 loại giá, gồm: Giá gạo/lúa hiện hành ở các địa phương; giá gạo định XK; giá gạo tương lai tại thị trường Chicago. Trong khi đó, do kinh doanh kém nên ngay ở loại gạo thế mạnh của VN (25%) cũng luôn rẻ hơn gạo Thái Lan. Từ năm 2004 đến nay, có lúc giá gạo của VN thấp hơn Thái đến trên 100USD/tấn. Mỗi lần như thế là DN lại “đẩy” nông dân lùi.