Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lối ra cho nghề nuôi cá tra, tôm nước lợ ở đồng bằng sông Cửu Long
20 | 03 | 2009
Năm 2008 là năm điển hình về những khó khăn của nghề nuôi cá tra và tôm nước lợ tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Ðánh giá một cách xác đáng thì cho đến nay, nghề nuôi cá tra và tôm nước lợ chưa có sự gắn kết giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản chưa được quản lý chặt chẽ, cần dựa vào đó để rút ra những kinh nghiệm và bài học về phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ một cách căn cơ và hữu hiệu nhất cho năm 2009.

Ðối mặt với nhiều khó khăn

Nông dân Sóc Trăng đang bước vào vụ nuôi tôm năm 2009. Tình hình thời tiết, môi trường và giá tôm nguyên liệu đang gặp nhiều khó khăn, phần lớn người dân còn đắn đo trong việc có nên tiếp tục thả nuôi hay không. Theo kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp thì năm 2009 có khoảng 40% số hộ nông dân nuôi tôm thiếu vốn, không đủ sức sản xuất. Nguyên nhân là giá bán tôm nguyên liệu thấp khiến 50% số hộ nuôi tôm sú bị lỗ, không thể trả nợ ngân hàng và không thể vay vốn nuôi mới. Chính vì vậy, diện tích nuôi tôm năm 2009 có thể giảm và sản lượng tôm nguyên liệu dự báo giảm khoảng 20%. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản có khả năng thiếu nguyên liệu sản xuất, tình hình thị trường, tiêu thụ tôm vẫn còn nhiều khó khăn, do vậy giá tôm nguyên liệu năm 2009 vẫn chưa khả quan.

Biến động về giá thành sản xuất và giá bán thủy sản nguyên liệu đã khiến nghề nuôi cá tra và tôm nước lợ lao đao. Do sự biến động về giá cả thị trường nên các yếu tố đầu vào của sản xuất tôm, cá tăng cao; tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ khó khăn, giá bán thấp đã gây khó khăn không ít cho các cơ sở nuôi cá. Từ đầu năm 2008, giá bán thức ăn nuôi thủy sản  tăng trung bình 30% so với năm 2007 và đứng giá cho đến nay, dẫn tới giá thành nuôi thủy sản tăng cao so với năm 2007 từ 30 đến 40%.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng dự báo, sự giảm sút của hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra sẽ khiến xuất khẩu thủy sản năm 2009 giảm khoảng 15 - 20% so với năm 2008. Mức sụt giảm này còn tùy thuộc mức độ hồi phục của kinh tế thế giới kết hợp hiệu quả của những giải pháp kích thích xuất khẩu của Việt Nam. Riêng mặt hàng tôm sú (hiện chiếm khoảng 40% doanh số xuất khẩu thủy sản) đang phải cạnh tranh quyết liệt với sự giảm giá của tôm vanamei (sản phẩm tôm thẻ Nam Mỹ) trên thị trường.

Một khó khăn khác cũng được dự báo là, năm nay thời tiết khá thất thường so với mọi năm. Mùa mưa năm 2008 muộn, nhưng xuất hiện những đợt mưa trái mùa đầu năm 2009 do ảnh hưởng của trường gió đông, khiến thời tiết trở nên nắng nóng và oi bức, có khả năng xảy ra tình trạng khô hạn cục bộ và dịch bệnh, gây khó khăn cho vụ nuôi tôm sú. Ðộ mặn cũng đến chậm hơn, trên các triền sông dao động rất lớn, vùng cửa sông Mỹ Thanh, Trần Ðề có độ mặn cao hơn các vùng nội đồng khác, làm ảnh hưởng lịch thời vụ thả giống tôm. Tuy nhiên, nỗi lo nhất của người nuôi trồng thủy sản hiện nay là chất lượng tôm giống chưa được bảo đảm. Hậu quả là ngày càng có nhiều hộ nuôi tôm thiệt hại nặng. Hằng năm, Sóc Trăng thả nuôi gần sáu tỷ con tôm giống, nhưng chỉ kiểm dịch được khoảng 45%, số còn lại nhập ngoài tỉnh về phần lớn là kém chất lượng. Mặt khác, trong quy trình sản xuất thủy sản chưa có sự gắn kết giữa các khâu nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; các nhà máy chế biến và người nuôi trồng thủy sản vẫn chưa gắn kết được với nhau.

Ða dạng hóa sản phẩm nuôi và hình thức tiêu thụ

Từ thực tế thu mua cá tra của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất thông qua các hình thức hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp, trong đó hình thức hợp đồng thu mua gắn với đầu tư và bao tiêu sản phẩm đều được cả người bán và người mua dễ chấp nhận hơn cả. Trước năm 2002, việc tiêu thụ mặt hàng tôm, cá tra thông qua hình thức ký hợp đồng gắn đầu tư với thu mua tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ 2-3% sản lượng, sau năm 2002, tỷ lệ này chiếm từ 10 đến 30% sản lượng. Tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long có ba hợp tác xã tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng liên kết và quản lý cộng đồng để cùng tồn tại và phát triển. Công ty TNHH thủy sản Hùng Vương  đã hợp đồng đầu tư và  tiêu thụ hơn mười nghìn tấn cá tra với người nuôi. Doanh nghiệp này đầu tư ứng trước giống, thuốc thú y thủy sản, thức ăn theo tỷ lệ 1,7 kg thức ăn viên ứng với 1kg cá thịt và thu mua toàn bộ cá nguyên liệu. Cách làm trên đã giúp người nuôi cá không bị ảnh hưởng do biến động của giá thức ăn và giá cá khi xuất, công ty chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, tiêu thụ ổn định. Tất nhiên những hình thức liên kết nêu trên chưa nhiều, chưa ổn định và mức độ ràng buộc còn lỏng lẻo.

Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình liên kết giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ tôm và cá tra tại các tỉnh ÐBSCL, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất ba mô hình liên kết bốn nhà, cụ thể từ mô hình liên hợp sản xuất cá sạch AGRIFISH đề xuất mô hình liên kết hoàn thiện giữa hộ nuôi cá với nhà máy chế biến, giữa nhà máy với trung tâm giống, công ty thuốc, thức ăn, ngân hàng thông qua các hợp đồng; mô hình hợp tác xã nuôi tôm và mô hình liên hiệp sản xuất tôm bền vững FAQUIMEX (Bến Tre) hướng tới  bảo lãnh cung cấp giữa nhà máy chế biến với các dịch vụ đầu vào cho người nuôi. Rất nhiều ý kiến của người trong nghề đề xuất việc quan tâm mở rộng phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường thế giới bị thu hẹp; hỗ trợ theo phương thức giao hàng tại kho ngoại quan; giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng con giống, giảm giá nguyên liệu đầu vào, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao tỷ lệ OMEGAR 3 trong thịt cá và tăng tỷ trọng hàng giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu; doanh nghiệp chế biến chủ động ký hợp đồng với người nuôi để sản xuất từ  1,3 đến 1,5 triệu tấn cá tra trong năm 2009, nghiên cứu tổ chức sàn giao dịch, chợ đầu mối cá nước ngọt ÐBSCL.

Trước những diễn biến phức tạp của việc sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ, bản thân các doanh nghiệp và cá nhân trong nghề cũng tự đa dạng các mô hình nuôi thủy sản theo hướng lấy ngắn nuôi dài, quay vòng vốn nhanh, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, cung ứng sản phẩm nhanh nhất cho thị trường. Không ít doanh nghiệp thay vì nuôi cá tra thịt để bán cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, lại tập trung nuôi cá giống chừng 0,2-0,3 kg/con để bán cho các vùng nuôi cá, ưu điểm là tỷ lệ rủi ro nuôi cá thấp, lại quay vòng vốn nhanh. Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm lại chuyển đổi phần lớn diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Bởi trên thương trường hiện nay, con tôm sú đang bị tôm thẻ chân trắng cạnh tranh quyết liệt, do tôm thẻ chân trắng dễ nuôi và có năng suất cao gấp hai lần so với tôm sú, nên giá thành sản xuất hạ, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ðể nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, chính quyền các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản sớm tiếp tục khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu nguyên liệu lặp đi lặp lại, lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản, công tác thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ thủy sản chưa kịp thời, không đầy đủ. Cùng với việc tổ chức lại sản xuất, tìm biện pháp giảm chi phí nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản linh hoạt hơn trong các cách thức hợp đồng với người nuôi trồng thủy sản. Các cách thức hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nuôi thủy sản, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu có sản lượng cao, chất lượng tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới và giúp người dân hạn chế những thiệt hại, rủi ro mỗi mùa tôm đến.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường