Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có lúc gạo ta "chui lủi" sang Thái
18 | 05 | 2009
Ông Trần Bảo Toàn, chủ DNTN Thanh Lịch, có thâm niên 21 năm tham gia cung ứng xuất khẩu gạo tại Sa Đéc, Đồng Tháp, cho hay, có thời điểm gạo Việt Nam phải đi chui để bán cho Thái Lan.

Ông Toàn nói: Tôi thấy năm ngoái, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Cao Đức Phát, đứng ra nhận thiếu sót trước Quốc hội trong việc để giá gạo diễn biến bất thường là chưa chính xác.

Thực ra, ông Phát nhận lỗi chỉ với tư cách người lãnh đạo cao nhất của Bộ NN&PTNT. Thực tế, nguyên nhân chính làm giá gạo nhảy múa bất thường không phải lỗi của ông Phát, mà là do cách điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Việc phân công một người vừa làm công tác hội (chủ tịch VFA), vừa làm công tác quản lý (Giám đốc Tổng Cty Lương thực miền Nam) như ông Trương Thanh Phong, là bất bình thường, sai cả về nguyên tắc và qui chế tổ chức.

Nhà nước mình đâu thiếu cán bộ mà bố trí nhân sự như vậy. Đã thế, lại giao cho ông này cái quyền quá lớn như duyệt giá sàn, phân hạn ngạch.

Giá gạo bất thường năm 2008 cũng do VFA?

Vào tháng 4/2008, VFA ký được 1.000 tấn gạo, giá lên tới 1.200USD/tấn cho thị trường Philippines, theo hợp đồng thỏa thuận giữa chính phủ hai nước.

Việc ký giá cao như vậy là để phía bạn bù lỗ cho mình một lô gạo giá rẻ trước đó. Thực tế, giá giao dịch thương mại thời điểm này khoảng 910USD/tấn.

Tất nhiên, khi đối chất về vấn đề này, ông Phong lại đổ cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Nhưng ai là người đề nghị giá sàn? Ai là người phân hạn ngạch? VFA làm cả đấy! Từ đó, dẫn đến độc quyền trong quản lý, điều hành, tìm mọi thuận lợi về Tổng Cty của mình

Ông Trần Bảo Toàn, Chủ DNTN Thanh Lịch

Tôi chưa bàn đến tính minh bạch trong việc chia 1.000 tấn gạo này như thế nào. Nhưng cơn sốt gạo bắt đầu, khi ông Phong trở về từ Philippines, phát biểu với báo chí, là ký được hợp đồng giá cao, và yêu cầu các doanh nghiệp phải xuất khẩu với giá cao theo giá của VFA. Các doanh nghiệp và nhiều người sau đó đổ xô đi mua gạo dự trữ, làm cho thị trường gạo biến động tăng cao đột ngột.

Khi giá gạo trong nước lên quá cao, VFA lại tham mưu cho Chính phủ ngưng xuất khẩu gạo, kéo dài từ tháng Năm đến tháng 7/2008. Việc tạm ngưng xuất khẩu này làm cho giá gạo nhanh chóng hạ nhiệt.

Lẽ ra, VFA phải tham mưu Chính phủ cho xuất khẩu lại ngay khi thị trường bên ngoài giá gạo đang rất cao, nhiều nước có nhu cầu.

Cho đến khi cho xuất trở lại, giá gạo đã xuống đến tận đáy, khách hàng không còn mua nữa, một số gạo dự trữ đã mất phẩm cấp. Vì thế, có những hợp đồng chỉ xuất với giá 280USD/tấn.

Cơ hội bán gạo giá cao ngàn vàng (thời điểm đó cả nước tồn kho 1,3 triệu tấn gạo) của các doanh nghiệp Việt Nam trôi qua, thiệt hại ước tính gần một tỷ USD.

Trong khi đó, Thái Lan nắm bắt cơ hội tung kho dự trữ 3,5 triệu tấn để xuất khẩu với giá 910USD/tấn, sau đó thu mua lúa của dân với giá tương đương 610USD/tấn.

Vào thời điểm Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu gạo, đã có thông tin về việc gạo từ ĐBSCL đi lậu qua Campuchia bán vào thị trường Thái Lan để nước này xuất khẩu qua nước thứ ba.

Ngay cả khi VFA xuất được gạo giá cao, nông dân vẫn không được hưởng lợi bao nhiêu. Phải chăng hạt gạo đã qua quá nhiều tầng nấc trung gian?

Ngay cả khi VFA ký được hợp đồng ngất ngưởng với giá 1.200USD/tấn, tương đương với 19.200 đồng/kg, họ cũng chỉ mua gạo của các nhà máy trong nước với mức giá 7.500 đồng/kg.

Lợi nhuận từ hợp đồng 1.000 tấn gạo nói trên khoảng 1.000 tỷ đồng. Nói như vậy để thấy rằng, chênh lệch lợi nhuận đang thuộc về ai.



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường