Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hết thời “mạnh vì gạo”!
07 | 11 | 2008
Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị thủ tướng chỉ đạo ngân hàng cho nông dân và các doanh nghiệp doanh nghiệp thu mua lúa gạo được giãn nợ, bỏ lãi khi giãn nợ và được hỗ trợ lãi suất; đồng thời cho các đơn vị xuất khẩu gạo không phải đăng ký hợp đồng với hiệp hội Lương thực, bỏ giá sàn từ tháng 10.2008 đến hết tháng 2.2009.
Đối với loại gạo IR 50404 gặp khó khăn khi tiêu thụ, bộ Công thương đề nghị hạn chế trồng mới và xem xét dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thay thế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang phải nhập khẩu.

Được mùa lúa, nhưng chẳng ai mua

Nếu Chính phủ chấp thuận đề nghị của bộ Công thương nói trên, tình hình cũng khó lay chuyển, bởi vì, theo ông Lê Việt Hải, giám đốc công ty Mekong (Cần Thơ), hiện nay, khách hàng mua lẻ chừng vài trăm tấn vì thị trường gạo xuất khẩu phụ thuộc vào tình hình tài chính thế giới. Một số nước đang cần gạo, nhưng họ gặp khó khăn về tài chính. Ông Hải cho rằng, kiến nghị trên, lẽ ra nên có từ mấy tháng đầu năm nay. Còn ông Hồ Minh Khải, giám đốc công ty nông nghiệp Cờ Đỏ, nói: “Trong nước tuy mức lãi suất ngân hàng đã hạ còn 1,65%/tháng cho những khế ước mới, nhưng doanh nghiệp chưa dám vay để mua lúa gạo tạm trữ, vì khách hàng nước ngoài ký hợp đồng mua hàng, nhưng tình hình tài chính và khả năng thanh toán của họ phụ thuộc vào nhiều nước khác. Nếu Chính phủ cho phép thực hiện như đề nghị của bộ Công thương đến tháng 2.2009, nhưng sau đó như thế nào, bởi đó là thời điểm thu hoạch lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ mua lúa hạt dài, lúa giống đặc sản giá 7.000đ/kg để chế biến gạo thơm tiêu thụ nội địa, nhưng nguồn cung các loại gạo ngon cơm ít, nên giá vẫn còn khá cao. Gạo thường vẫn chiếm số nhiều”.

Khi nhiều nơi thu hoạch lúa vụ ba từ giữa tháng 10.2008, một số loại lúa thường giảm giá tức thì. Anh Nguyễn Văn Ơi, nông dân ở ấp An Thịnh, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới ngao ngán: “Chi phí đầu tư cho một công ruộng trên hai triệu đồng, thời giá hiện nay, mỗi công lỗ vài trăm ngàn đồng. Cán bộ nông nghiệp ở huyện, xã chẳng biết ăn nói với dân thế nào, vì họ là người trực tiếp cùng nông dân lo sản xuất lúa vụ ba. Bây giờ trúng mùa, lúa chất đầy nhà, nhưng bán chẳng ai mua”.

“Lửa” bên trong đã tắt

Ở An Giang, lúa vụ ba, lúc đầu chỉ dự định sản xuất khoảng 80.000ha, nhưng thấy giá xuất khẩu hồi giữa năm tăng lên, nên diện tích xuống giống gần 100.000ha. Ông Trần Văn Soi, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, An Giang, một trong những nông dân hồ hởi sản xuất lúa vụ ba, giờ đây cũng như nhiều nông dân khác, lâm vào cảnh “cười ra nước mắt”. Vụ hè thu vừa rồi, ông thu hoạch được hơn ba mươi tấn, chưa kịp bán thì giá lúa sụt quá nhanh, đành ứ lại trong nhà hơn ba tháng nay. Nhà của ông bây giờ lúa chất đầy nhà, kêu bán theo giá “lỗ đứt ruột” mà chẳng ai mua. Bây giờ lại thu hoạch thêm 3ha lúa vụ ba, không biết sẽ để đâu? “Vụ hè thu vừa rồi coi như mất đứt sáu chục triệu đồng, vụ ba này mất cũng chừng ấy. Những nơi khác còn trồng này nọ, ở đây chỉ trồng lúa, thì sống làm sao?”, ông Soi chua chát nói.

Anh Trần Văn Bạn, đội trưởng đội sản xuất ấp An Tịnh, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới bức xúc: “Doanh nghiệp không mua, thì thương lái không mua. Chính phủ phải trợ giá cho nông dân, chứ giá lúa như thế này, nông dân chết chắc!”.

Cuối tháng 10, giá lúa thường IR50404 còn 3.000 – 3.200đ/kg; lúa OM2514 còn hơn 4.000đ/kg mà chẳng ai mua. Lúa để ngoài trời, mưa ướt, ẩm mốc, hao hụt…

Gần 100.000ha lúa vụ ba của An Giang, năng suất bình quân 5,25tấn/ha, cho sản lượng gần 500.000 tấn. Với giá lúa hiện nay, nông dân lỗ ít nhất 200.000 đồng mỗi công đất, có người lỗ 700.000đ/công. Tính ra, cả tỉnh, nông dân bị lỗ hơn 200 tỉ đồng.

Chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2008 – 2009, chiều 3.11, bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp với các địa phương trong cả nước. Nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y không bảo đảm chất lượng. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: từ nay đến cuối năm 2008, cơ quan chức năng của bộ sẽ phối hợp các địa phương mở đợt thanh – kiểm tra sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; bộ NN&PTNT kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp sai phạm, nhất là các sai phạm có tính hệ thống.



Nguồn: tintuc
Báo cáo phân tích thị trường