Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Philippine sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn trong năm tới
12 | 11 | 2008
Giá gạo thế giới tăng cao kỷ lục vào đầu năm nay buộc Philippine phải nỗ lực gia tăng sản lượng gạo, giảm thiểu nhập khẩu. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất cao và giá ngũ cốc gần đây giảm mạnh, mục tiêu về sản lượng gạo của nước này có thể sẽ không đạt được, và Philippine sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn trong năm 2009.
Năm nay, Philippine đã trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, với khối lượng kỷ lục 2,3 triệu tấn, trị giá 1,54 tỷ USD, chủ yếu mua của Việt Nam. Nước này đã rất tích cực mua gạo trong những tháng đầu năm, kể cả khi giá gạo thế giới đạt trên 1000 USD/tấn, để ngăn chặn xu hướng giá gạo trên thị trường nội địa tăng mạnh đẩy lạm phát tăng mạnh. Kỷ lục nhập khẩu gạo trước đây của Philippine là vào năm 1998, khi nước này phải nhập khẩu tới 2,12 triệu tấn gạo do El Nino kéo dài gây khô hạn trên toàn châu Á. Nước này phải nhập khẩu khoảng 10% nhu cầu gạo hàng năm. Philippine sẽ quyết định kế hoạch nhập khẩu gạo năm 2009 vào tháng 11 tới.
Để giảm bớt gánh nặng ngân sách chi cho nhập khẩu gạo, và đạt mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo vào khoảng 2010 – 2013, chính phủ Philippine đặt mục tiêu tăng dần sản lượng lúa gạo hàng năm, với mục tiêu cho năm 2008 là 17,3 triệu tấn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, ông Arthur Yap, chi phí phân bón gia tăng và giá gạo trên thị trường nội địa giảm trở lại đang đe doạ không đạt được mục tiêu này.
Với lượng dự trữ dồi dào, giá thóc gạo ở Philippine đã giảm mạnh trong mấy tháng gần đây. Giá thóc ở Philippine hiện xuống chỉ 12 Peso/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá hỗ trợ của chính phủ nước này là 17 Peso/kg. Đây là lần đầu tiên kể từ 30 năm nay, giá lúa gạo trên thị trường này giảm ngay cả trong những tháng giáp hạt, là tháng 7 – 9, khi mà giá thường tăng mạnh. Điều này không khích lệ được nông dân đầu tư cho trồng lúa, và do vậy không những mục tiêu sản xuất trong những tháng cuối năm khó đạt được, mà ngay cả mục tiêu sản xuất trong năm 2009 cũng bị đe dọa.
Để ngăn không cho giá giảm hơn nữa trước khi vào vụ thu hoạch chính, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) đã được chính phủ chỉ đạo thực hiện chương trình thu mua lúa gạo nội địa, với mức giá thu mua là 17 Peso/kg. Kế hoạch của NFA là thu mua 1 triệu tấn thóc, chiếm khoảng 10% sản lượng vụ thu hoạch chính. Cũng vụ này năm ngoái, NFA chỉ thu mua 86.000 tấn. Hàng năm Philippine trồng 2 vụ lúa: một vào mùa khô và một vào mùa mưa. Vụ chính – bắt đầu thu hoạch từ tháng 9 - góp khoảng 60% vào tổng sản lượng lúa gạo hàng năm của nước này.
Bộ trưởng Arthur Yap cho rằng nguyên nhân giá gạo ở Philippine giảm cả vào lúc giáp hạt chủ yếu là do tình trạng đầu cơ của tư thương, chứ không phải do nhập khẩu quá nhiều. Ông cho biết Philippine đã phải nhập khẩu nhiều hơn mức thiếu cung trên thị trường nội địa, bởi nếu chỉ nhập khẩu đúng bằng lượng thiếu hụt thì sẽ vẫn còn chỗ cho các nhà đầu cơ. Nay nhân lúc giá gạo rẻ, tư thương cũng đang tranh thủ mua lúa gạo vào để đầu cơ với dự đoán giá sẽ tăng lên khi sản lượng giảm xuống.
Theo ông Yap, giá phân bón và các chi phí đầu vào khác tăng cao trong năm nay sẽ làm giảm sản lượng ở các nước sản xuất gạo, góp phần giữ giá gạo thế giới duy trì ở mức cao. Tại Philippine, lượng phân bón mà người trồng lúa sử dụng đã giảm đi 30%. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng. Bộ Nông nghiệp Philippine đã phải tính tới việc xem xét lại mục tiêu sản xuất 17,3 triệu tấn gạo đưa ra trước đây, mặc dù diện tích trồng lúa tăng và thời tiết thuận lợi. Sản lượng lúa Philippine năm nay được dự báo là sẽ vẫn cao hơn mức 16,2 triệu tấn của năm ngoái, song sẽ thấp hơn khoảng 2,1% so với mục tiêu 17,3 triệu tấn, chỉ đạt khoảng 16,94 triệu tấn.
Theo Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nhập khẩu gạo chỉ là giải pháp ngắn hạn cho Philippine. Về lâu dài, chính phủ nước này cần cung cấp đủ tài chính cho các chương trình phát triển sản xuất ngũ cốc, nếu không sẽ phải tiếp tục phải nhập khẩu gạo với khối lượng lớn, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng lương thực bất cứ lúc nào.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường