Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân nhọc nhằn bám đất: Làng quê còn là khế ngọt?
23 | 07 | 2008
Nông dân nhiều nơi bây giờ không thể sống nhờ sản xuất nông nghiệp vì thị trường bấp bênh, giá nông sản rẻ mạt. Đất ở thôn quê ngày càng chật chội, môi trường sống ngày càng ô nhiễm.
Họ phải đối diện với bao gian khó.

Nhiều nông dân phải rời ruộng vườn, dắt díu nhau đi làm thuê hoặc tìm việc ở các khu công nghiệp, để lại làng quê thưa vắng sau lưng. Những người ở lại phải nhọc nhằn bám đất.

Tổ tiên vợ chồng bà Nguyễn Thị Mão, 58 tuổi, ở làng Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc, sống trên vùng quê này nhiều đời, cuộc sống bao đời ấy đã bám vào cây lúa, bãi ngô và con lợn, con bò như bà bây giờ. Nhưng mấy năm gần đây nhà bà không thể trông vào những kế sinh nhai ấy.

1.000 đồng/ngày công lao động

Con cháu ở làng Yên Bài đi làm ăn xa, chỉ có người già ở nhà - Ảnh: Q.T.

Hai nguồn thu chính của nhà bà Mão như đa số nhà nông là làm ruộng và nuôi lợn. Nhà có năm khẩu, được chia năm sào ruộng, mỗi năm trồng ba vụ lúa, nơi không trồng được lúa thì thay bằng ngô.

Từ làm đất, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, phun thuốc sâu, gặt, tuốt rồi phơi... bà đầu tắt mặt tối quanh năm. Ơn trời mưa thuận gió hòa, không dịch bệnh thì mỗi năm bà thu được khoảng hơn 2 triệu đồng/sào, năm sào được 12 triệu.

Nếu phải thuê cày bừa với giá 80.000 đồng/sào/vụ như hiện nay thì nguồn lợi cả năm của năm sào đất ấy chỉ còn 10 triệu đồng. Trừ đi một số khoản đóng góp bà không thấy lãi đồng nào, ngoài số lúa cho mấy miệng ăn trong nhà. Năm ngoái, khi làm hồ sơ xin vay vốn ngân hàng, cán bộ tín dụng về tận ruộng tính chi li thì một ngày công của bà Mão sau khi trừ tiền ăn còn lại 990 đồng. Cả tháng chưa được 30.000 đồng. Những năm sâu bệnh, lũ lụt nặng thì không được như vậy.

Trước đây nhà bà nuôi năm con lợn, tính cả giống và cám thì vốn bỏ ra hơn chục triệu đồng. Cho ăn, tắm rửa, dọn dẹp, gánh phân, tiêm phòng, chữa bệnh, che chắn đông hè... sau ba tháng bà bán lợn, trừ vốn trung bình thu về mỗi con được 50.000 đồng, cũng có lúc được giá thì lãi 100.000 - 200.000 đồng/con. Tiền này bà không dám trừ khấu hao chuồng trại, điện nước và nhất là tiền công lao động.

Năm ngoái dịch bệnh khắp làng trên xóm dưới, lợn nhà bà chết, coi như 5-6 năm "có lãi" không đủ bù cho một lần thua lỗ. Bây giờ trong làng không ai dám nuôi nhiều lợn nữa. Rồi chẳng may dịch cúm gà dập tắt mọi tiếng gáy trong làng. Lợn chết, gà cúm. Một đời người lam lũ, vợ chồng bà Mão không sắm được thứ gì đáng kể. Riêng chiếc xe máy Trung Quốc mua cho vợ chồng con trai đi làm, nay ông bà vẫn mang nợ vì nó. Cách nay ít tháng, mùa bóng đá Euro, con bà ki cóp mới mua được chiếc tivi giá 1,9 triệu đồng cho bố mẹ xem. Tài sản đầu tiên có giá trị ấy lại là đồng tiền từ phi nông nghiệp mà có.

Nhà ông Vũ Văn Thịnh cùng làng cũng có năm khẩu, được chia năm sào đất nhưng ông nhận thêm năm sào nữa của người khác không canh tác và trở thành người cấy cày nhiều nhất làng. Hai vợ chồng ông nuôi thêm mười con lợn, một đàn gà. Mười năm qua ông bà lao động không hề ngơi nghỉ. Cũng may mắn, gia đình khỏe mạnh. Vậy mà tài sản duy nhất ông có được là chiếc xe máy Trung Quốc cũ trị giá khoảng 4 triệu đồng. Lo cưới vợ cho con và nuôi chúng ăn học, nợ dồn nợ, nay vợ chồng ông đeo gánh nợ 20 triệu đồng.

Ông Liên, người cùng thôn, nói: người nhà quê bây giờ bất cứ công to việc lớn gì như tang ma, cưới giỗ, làm nhà, xây mộ... đều phải đi vay. Muốn cưới hay gả con phải nuôi lợn, gà trước đó cả năm, khi vào việc đỡ phải vay. Nhà có bố mẹ già phải chuẩn bị cỗ hậu (ván gỗ) từ vài năm. Còn ai bị bệnh tật, tai nạn thì thường xác định chạy vạy được đến đâu hay đến đó, sống chết do trời...

Ly hương

“Quần quật trên đồng ruộng vẫn không đủ ăn nhưng cũng phải bám đất thôi” - người đàn ông vừa lầm lũi cày ruộng ở Thanh Oai (Hà Tây) vừa nói - Ảnh: Lê Bích

Sớm nào cũng vậy, ở ngã ba đầu làng Yên Bài tụ tập từng đoàn phụ nữ đạp xe, đội nón, bịt khẩu trang, mỗi người đem theo một vài cái bì và dây dợ chuyện trò rôm rả. Người làng cho biết những phụ nữ đó ngày nào cũng xuống Hà Nội và các vùng lân cận để thu mua đồ phế thải, quen gọi là đồng nát như sắt, đồng, nhôm, nilông, nhựa...

Riêng làng Yên Bài có 30-40 chị em sáng đi tối về, có người thuê nhà trọ ở luôn trên thành phố, một hai tuần mới về. Đi hơn 3km sang làng Sa Mạc, xã Liên Mạc, cũng một vùng thuần nông đất đai màu mỡ.

Làng khá nhiều nhà đẹp nhưng đóng cửa, rào kín. Người làng cho hay khoảng chục năm gần đây dân Sa Mạc kéo nhau vào miền Nam lượm ve chai. Người ở tuổi lao động đi khỏi làng hơn nửa. Ruộng đồng chuyển cho người làng khác canh nông... Trẻ con cứ gần một tuổi là mẹ cai sữa, gửi ông bà rồi đi. Làng này có hẳn một tuyến xe khách chuyên chở người vào Nam... Làng quê thưa vắng hắt hiu.

Nhà bà Mão có năm nhân khẩu, không kể đứa cháu nhỏ. Chồng bà 63 tuổi cũng con nhà nông chính gốc. Hai năm gần đây, ông được người quen ở thị xã gọi lên thuê trông xe đạp cho cửa hàng. Làm từ sáng đến khuya, vài tuần được về một lần, mỗi tháng 500.000 đồng. Cả nhà mừng lắm. Bà Mão có ba người con. Một con gái theo chồng. Hai con trai đều làm công nhân khu công nghiệp. Người con lớn lấy vợ sinh con nên phải sáng đi tối về. Người kia ở luôn trong khu nhà trọ, vài tuần về một lần. Khi con chưa lấy vợ, bà Mão ngày đêm lủi thủi một mình với đàn lợn, lũ gà và đồng áng.

Bà cười: "Nói dại, chẳng may có bị cảm chết trong nhà chắc tuần sau hàng xóm mới biết". Nói vậy nhưng bà cũng còn mừng vì chồng già yếu mà còn có người thuê đi làm, con cái đứa nào cũng thoát nông nghiệp cả. Gia đình mỗi người một nơi nhưng còn có đồng ra đồng vào. Mấy người già làng Yên Bài ngồi bấm ngón tay tính toán ngay trong cái ngõ này nhà ông Đỉnh - Thà có bốn con đi làm xa cả bốn, nhà ông Thịnh có hai cũng đi hai, nhà ông Việt có tám con dâu rể cũng đi làm thuê cả tám... Nói chung ai có con lớn hoặc vợ chồng có sức khỏe đều đi làm ăn nơi khác. Phụ nữ tuổi 30-40 thường buôn đồng nát. Thanh niên dưới 30 thường vào khu công nghiệp làm công nhân. Đàn ông đứng tuổi làm mộc, xây thuê, đóng gạch...

Làng quê ở đây không còn nuôi được người nông dân nữa.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường