Giữa tháng 7 tới, 80 doanh nghiệp sẽ bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (khoảng 2 triệu tấn lúa) theo chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Tuy nhiên, ý kiến của nhiều bà con nông dân lại cho rằng, VFA chỉ nên tập trung giải quyết đầu ra hạt gạo, bởi ở những lần trước khi VFA triển khai mua tạm trữ giá lúa lại đi xuống, người nông dân không được hưởng lợi.
Bao tiêu 5.000 đồng/kg: Khó lãi 30%
Hiện tại, các tỉnh khu vực ĐBSCL như Tiền Giang, Long An, An Giang, Đồng, Tháp đang thu hoạch rộ lúa hè thu 2010-2011. Thạc sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc trung tâm bảo vệ thực vật Phía Nam cho biết, tính đến giữa tháng 6 các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 300.000/1,6 triệu héc ta lúa với sản lượng bình quân ước đạt 5 tấn/héc ta.
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá lúa tại các tỉnh này rớt liên tục. Cụ thể, tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An giá lúa đã giảm 500-700 đồng/kg so với giá ở vụ đông xuân 2010-2011. Ông Nguyễn Văn Trung ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An cho biết: “Sản xuất lúa trong vụ hè thu (vụ 2) chi phí chắc chắn sẽ tăng cao hơn vụ đông xuân 20-30%, nhưng năng suất lại thấp hơn vụ đông xuân 20%. Trong khi đó, so với đầu vụ, hiện giá lúa đã giảm 300-400 đồng/kg, còn so với vụ đông xuân giá đã giảm 700 đồng/kg. Điều này làm nông dân chúng tôi rất là lo lắng”.
Ông Trần Văn Mẫn ở Tân Thạnh, Long An phân tích: “Với giá bao tiêu 5.000 đồng/kg (lúa khô) mà nói đảm bảo cho nông dân chúng tôi có lãi tối thiểu 30% là thiếu thực tế. Tôi là người có trên 20 năm sản xuất lúa nên tôi biết, để sản xuất được 1kg lúa trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp tăng cao và tình hình dịch bệnh diễn biến thất thường như hiện nay, chúng tôi phải tốn ít nhất 4.000 - 4.500 đồng, bao gồm tiền phân bón, thuốc phun xịt, công làm, tiền bơm nước, tiền giống, tiền gặt, tiền phóng lúa (tuốt lúa )…Với giá này, ở vụ đông xuân chúng tôi còn có lãi chút đỉnh vì năng suất cao”.
Ông Mẫn cho biết thêm: “Năng xuất và chi phí đầu tư ở vụ này so với vụ đông xuân tỷ lệ nghịch với nhau. Nghĩa là trong vụ hè thu này chi phí đầu tư tăng 20-30% nhưng năng xuất lại giảm 30% so với vụ đông xuân”.
Ông Trung quả quyết: “Ở vụ này, giá bảo hiểm 5.000 đồng/kg (lúa khô) mà VFA đưa ra là không hợp lý vì chắc chắn giá lúa sẽ không thể giảm xuống dưới mức đó. Bên cạnh đó, khi VFA tuyên bố thu mua bảo hiểm chỉ 5.000 đồng/kg vô tình kéo giá trị hạt gạo của Việt Nam đi xuống”.
Chỉ nên tập trung giải quyết đầu ra
VFA cho biết, từ ngày 1/6-15/6 xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt trên 270.750 tấn, trị giá 124,022 triệu đô la Mỹ, so với nửa đầu tháng 5, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 30.000 tấn.
Như vậy, tính đến giữa tháng 6 Việt Nam xuất khẩu đạt trên 3,5 triệu tấn gạo, trị giá 1,67 tỉ đô la Mỹ.
|
“Không biết đợt mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa trong vụ hè thu này giá cả như thế nào, nhưng ở vụ đông xuân khi VFA mua tạm trữ thì giá lại giảm mạnh. Điều lạ là khi mua xong thì giá ào ào tăng lên. Tôi thấy VFA nên quan tâm khâu đầu ra của hạt gạo, tức tăng cường ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác. Không nên quá chú trọng vào mua tạm trữ vì thực tế lợi ích mà người nông dân chúng tôi được hưởng từ việc mua tạm trữ cũng chẳng là bao”- ông Đỗ Văn Thế, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ánh (Ba Ánh), Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo Tấn Tài III (chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang) nói: “Giá lúa cao hay thấp phụ thuộc đến 90% vào kết quả ký hợp đồng xuất khẩu của VFA với các nước. Vì thế, theo ý kiến của tôi, VFA nên chú trọng tìm kiếm thêm thị trường nhập khẩu gạo để “giải cứu” giá lúa đang rớt như hiện nay”.
Trao đổi với người viết, một số bà con nông dân băn khoăn, thời điểm VFA thu mua tạm trữ (15/7-30/8) là cao điểm thu hoạch lúa hè thu, trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký rất hạn chế, chắc chắn giá lúa sẽ đi xuống. Khi ấy, VFA sẽ thu vào giá thấp, chờ giá lên xuất bán.
Trả lời phỏng vấn báo chí, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đề xuất: “Chuyện thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa phải đi vào thực chất. Không nên mua cầm chừng, nhấp nhá, chờ giá thấp khi thu hoạch đông ken. Vấn đề là cần mua nhanh và nên tìm cách mua lúa trực tiếp từ nông dân để dân được hưởng giá cao, giảm các khâu trung gian không cần thiết”.
Ông Bảnh cũng cho biết thêm, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giải quyết đầu ra hạt gạo cho người nông dân vì đó là yếu tố quan trọng quyết định đến lợi nhuận mà người nông dân được hưởng. Thực tế, khi VFA ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, lập tức thị trường lúa, gạo trong nước sôi động hẳn lên, giá cũng tăng cao”.
Theo Trung Chánh
TBKTSG