Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Băn khoăn giá thành cho lúa
29 | 03 | 2010
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DN thu mua lúa XK dự trữ phải đảm bảo cho người nông dân có lãi ở mức 30%. Và câu chuyện định giá lúa ra sao cho đúng đủ bỗng trở thành tiêu điểm cho các tranh luận, tranh cãi và vô vàn băn khoăn.
Vấn đề giá thành của lúa vốn được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tập hợp số liệu, tính toán và công bố nhưng bộ chưa... kịp làm. Thế là, VFA (Hiệp hội Lương thực VN), thành viên Tổ điều hành công tác XK gạo đã đứng ra “làm thay”. Số liệu, tuy có tham khảo Cục Trồng trọt và nhiều cơ sở khoa học khác, nhưng khi VFA đưa ra “giá sàn” là 2.500 đồng/kg và cao nhất là 2.800 đồng/kg để bảo hiểm cho hạt lúa có lãi ít nhất 30% đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Cần sòng phẳng với nông dân...

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) - như lời tự thuật “Học ít, con nhà nông rặc, sống với đời bằng kinh nghiệm con nhà nông” khi nghe giá thành lúa đông - xuân 2009-2010 công bố tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất lúa năm 2009 và điều hành XK gạo 2010, tổ chức ở An Giang đầu tháng 3/2010 đã không khỏi bức xúc. Còn GS-TS Võ Tòng Xuân, người gắn bó với cây lúa từ hơn hai thập niên trước, khi VN còn phải nhập gạo cứu đói cũng đầy... tâm trạng. Cả hai ông đều thấy cơ cấu chỉ tiêu tính giá thành lúa của VFA chưa “thấy” hết các khoản chi phí “không tên” nhưng nhiều mồ hôi của người trực tiếp làm ra hạt lúa.

Anh Trương Minh Rạng, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), nhẩm tính trên 1 ha đất sản xuất: “Xới, trục 800.000 đ, dầu bơm ra - vào 1 triệu đồng, cắt suốt 2,5 triệu đồng, khoảng 1,8 triệu đồng (300 kg) phân, thuốc 12 triệu đồng... chưa tính tiền thuê nhân công phun thuốc trừ sâu, ngày công ra đồng và tiền thuê đất (450 kg lúa/ha) sản xuất đã mất đứt gần 20 triệu đồng. Nếu năng suất lúa 6 tấn bán với giá 4.000 đ, anh thu được 24 triệu đồng, coi như huề”!?

Còn ông Bảy Nhị lại đưa ra câu hỏi: “Lâu nay khi tính giá thành hạt lúa ta thường chỉ tính: nước, phân, cần, giống. Trong tính giá thành ít nhất còn thiếu hai phần quan trọng là công quản lý của chủ trại và tiền thuê đất. Trong quản lý sản xuất, nông dân trực canh từ 3 ha trở lên là chủ trang trại, tạm so sánh với quản lý công nghiệp (10 ha trở lên như là GĐ xí nghiệp) nông dân đó như là quản đốc. Vậy mà khi tính giá thành lúa lại không tính lương và các loại bảo hiểm, chi phí giao dịch như giám đốc xí nghiệp. Còn giá thuê đất hiện nay, tùy loại từ 1-2,5 triệu đồng/1.000 m2/năm. Nếu là mua, bình quân từ 40-60 triệu đồng/1.000 m2. Vậy có tính tiền thuê đất và lãi vay tiền mua đất cho họ hay không? Nếu là “giá sàn” mua lúa bảo đảm có lãi 30% thì nó được tính trên cái nền nào? Và ông Bảy đưa kết luận: Đây là uẩn khúc. Làm nông nghiệp không giàu mà nông dân và nhiều người thường bàn nhưng khi lý giải thì lại chưa chỉ ra được”.

GS-TS Võ Tòng Xuân cũng khẳng định: Người trồng lúa đã bỏ ra gần 4 tháng trời chăm sóc lúa, mọi chi phí sản xuất chưa được tính tới công lao động. Nếu tính tiền công lao động vào giá thành, lợi nhuận thực tế của nông dân còn giảm nhiều hơn nữa. Bán lúa với giá chưa đến 4.000 đ/kg như hiện nay đã gần sát với giá thành, coi như nông dân làm không công trong 4 tháng, chỉ là đổi lúa cũ lấy lúa mới... Vì thế, GS Xuân đã “nặng lời” khi cho rằng nông dân “nai lưng làm giàu cho... người khác”; ông còn bày tỏ chính kiến “không vui” với nhà XK gạo và các đại lý thu mua lúa gạo bằng các từ “coi thường, bỏ rơi... ân nhân” hoặc “bắt chẹt” nông dân...

Hơn nữa, đến giữa tháng 3 này, mọi người mới rõ là Bộ Tài chính, cơ quan được giao tính toán và công bố giá lúa nhưng “chưa kịp” nên VFA mới tạo ra tranh luận, tranh cãi.

Phải có “nhạc trưởng” trong tính giá lúa

Tham khảo cách tính của một cán bộ nông nghiệp cấp huyện lại càng thấy “giá sàn” mua lúa của VFA để bảo đảm nông dân có lãi tối thiểu 30% là khó đứng vững. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Phú (An Giang) kỹ sư Huỳnh Thanh Phong, cho biết: Một số nông dân sản xuất giỏi, áp dụng thành thạo các biện pháp “một phải, năm giảm” mới hạ được giá thành sản xuất xuống 3.200 đ/kg lúa, mà giá bán quy định 4.000 đ/kg theo mức giá “bảo hiểm” của VFA thì chênh lệch giá đầu vào/giá bán chỉ khoảng 20%, thấp hơn vụ thu-đông, giá lúa từ 5.500 - 6.200 đồng/kg. Nếu đạt mức giá này thì lời lãi của nông dân sẽ từ 2.500-3.000 đ/kg lúa, mới có thể nói là “đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất 30%”.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, và được ông này cho biết, tôi đang ngồi với bà con và anh em cơ sở, cùng “đếm” xem có bao nhiêu khoản chi phí để có giá thành sát nhất. Quả thực là không thể bỏ qua các chi phí tưởng như rất nhỏ như hao mòn nông cụ, bao, thúng, gióng gánh thô sơ; đặc biệt công sức “một nắng hai sương” là những chi phí không thể kể hết. Có thể khẳng định, giá thành lúa đông - xuân 2009-2010 ở tỉnh Đồng Tháp dao động từ 2.900-3.100 đ/kg tùy theo “tài” của nông dân, thì mới tạm gọi là sát với thực tế.

Tuy nhiên, lẽ ra ở thời điểm này, khi vụ lúa đông xuân tại ĐBSCL đã đi vào thu hoạch rộ với chức năng của mình, Bộ Tài chính nên có giá thành cụ thể cho giá lúa. Như vậy mới tránh những tranh cãi không cần thiết cũng như tạo điều kiện tái sản xuất cho người nông dân và DN.
 
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: “Bộ NN-PTNT mong muốn có một đơn vị độc lập để phân tích tính giá thành sản xuất lúa. Phải tính bài bản, khoa học để làm chiến lược chứ không phải xử lý vụ việc”. Việc giúp nông dân hạ giá thành sản xuất là cần thiết nhưng nếu hạ giá thành sản xuất lúa của nông dân để “lấy thành tích”, không “định lượng” đúng công sức họ bỏ ra, dẫn đến mua lúa không đúng “mức lợi nhuận thấp nhất 30%”... phải chăng là một cái nhầm tai hại cho nông dân !?


Theo Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường