Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa hàng nội tái chiếm thị trường nông thôn
23 | 04 | 2009
"Không có đất cho hàng kém chất lượng !". Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương tại cuộc họp công bố chương trình “Xúc tiến thị trường, thương mại nội địa năm 2009” ngày 22/4 nhằm đưa hàng nội tái chiếm thị trường nông thôn trong thời gian tới.

Hơn 51 tỉ đồng hỗ trợ đưa hàng"nội" về nông thôn

Người tiêu dùng ở thị trường nông thôn sẽ được tiếp cận các hàng chất lượng cao với giá cả phù hợp. Ảnh: Đại Dương
Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Vụ Chính sách Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chương trình xúc tiến thương mại nội địa năm 2009 sẽ được tiến hành trong quý II và quý III năm nay với 3 nội dung lớn, hỗ trợ các hoạt động mang tính chất xúc tiến thương mại, kết hợp với vận động, tuyên truyền để liên kết các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam hướng về thị trường nội địa. Trên cơ sở đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, lôi cuốn người Việt Nam đến với hàng hóa do doanh nghiệp Việt sản xuất.

Theo đề án này, sẽ tiến hành điều tra tâm lý, hành vi mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về giá cả, chất lượng, kiểu dáng đối với nhóm hàng lương thực – thực phẩm, dệt may- da giày và đồ gia dụng trên phạm vi cả nước.

Theo ông Xuân, việc điều tra nhu cầu thị trường là việc làm lâu dài. Chương trình chỉ nhằm tạo “cú hích” cho những năm tiếp theo nhằm xác định được người tiêu dùng, phân khúc thị trường, doanh nghiệp nào, hàng hoá nào cần được đưa về nông thôn. 

"Lẽ ra đây là hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải điều tra xem thị trường trong nước cần gì, thiếu gì để đáp ứng. Hiệu quả của chương trình không chỉ mang lại cho năm 2009 mà về lâu dài, các doanh nghiệp trong nước sẽ kết hợp tốt sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”- Ông Ông Võ Văn Quyền- Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, việc hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn là chương trình có ý nghĩa cấp thiết đồng thời mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng thấp cấp của nước ngoài tại thị trường nông thôn.

Ngoài ra chương trình còn giúp các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người tiêu dùng nông thôn, duy trì sự có mặt lâu dài của hàng Việt Nam ở thị trường nông thôn.

Không có đất cho hàng kém chất lượng

Theo TS Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, một trong những vấn đề người tiêu dùng nội địa băn khoăn nhất là chất lượng hàng hóa được phân phối theo chương trình xúc tiến thương mại này. Không ít ý kiến nhận định, hàng hóa đưa về tiêu thụ tại các vùng nông thôn là hàng giá rẻ, kém chất lượng, lỗi mốt, hàng nhái hoặc đại hạ giá... vì giá cả những loại hàng này phù hợp với thu nhập ít ỏi của nông dân, công nhân.

“Người tiêu dùng ở nông thôn luôn là người thiệt thòi nhất. Họ không được quyền định đoạt về giá cả, không được quyền bàn thảo hợp đồng và là người gánh chịu tất cả mọi rủi ro nếu gặp hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo chất lượng an toàn thực phầm. Với các doanh nghiệp làm ăn chính đáng rất dễ bị rơi vào tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”- Ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thì mục đích đầu tiên đặt ra là phải bảo vệ người tiêu dùng. Nghĩa là, người tiêu dùng phải được dùng hàng tốt, hàng đúng chất lượng với giá cả.

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, ngoài việc khuyến khích tiêu dùng thì chúng ta cần chú ý đến việc giáo dục lâu dài cho người dân nông thôn. Từ trước tới nay chúng ta chú ý nhiều đến vấn đề an sinh xã hội hơn là việc phát triển bền vững, lâu dài.

Ông Dần cũng cho rằng để nông thôn phát triển bền vững hơn thì Nhà nước cần quan tâm phát triển vùng nguyên liệu. Hiện chúng ta đang trong tình trạng báo động về qui hoạch vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, mối gắn kết giữa các hội ở các địa phương cũng chưa chặt chẽ. Trong khi, chính quyền địa phương còn quá thờ ơ với hoạt động, sự phát triển của các làng nghề, doanh nghiệp. Có những địa phương cắm cọc bê tông cấm xe chở hàng trên 2 tấn vào làng. Làm nhưng vậy thì làm sao có thể bán được hàng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ Doanh nghiệp TPHCM cho rằng phải thừa nhận thực tế rằng, chúng ta chưa chăm sóc đúng mức cho thị trường nội địa. Điều này không có nghĩa khi xuất khẩu thuận lợi thì doanh nghiệp lại bỏ thị trường nội địa.

Theo bà Hạnh, xúc tiến thương mại không có nghĩa là nhà nước ôm hết các công việc của doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp phải không vi phạm các cam kết của WTO và Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp được. Nhà nước chỉ tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp dựa trên nền tảng đó để phát triển.

Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định chương trình chỉ là một cú “hích” của cơ quan nhà nước đối với thị trường nội địa. Doanh nghiệp là đối tượng chính thực hiện nhiệm vụ này. Về lo ngại việc hàng kém chất lượng đổ về nông thôn, ông Quyền khẳng định sẽ không có việc trên xảy ra vì sẽ có sự giám sát thực hiện chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

"Nguyên tắc là hàng đưa về nông thôn thì giá cả phải hợp lý, hàng đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn… và đưa về nông thôn bằng phương thức thuận tiện nhất, phù hợp nhu cầu nông dân chứ không phải là hàng rẻ bằng một nửa giá thành phố"- Ông Quyền nhấn mạnh.

Chương trình Xúc tiến thị trường, thương mại nội địa năm 2009 với tổng kinh phí thực hiện 51,02 tỷ đồng bao gồm các nội dung chủ yếu:

1. Các hoạt động hỗ trợ năng lực cộng đồng doanh nghiệp thông qua thực hiện điều tra, khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệp, tổ chức hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề cấp vùng, miền.

2. Các hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp và các khu đô thị lớn, trong đó bao gồm tổ chức các phiên chợ bán hàng Việt Nam cho công nhân các khu công nghiệp và các phiên chợ cuối tuần tại các khu đô thị lớn.

3. Các hoạt động truyền thông hỗ trợ chương trình.



Nguồn: Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường