Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trà Vinh: Hơn 1.000 ha lúa hè thu bị nhiễm rầy nâu
30 | 06 | 2007
Đến nay, nông dân tỉnh Trà Vinh đã xuống giống được 80.961 ha lúa hè thu, đạt 98% kế hoạch. Trong số này hiện có khoảng 12.000 ha bị nhiễm rầy nâu, bệnh cháy lá, thối cổ bông, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng… gây hại

Riêng tại hai huyện Càng Long và Cầu Kè (giáp ranh tỉnh Vĩnh Long) hiện có hơn 1.000 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, với mật độ từ 500 đến 2.000 con/m2, cục bộ có nơi lên đến 5.000 con/m2; rầy phổ biến từ tuổi 4 đến tuổi 5 và rầy trưởng thành.

Theo các nhà chuyên môn, do hiện nay trên địa bàn tỉnh đang vào thời điểm mưa dầm, ngày nắng yếu... là điều kiện tốt để rầy nâu phát triển. Hơn nữa, lúa hè thu ở các tỉnh trong khu vực đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ; riêng diện tích lúa hè thu đang ở giai đoạn trỗ đòng đang có rầy nâu ở từ tuổi 4 đến tuổi 5 với mật độ cao… Dự báo từ nay đến đầu tháng 7/2007, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh sẽ có đợt rầy mang trứng và rầy cánh dài di trú trên diện rộng, khả năng gây hại lúa hè thu là rất lớn. Điều đáng lo ngại là qua phân tích các mẫu rầy nâu được lấy trên đồng ruộng Trà Vinh, tỷ lệ rầy trưởng thành mang virus bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VLLXL) còn rất cao… Vì vậy, nông dân phải thường xuyên thăm đồng hàng ngày, quan sát kỷ ở phần gốc lúa. Nếu phát hiện rầy cám nở rộ phải khẩn trương đưa nước vào ruộng để che chắn bảo vệ lúa; khi phun thuốc diệt rầy nâu phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và phun rãi đúng kỹ thuật. Đối với những cây lúa bị nhiễm bệnh VLLXL cần nhổ bỏ, tiêu huỷ ngay tránh lây lan trên diện rộng…

Vụ lúa mùa, thu đông và đông xuân 2006- 2007, tỉnh có khoảng 93.500 ha bị nhiễm rầy nâu, bệnh VLLXL, chiếm gần 65% diện tích xuống giống. Trong đó, gần 7.500 ha lúa bị nhiễm bệnh VLLXL nặng buộc phải tiêu huỷ hoàn toàn; riêng diện tích còn lại bị giảm năng suất từ 0,5 đến 2 tấn/ha. Ước tổng thiệt hại nông dân phải gánh chịu khoảng hơn 357 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn chi hàng chục tỷ đồng để mở 5 đợt cao điểm phòng chống rầy nâu, bệnh VLLXL; với lượng thuốc đặc trị được sử dụng lên đến 153 tấn, phun xịt trên 98.000 ha



Nguồn tin: Agroviet
Báo cáo phân tích thị trường