Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cẩn trọng khi thu hồi đất nông nghiệp
02 | 04 | 2009
Đất đai đối với nông dân là tư liệu sản xuất, là thứ tài sản quý gắn bó nhiều đời với họ. Như thế, cần cẩn trọng, cân nhắc trước khi phê duyệt các dự án án liên quan đến đất đai, đời sống của nhân dân.

Thực hiện mục tiêu “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết Đại hội IX đề ra, hàng vạn ha đất nông nghiệp được thu hồi để sử dụng vào xây dựng các khu công nghiệp, đô thị và cơ sở hạ tầng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong những năm qua, đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp bình quân mỗi năm khoảng 80.000 ha. Chuyển đổi một phần đất sang phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên nhìn vào quá trình triển khai thực hiện cả ở cấp trung ương và địa phương thì lại có nhiều chuyện cần bàn.

Chuyện thứ nhất là về định giá đất nông nghiệp
Đầu năm 2008, sự kiện cấp đất siêu tốc chỉ trong 1 ngày cho một số dự án tại xã Yên Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình (cũ) không bất ngờ nhưng lại gây xôn xao dư luận. Đơn cử như Dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn ở xóm Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Lương Sơn. Ngày 29/2/2008, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hoà Bình ra Quyết định số 300 cho phép Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Thành Như làm chủ đầu tư dự án, đồng thời có luôn Quyết định số 423 phê duyệt nhiệm vụ thiết kế khu biệt thự nhà vườn. Cùng trong ngày 29/2/2008, Công ty Thành Như tiếp tục nhận được cả văn bản thẩm định hồ sơ quy hoạch chi tiết của Sở Xây dựng và Quyết định số 424 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch này. Và cũng ngay trong ngày đó, căn cứ vào tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hoà Bình đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.

Tại Hà Tây, kể từ khi có thông tin tới khi có quyết định chính thức về việc tỉnh này sáp nhập với Hà Nội, hàng loạt quyết định cấp phép đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư, rồi các quyết định thu hồi đất được gấp rút hoàn tất. Riêng huyện Hoài Đức, có hàng chục dự án đô thị được phê duyệt chỉ trong tháng 7/2008. Xin được nhắc lại, kể từ ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Đáng chú ý, chỉ trước đó 2 ngày, tức là ngày 30 và 31/7, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) còn kịp ký 4 Quyết định thu hồi gần 700 ha đất để xây dựng các khu đô thị.

Một câu hỏi đặt ra là trong thời gian qua, UBND các tỉnh này sốt sắng với các dự án như vậy liệu có phải chỉ vì động cơ trong sáng là thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, hay còn vì những động cơ nào khác?

Trong những năm qua, mỗi năm có khoảng 80.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang các mục đích sử dụng khác. Tình trạng hai giá đất trên thị trường, một bên là mức đền bù cho nông dân rất thấp và bên kia là giá trị đất sau khi chuyển ra khỏi nông nghiệp tăng lên rất cao, là một chỗ hở lớn tạo điều kiện cho nạn quan liêu, tham nhũng, đầu cơ và tạo động lực chuyển đổi các khu đất thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác. Đây là nguyên nhân của nhiều vụ tham nhũng lớn và các vụ nông dân biểu tình, khiếu kiện kéo dài. Tính đến năm 2005, có trên 12.000 trường hợp khiếu nại, tố cáo về bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chuyện thứ hai là về việc làm của nông dân sau khi bị thu hồi đất
Tạo việc làm phi nông nghiệp, nhất là những hộ thuần nông sau khi bị thu hồi đất hiện nay là rất khó, vì thường có trên 50% số lao động ở độ tuổi trên 35, quá tuổi tuyển dụng, trình độ dân trí thấp, không có trình độ tay nghề chuyên môn phù hợp. Số lao động còn lại cũng chỉ có khoảng 3-7% là người địa phương được tuyển dụng làm việc ở các khu công nghiệp, chủ yếu là lao động dưới 30 tuổi. Ngay số lao động được tuyển dụng này thường được bố trí công việc giản đơn, thu nhập thấp, thời gian gò bó, vì thế chỉ sau một thời gian ngắn, họ đành bỏ việc, trở thành thất nghiệp.

Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lao động nông nghiệp bị thu hồi đất có đến 67% vẫn giữ nguyên nghề cũ (trong khi không còn tư liệu sản xuất), 20% không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định. Tỷ lệ họ có điều kiện sống tốt hơn trước chỉ chiếm khoảng 13%. Có tới 53% số hộ sống khó khăn hơn trước.

Việc làm là vậy nhưng còn một vấn đề nữa cũng rất quan trọng đòi hỏi những ông chủ dự án và chính quyền các địa phương là phải làm gì, làm thế nào để ổn định đời sống của những hộ nông dân bị thu hồi đất.

Chuyện thứ 3 là về tái định cư
Đến nay, hầu hết các khu tái định cư xây dựng chưa theo kịp tiến độ thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng. Có nhiều nơi, khu tái định cư xây dựng chưa xong, người dân đã bị cưỡng chế di dời, bơ vơ không nơi ở. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mặc dù đã triển khai một số dự án tái định cư tập trung nhưng tỷ lệ  số hộ được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đạt thấp. Hà Nội mới đáp ứng được 30% nhu cầu, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40%.

Trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ chủ yếu tập trung cho việc kê biên, giải tỏa đền bù và như thế, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng, người thuộc diện tái định cư chưa được làm chủ quá trình tái định cư của mình.

Nghị quyết 26 BCH Trung ương Đảng khóa IX đã chỉ rõ: “Bảo đảm cho người bị thu hồi đất đến chỗ ở mới có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”; còn Luật Đất đai quy định: “UBND cấp tỉnh lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”…

Đất đai đối với nông dân là tư liệu sản xuất, là thứ tài sản quý gắn bó nhiều đời với họ. Như thế, cần cẩn trọng, cân nhắc trước khi phê duyệt các dự án án liên quan đến đất đai, đời sống của nhân dân.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường