Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diễn biến các thị trường xuất khẩu từ đầu năm
06 | 06 | 2007
Xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: từ nguồn, lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa sản xuất ở trong nước để xuất khẩu, giá cả xuất khẩu, công tác quảng cáo, tiếp thị... đến thị trường xuất khẩu
Trong các yếu tố trên, thị trường xuất khẩu là yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi nó tác động đến hầu hết các yếu tố khác và sự tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu. Vậy diễn biến của thị trường xuất khẩu trong những tháng đầu năm nay như thế nào và cần rút ra những vấn đề gì?

Châu Á hiện vẫn là thị trường nhập khẩu hàng của Việt Nam nhiều nhất, chiếm trên 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Á đang giảm dần, do xuất khẩu vào thị trường này tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, thậm chí vào một số nước và vùng lãnh thổ còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) của Việt Nam và lớn thứ nhất châu Á, nhưng 4 tháng qua mới đạt 1,6 tỷ USD, chỉ tăng 2,5% (quý I còn bị giảm 1,6%), chủ yếu do xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang đây từ năm 2005 đã vượt Mỹ lên đứng thứ nhất, nhưng từ mấy tháng nay đã bị dừng lại khi Nhật Bản kiểm tra phát hiện dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn thứ tư thế giới và lớn thứ hai ở châu Á, nhưng 4 tháng qua mới đạt 1 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ (quý I bị giảm 12,1%). Trong quan hệ xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Việt Nam liên tục ở vị thế nhập siêu và nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng: quý I lên đến 1.134,6 triệu USD, lớn nhất trong các nước và vùng lãnh thổ.

Singapore cũng là thị trường nhập khẩu nhiều hàng của Việt Nam, đứng thứ 6 trên thế giới và thứ nhất khu vực Đông Nam Á, trong quý I đã nhập 459,3 triệu USD, tăng tới 50,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhập siêu của Việt Nam từ Singapore rất lớn, quý I lên đến 826,3 triệu USD, đứng thứ hai sau Trung Quốc.

Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam trong quý I/2007 gần 310 triệu USD hàng hoá, vượt lên đứng thứ 8 thế giới, thứ 3 ở châu Á và thứ hai ở Đông Nam Á, tăng 27,8% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng xuất khẩu gạo từ Việt Nam.

Thị trường Hàn Quốc trong quý I/2007 đã nhập từ Việt Nam gần 247 triệu USD hàng hoá các loại, đứng thứ 9 thế giới và thứ 5 châu Á. Tuy nhiên, trong quan hệ buôn bán Việt-Hàn, Việt Nam luôn ở vị thế nhập siêu với mức nhập siêu quý I lên đến 653,8 triệu USD.

Campuchia trong quý I/2007 cũng nhập khẩu nhiều hàng của Việt Nam, đạt 223,9 triệu USD, đứng thứ 11 thế giới, thứ 6 ở châu Á và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có vị thế xuất siêu trong quan hệ buôn bán với Campuchia.

Thái Lan trong quý I/2007 đã nhập khẩu từ Việt Nam 206,3 triệu USD hàng hoá, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quan hệ buôn bán với Thái Lan, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu với mức nhập siêu quý I/2007 lên tới 400,2 triệu USD.

Trong quý I/2007, xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông đạt 116,6 triệu USD, tăng 33,3%, đưa Hồng Kông trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 11 ở châu Á của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập siêu từ Hồng Kông với mức nhập lên tới 197,6 triệu USD.

Đài Loan trong quý I/2007 đã nhập từ Việt Nam một lượng hàng hoá trị giá 221,5 triệu USD. Tuy nhiên, trong quan hệ buôn bán với Đài Loan, Việt Nam vẫn luôn ở thế nhập siêu với mức nhập siêu quý I lên đến 749,7 triệu USD.

Như vậy, quan hệ buôn bán của Việt Nam với các nước châu Á trong những tháng qua có 3 đặc điểm: quy mô lớn nhất trong các châu lục khác; tăng chậm nhất so với các châu lục khác, nên tỷ trọng giảm; Việt Nam nhập siêu lớn nhất ở châu lục này.

Đối với các thị trường khác thì Mỹ là nước nhập khẩu của Việt Nam nhiều nhất, 4 tháng qua đạt 2,8 tỷ USD, đứng thứ nhất trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng 23,1% so với cùng kỳ.

Những mặt hàng có kim ngạch lớn nhất vào thị trường này là dệt may (1,2 tỷ USD, tăng 32,9%); giày dép 290 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ 267 triệu USD. Trong quan hệ buôn bán với Mỹ, Việt Nam hiện ở vị thế xuất siêu lớn (quý I xuất siêu 1.967,8 triệu USD).

Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đang bị chương trình giám sát bán phá giá giám sát, dự định điều tra vào tháng 8, nên ảnh hưởng đến xuất khẩu trong thời gian tới.

EU là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam. Bốn tháng qua đã đạt gần 2,8 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch của Việt Nam, tăng 26,5% tốc độ tăng chung.

Trong khu vực này, Đức đứng đầu, với 604 triệu USD, tăng 32%; Việt Nam xuất siêu khá (quý I là 271,5 triệu USD); Anh đứng thứ hai, với 422 triệu USD, tăng 14,1%; Việt Nam xuất siêu khá (quý I đạt 307 triệu USD); Hà Lan đứng thứ ba, với 320 triệu USD, tăng 28,7%, Việt Nam xuất siêu 149,6 triệu USD trong quý I; Italia đứng thứ tư, với 269 triệu USD, tăng 37%, Việt Nam xuất siêu khá (quý I xuất siêu 139,7 triệu USD); Pháp đứng thứ năm với 264 triệu USD, tăng 7,8%, Việt Nam nhập siêu lớn (quý I lên đến 317 triệu USD).

Nói chung đối với EU là quy mô lớn, tăng cao và Việt Nam xuất siêu.

Australia nhập khẩu từ Việt Nam 947,7 triệu USD trong quý I/2007, là nước nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới của Việt Nam với tốc độ tăng khá cao (35,8%). Việt Nam xuất siêu lớn (quý I là 803,4 triệu USD, lớn thứ 2 sau Mỹ).

Nhìn chung thị trường xuất khẩu có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng các châu lục khác ngoài châu Á tăng cao. Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách thì có 2 vấn đề đáng lưu ý, đó là nhập siêu lớn từ châu Á và tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.



Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường