Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhật Bản cho phép giao dịch gạo kỳ hạn sau 72 năm cấm
25 | 06 | 2011
Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với thị trường hàng hoá Nhật Bản – quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi xướng hoạt động giao dịch gạo kỳ vào năm 1730.

Nhật Bản sẵn sàng đưa gạo vào giao dịch kỳ hạn sau gần 3/4 thế kỷ thi hành lệnh cấm. Tuy nhiên, động thái này đang gặp phản đối từ phía công đoàn nông nghiệp lớn nhất nước.

Theo nguồn tin Reuters, Bộ Nông nghiệp Nhật có thể ra quyết định ngay trong tuần tới, cho phép Sàn giao dịch ngũ cốc Tokyo (TGE) và Sàn giao dịch hàng hoá Kansai (KCE) đưa gạo vào giao dịch kỳ hạn trong khoảng thời gian ban đầu là hai năm.

Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với thị trường hàng hoá Nhật Bản – quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi xướng hoạt động giao dịch kỳ hạn tại Sàn giao dich gạo Dojima, Osaka vào năm 1730 và sau đó bị ngưng kể từ năm 1939.

Việc đưa gạo trở lại giao dịch trên thị trường kỳ hạn được cho là sẽ mang tới nguồn doanh thu chính cho TGE và KCE vốn đang gặp khó khăn dù thị trường hàng hoá toàn cầu đang trong giai đoạn bùng nổ.

Theo ông Katsuo Suzuki, một quan chức của KCE, đưa gạo vào giao dịch kỳ hạn sẽ giúp minh bạch giá gạo, mang đến cơ hội bảo đảm rủi ro cho nông dân, nhà bán buôn và phân phối.

Tuy nhiên, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp trung ương Nhật Bản vẫn tích cực phản đối kế hoạch này với lý do tình trạng đầu cơ gạo trên thị trường kỳ hạn chính là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao và nước này vẫn còn nhiều khó khăn sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3.

Bên cạnh đó, việc giao dịch gạo kỳ hạn sẽ làm suy yếu chính sách ổn định giá gạo và không phù hợp với ngành lúa gạo của Nhật.

KCE và TGE trong khi đó tự tin rằng, nhu cầu kinh doanh gạo kỳ hạn sẽ rất lớn. Nếu không có trở ngại nào và kế hoạch được phê duyệt thì cả hai sàn sẽ đưa gạo vào giao dịch ngay trong tháng 7 tới.

Nhật Bản luôn chủ trương phát triển bền vững thị trường gạo nội địa nên gạo nhập khẩu vào nước này bị áp thuế rất cao. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, mỗi kg gạo nhập khẩu, hiện có giá từ 60 – 160 Yên thì nhà xuất khẩu phải trả 341 Yên tiền thuế.

Theo cafef



Báo cáo phân tích thị trường