Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy lợi ĐBSCL - Nền tảng làm giàu vựa lúa
01 | 07 | 2007
Xây dựng công trình thủy lợi, trong đó có đê bao, bờ bao, tôn nền vượt lũ... là nền tảng làm giàu vựa lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, theo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong quá trình xây dựng công trình thủy lợi, một số nơi chưa thực hiện đúng cách, đã làm nảy sinh những hệ lụy ảnh hưởng đến năng suất lúa, hoa màu.

Phóng viên: Thời gian vừa qua, dư luận xã hội phản ánh ý kiến của một số người, trong đó có cả nhà khoa học phê phán các tác hại của hệ thống đê bao, bờ bao (ĐB, BB) ở ĐBSCL. Xin ông cho biết ý kiến về các nhận xét nói trên?

Ông Võ Văn Kiệt: Trong một xã hội phát triển, dân chủ và tiến bộ, phản hồi khoa học và phản biện xã hội là rất cần thiết để các cơ quan có thẩm quyền và những người có trách nhiệm lắng nghe các loại ý kiến - kể cả trái chiều - để xem xét vấn đề một cách toàn diện, tích cực, hoàn thiện hơn.

Các nhà khoa học tâm huyết, có ý thức xây dựng thực sự, họ bám sát thực tế nên các ý kiến nêu ra rất hữu ích cho tiến trình xây dựng đất nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên một vài tờ báo, kể cả tại diễn đàn "Tìm hướng phát triển bền vững cho vựa lúa ĐBSCL", một số ý kiến nhân danh nhà khoa học phê phán các công trình thủy lợi, nhất là ĐB, BB đã gây ra phản ứng trong xã hội.

Các ý kiến đó có thể không tìm hiểu toàn diện có hệ thống từ chủ trương, quá trình chỉ đạo thực hiện và từ cuộc sống đòi hỏi đáp ứng nguyện vọng của người dân đến kết quả thực hiện của ĐB, BB cả về thành công, hạn chế và cả rút ra kinh nghiệm.

Phóng viên: Xin ông cho biết ý kiến về vai trò của hệ thống thủy lợi nói chung và ĐB, BB vùng ngập lũ ở ĐBSCL?

Ông Võ Văn Kiệt: Muốn đánh giá đúng và khách quan, cần đặt ĐBSCL trong bối cảnh lịch sử từ tự nhiên - liên quan đến các công trình của ông cha ta như kênh Vĩnh Tế - đến hệ thống kênh đào từ thời Pháp để lại, cùng với các công trình được xây dựng sau 30-4-1975 điển hình như kênh Hồng Ngự xuyên qua Đồng Tháp Mười, công trình mở đầu cho chương trình ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang)...

Về tổng thể, ĐBSCL được chia thành hai vùng lớn: Một nửa là vùng nước ngọt tiếp giáp với vùng nước mặn ven biển (không ngập lũ trực tiếp). Một nửa còn lại, mỗi năm đều có lũ về, dân thường gọi là mùa nước nổi do tác động trực tiếp từ nguồn lũ sông Mê Công.

Quá trình phát triển hệ thống thủy lợi ở hai vùng, thông qua các chương trình lớn đã góp phần tích cực đưa sản lượng lương thực tăng nhanh từ 4,7 triệu tấn năm 1976 lên 19,1 triệu tấn năm 2005.

Về cơ bản, chủ trương phát triển thủy lợi đối với từng vùng là hợp lý, song cũng không tránh khỏi những sai sót cục bộ như các cống Chà Và, Thâu Râu ở nam Mang Thít, cống kênh Tuần Thống thoát lũ ra biển Tây, do không đủ khẩu độ nên không đáp ứng được mục tiêu ban đầu, đã được điều chỉnh, bổ sung qua vận hành thực tế.

Ngay như chủ trương xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ là rất đúng đắn bởi nó rút ra từ kinh nghiệm "sống chung với lũ" của người dân. Song trong chỉ đạo thực hiện, cũng còn không ít sai sót và hạn chế như đầu tư chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng không hoàn chỉnh...

Mặc dù vậy, nhờ có hệ thống công trình thủy lợi đa mục tiêu, chúng ta đã đánh thức được tiềm năng của hai "kho đất" lớn ở Tứ giác Long xuyên và Đồng Tháp Mười. Hệ thống ĐB, BB cũng dần hình thành và phát triển từ sáng kiến của người dân, được các nhà khoa học minh chứng bằng luận cứ, tính toán để Nhà nước có đủ cơ sở quan tâm, xem xét, đầu tư trên quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn.

Chính từ những ĐB, BB đã hình thành hệ thống giao thông, nơi ở an toàn cho người dân vùng ngập lũ. Có thể khẳng định rằng, chính nhờ có hệ thống thủy lợi, nhất là ĐB, BB mà cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ngày nay, được an toàn hơn, sản xuất chủ động (lúa, màu, cây ăn trái, thủy sản nước mặn, nước ngọt...), ngành nghề phát triển đa dạng, giao thông nông thôn thông thoáng hơn.

Nói cách khác, hệ thống thủy lợi đã tạo ra nền tảng làm giàu cho vựa lúa hôm nay, góp phần đắc lực vào chương trình an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội.

Việc hình thành hệ thống thủy lợi - trong đó có ĐB, BB để bảo vệ dân sinh, thoát nước nhanh vào mùa lũ, trữ ngọt, bẫy ngọt, rửa phèn, kiểm soát mặn - là một tất yếu của quy luật khách quan trước mắt cũng như lâu dài.

Phóng viên: Được biết trước đây, Chính phủ có chủ trương đào kênh Hồng Ngự hay làm chương trình thoát lũ ra biển Tây đã có nhiều ý kiến phản bác, nhưng vì sao Chính phủ vẫn cương quyết thực hiện và thực tế ngày nay các công trình nói trên đã mang lại hiệu quả to lớn cả về kinh tế - xã hội và môi trường, thưa ông?

Ông Võ Văn Kiệt: Trước hết, phải khẳng định là sự xuất hiện của cái mới, ít khi nào có được sự thống nhất 100%, nhất là với lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm như thủy lợi thì thậm chí có nhiều ý kiến khác nhau.

Chính vì vậy, trước khi đưa ra chủ trương, quyết định, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các buổi lấy ý kiến từ nhiều nguồn thông tin của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, lãnh đạo địa phương, những người nghe được hơi thở của nhu cầu thủy lợi trên từng vùng đất...

Trong quá trình này, Chính phủ cũng ghi nhận đầy đủ các ý kiến phản bác để từ đó phân tích, đánh giá các ý kiến có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định này, để tạo nên cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi còn nhớ rất rõ, một trong những công trình mang tính mở đầu và cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác nhất là kênh Hồng Ngự. Có thể nói, xuyên suốt quá trình hình thành ý tưởng đến lập kế hoạch, tổ chức thi công..., có rất nhiều ý kiến phê phán, phản đối (kể cả chuyên gia nước ngoài) vì chúng ta đã cả gan dám đụng đến "rốn phèn" của Đồng Tháp Mười.

Tuy nhiên đến nay, thì ai cũng thừa nhận những ích lợi to lớn của nó. Thậm chí, nhân dân còn tri ân Nhà nước bằng cách đặt tên cho công trình Hồng Ngự là kênh Trung ương.

Tất nhiên, những lợi ích của thủy lợi không phải bao giờ cũng tuyệt đối, với hai lý do: Thứ nhất là khi ta tác động vào thiên nhiên bằng những công trình, chắc chắn thiên nhiên sẽ tác động ngược lại.

Thứ hai, không một ai có thể lường hết mọi diễn biến, tác động biến đổi rất sinh động của môi trường. Bởi vậy, từ chủ trương đến khi thực hiện xây dựng công trình cần quán triệt quan điểm là làm sao cho cái được, cái lợi là lớn nhất và cái mất, cái hại là ít nhất.

Xin đơn cử thí dụ rất dễ hiểu là công trình xóa cầu khỉ nông thôn. Cứ nghĩ là xây cầu bêtông thay cầu tre lắt lẻo là mang lại lợi ích to lớn cho nông thôn. Tuy nhiên, khi xây dựng lại phát sinh vấn đề về độ tĩnh không chưa phù hợp cho xuồng ghe đi lại mỗi khi nước lớn, nên phải điều chỉnh. Nếu gọi đó là lỗi thì do tính toán, thiết kế chớ không phải do chủ trương.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cho hệ thống thủy lợi, kể cả ĐB, BB vùng ĐBSCL thời gian qua là không tương xứng, nên chưa thực sự phát huy hết tiềm năng về kinh tế - xã hội, đặc biệt là vựa lúa của cả nước?

Ông Võ Văn Kiệt: Đúng vậy. ĐBSCL có tiềm năng to lớn, chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và là chìa khoá chính trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, hằng năm đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực (95% lượng gạo xuất khẩu), 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng cây ăn trái cả nước. Chính phủ đã xác định ba đột phá trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL là đầu tư cho giao thông đường bộ, thủy lợi và giáo dục.

Trong các năm qua, thực tế đầu tư cho thủy lợi vẫn còn rất hạn chế. Nhiều công trình thủy lợi còn thô sơ, không đồng bộ, chưa khép kín nên chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Về lâu dài, để đối phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên như mực nước biển ngày càng dâng cao, bão lũ càng lớn, và mùa kiệt thiếu nguồn nước ngọt, cần nghiên cứu mô hình đê biển, âu thuyền cửa sông của các nước tiên tiến trên thế giới.

Hà Lan có diện tích, dân số tương tự như ĐBSCL, mặt đất rất thấp so với mực nước biển, nhưng nhờ có hệ thống đê biển, âu thuyền hiện đại cùng với cảng biển, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đã đạt mức GDP cao hơn 40 lần so với ĐBSCL.

Để quản lý thiên tai một cách khôn ngoan, sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả vì một ĐBSCL kinh tế ổn định, thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên cho các khâu đột phá, trong đó có hệ thống các công trình thủy lợi.

Chính phủ, cụ thể là ba bộ: Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường cần coi trọng công tác quy hoạch chiến lược thích ứng với các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, để sử dụng tổng hợp tài nguyên nước sông Mê Công một cách vững bền và hiệu quả nhất.



(Theo Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường