Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chỉ nên làm vụ 3
07 | 12 | 2009
Vụ thu đông này, nông dân tỉnh An Giang ký hợp đồng với Cty TNHH Agimex – Kitoku gieo trồng 400ha lúa bằng các loại giống của Nhật do Cty cung cấp. Đến thời điểm này, phần lớn diện tích đã thu hoạch xong, nhưng năng suất chỉ đạt 3,5 – 3,8 tấn/ha, khiến dư luận “phản ứng” khá gay gắt với giống lúa này.

Trong khi đó, ông Shinichi Emori – Trưởng bộ phận tổng vụ của Cty này – cho rằng, lúa Nhật do Cty cung cấp vẫn bình thường, không có vấn đề về giống.

Lãi chưa bằng 1/10 giống lúa thường?

Từ cuối tháng 10.2009, thời điểm chưa thu hoạch lúa vụ 2, bệnh đạo ôn và gãy cổ bông đã xuất hiện dày đặc trên những cánh đồng lúa Nhật ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn. Đến nay, 140ha lúa Nhật ở xã này đã thu hoạch xong, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 3,5 tấn/ha.

Ông Ngô Văn Bảy (ấp Sơn Hiệp) cho biết: “Tui canh tác 6ha lúa Nhật, phải đầu tư hơn 130 triệu đồng, giờ thu được 19 tấn coi như huề vốn, chưa kể lỗ chi phí vận chuyển về nhà máy khoảng 70.000 đồng/tấn”. Khá hơn một chút, ông Nguyễn Văn Tú canh tác 19 công lúa Nhật, trừ hết chi phí còn lãi được... 4 triệu đồng, chưa bằng 1/10 mức lãi các giống lúa thường.

Tại xã Phú Thành (huyện Phú Tân), nông dân đã thu hoạch gần hết 72ha lúa giống Kinu và Akita của Nhật, năng suất bình quân cũng chỉ 3,5 – 3,8 tấn/ha. Không chỉ Thoại Sơn và Phú Tân, mà hầu hết nông dân ở 21 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố Long Xuyên gieo trồng lúa Nhật đều gặp phải tình trạng này.

Theo phản ánh của nhiều nông dân, nguyên nhân thất bát là do thời tiết năm nay không thuận, sâu bệnh hoành hành, thời gian sinh trưởng của cây lúa Nhật lại ngắn hơn dự kiến v.v... Trước đó, 500ha lúa Nhật trồng ở vụ hè thu cũng cho năng suất, chất lượng kém; trong khi quy trình kỹ thuật khá phức tạp, mức đầu tư cao hơn lúa thường nên đa số bà con nông dân không có lãi.

Lúa Nhật chỉ thích hợp vụ 3

Các giống lúa Nhật này do Cty TNHH Angimex – Kitoku cung cấp cho nông dân theo hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, cái được của nông dân là “ăn chắc”, vì cơ bản có đầu ra và giá cả ấn định ngay từ đầu vụ. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở ĐBSCL tiêu thụ sản phẩm cho nông dân theo hợp đồng bao tiêu trên cây lúa.

Ông Shinichi Emori – Trưởng bộ phận tổng vụ của Cty – cho biết: “Chúng tôi đã đưa giống lúa Nhật vào An Giang từ năm 1996. Từ 20 giống đưa vào khảo nghiệm ban đầu, nay đã chọn được 4 giống thích nghi để cung ứng cho nông dân gieo trồng đại trà. Theo đó, diện tích cũng đã tăng dần từ 16ha lên 1.750ha vào vụ đông xuân 2008 – 2009, với năng suất bình quân đạt 6 – 6,5 tấn/ha. Vụ đông xuân tới đây, Cty sẽ ký tiếp hợp đồng với nông dân trên diện tích ít nhất là bằng vụ đông xuân năm trước - tức 1.750ha”.

Cũng theo ông Shinichi Emori, các giống lúa này chủ yếu ổn định ở vụ đông xuân, còn với các vụ khác thì Cty vẫn đang nghiên cứu để tìm nguyên nhân dẫn đến năng suất, chất lượng thấp. “Hai vụ lúa vừa rồi là do nông dân có nguyện vọng nên Cty mới đầu tư, còn lúa Nhật gieo trồng vụ đông xuân như lâu nay thì chúng tôi đảm bảo không có vấn đề gì” – ông Shinichi Emori nói.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường