Đến nay, trong số gần 1,5 triệu ha lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có 1,085 triệu ha đã qua 60 ngày tuổi (thoát khỏi giai đoạn nguy kịch của dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá). Cục Trồng trọt hướng dẫn bà con nông dân áp dụng đúng các kỹ thuật dậm tỉa, làm cỏ, bón phân, dùng bảng so màu lá lúa, tuyệt đối không dùng thừa phân đạm sẽ làm hỏng lúa và phát sinh sâu bệnh, gia tăng tỷ lệ hạt lép. Để quản lý dịch hại, đối với lúa quá 20 ngày tuổi đến trỗ chín, bà con cần giữ mực nước trên đồng ruộng thích hợp theo từng thời điểm phát triển của cây lúa. Khi có rầy cánh dài di trú đến phải áp dụng đồng loạt 2 biện pháp: bơm nước vào ruộng lên quá “chảng ba” cây lúa để che chắn rầy và tiến hành phun xịt đồng loạt diệt rầy. Tiếp tục phun xịt đồng loạt khi có rầy cám nở rộ. Lúa dưới 20 ngày tuổi có rầy là phun xịt không cần mật số cao. Cần luân phiên sử dụng thuốc hay hỗn hợp thuốc để tăng sức đề kháng cho cây lúa. Sắp tới sẽ có 2 đợt rầy nâu nở rộ ngay trước Tết Nguyên đán 10 ngày và sau Tết Nguyên đán 10 ngày. Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo nông dân các tỉnh không được lơ là chủ quan, phải phân công lịch trực tết, thăm đồng thường xuyên, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá (VL LXL), cảnh giác bệnh đạo ôn cổ bông để đảm bảo năng suất chất lượng vụ lúa đông xuân 2006-2007.
Về khâu thu hoạch, Cục Trồng trọt lưu ý: nên có kế hoạch tìm nhân công cắt lúa hoặc máy gặt đập chuẩn bị cho khâu thu hoạch ngay từ bây giờ; thường xuyên theo dõi và cho thu hoạch ngay khi lúa chín đạt khoảng 85% để cho năng suất và chất lượng cao nhất; cần tính toán kỹ, tuỳ thuộc vào địa hình nền đất lúa để thuê nhân công hay thuê máy gặt đập. Hiện nay có nhiều loại máy như máy cắt rãi, máy gặt đập liên hợp. Nếu dùng nhân công cắt lúa đến đâu gom suốt đến đó tránh để đống lâu ngoài đồng (quá một nắng) sẽ ảnh hưởng chất lượng gạo. Phơi sấy phải đạt ẩm độ tồn trữ (14%) để đảm bảo chất lượng gạo. Đối với lúa để làm giống phải có bao bì sạch, có chế độ cất giữ riêng./.