Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp trong nước làm gì để tồn tại?
24 | 10 | 2008
Sự lấn sân, áp đảo của các DN kinh doanh BĐS nước ngoài trên thị trường BĐS Việt Nam là điều không cần bàn cãi. Vấn đề còn lại là các DN trong nước làm gì để tồn tại trước một xu hướng khó cưỡng lại?
Xu thế khó cưỡng lại

Sức thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thị trường BĐS Việt Nam một lần nữa được khẳng định khi Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) mặc dù chưa phải là thành viên chính thức của Liên đoàn BĐS quốc tế (FIABCI) nhưng vẫn được trao quyền đăng cai Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 Ban Thư ký FIABCI khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, không phải chờ đến Hội nghị thượng đỉnh Ban thư ký FIABCI người ta mới chú ý đến thị trường BĐS Việt Nam. Một năm trước, thị trường BĐS Việt Nam đã trở thành thị trường nóng nhất, sức hấp dẫn lớn nhất của khu vực Châu Á.

Điều này thể hiện rõ qua những con số về vốn đầu tư dồn dập đổ vào VN. Theo số liệu được các chuyên gia công bố tại hội thảo " Bất động sản Việt Nam 2008" (do Trung tâm đối ngoại Sở Ngoại vụ, TPHCM và một đối tác của Singapore tổ chức trong 2 ngày 23 -24.9 tại TPHCM) thì chỉ tính 8 tháng đầu năm 2008, vốn đầu tư vào kênh BĐS chiếm khoảng 50% của tổng vốn đầu tư 47,2 tỉ USD.

Riêng đối với TPHCM, vốn đầu tư vào BĐS chiếm 90% của tổng vốn đầu tư 7,9 tỉ USD của 8 tháng đầu năm 2008. Một tháng sau, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng thêm 10 tỉ USD và cơ cấu nguồn vốn đầu tư vào BĐS vẫn không có gì thay đổi, chiếm 50%. Theo các chuyên gia, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, thị trường BĐS bao giờ cũng phát triển mạnh nhất trong giai đoạn GDP/người/ đạt từ 2.000 -10.000USD/năm.

Sau ngưỡng này thị trường sẽ bước vào giai đoạn bão hoà. Điều này được phản ánh khá rõ qua sự phát triển của thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM trong thời gian qua. Bởi đây là 2 thành phố của Việt Nam đã có GDP xấp xỉ 2.000 USD/người/năm. Các chuyên gia dự báo, giai đoạn phát triển mạnh nhất của thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM vẫn chưa đến. Vì vậy, xu hướng các tập đoàn, Cty nước ngoài chiếm lĩnh thị trường BĐS trong nước ngày sẽ càng được thể hiện rõ. Bởi hầu hết các dự án lớn, phân kỳ đầu tư trung và dài hạn đang là sân chơi của các DN nước ngoài.

Những bài học đầu tiên


Trong khi các DN nước ngoài tìm thấy mảnh đất màu mỡ trong thị trường BĐS ở VN thì các DN trong nước gần như buông xuôi, trở về với các dự án nhỏ lẻ, xương xẩu ít được để ý. Đáng mừng, một số DN đã tìm ra cái khôn trong cái khó, thể hiện sự vẫy vùng bằng cách liên doanh với đối tác nước ngoài để có thương hiệu mạnh và nguồn vốn dồi dào. Trong thời gian gần đây, đã có một số liên doanh trong nước giành được quyền khai thác một số khu đất "vàng"...

Tuy nhiên, công bằng mà nói, sân chơi BĐS chuyên nghiệp vẫn là một sân chơi quá tầm đối với DN trong nước, ít nhất là về mặt kinh nghiệm hợp tác quốc tế. Trong giới kinh doanh nhà đất vẫn còn thuộc nằm lòng về bài học hợp tác đầu tư kinh doanh giữa một Cty phát triển nhà cấp quận và một đối tác Hàn Quốc trong một dự án căn hộ cao cấp trên trục đường Xa lộ Hà Nội.

Cty trong nước có đất nhưng thiếu vốn, Cty của Hàn Quốc bỏ vốn xây dựng thỏa thuận lợi nhuận chia 3 -7. Mặc dù dự án thành công ngoài sức tưởng tượng, giá bán trên 1.000USD/m2 và bán hết chỉ trong vòng vài tháng, kết quả kinh tế từ dự án này lại không giống như hình ảnh thành công của dự án. Phía đối tác nước ngoài nắm giữ toàn bộ các khâu từ thuê tư vấn, thiết kế, nhập nguyên vật liệu, chuyên gia. Không biết bằng cách nào, hạch toán cuối cùng cho ra con số lãi là con số 0 tròn trĩnh.

Lúc bấy giờ, phía đối tác trong nước mới té ngửa khi biết rằng, trong dự án hoành tráng này mình chẳng có đồng lời đáng kể nào. Cay nhưng chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt". Phía đối tác nước ngoài, sau dự án đó, tiếp tục hợp tác với một đối tác khác triển khai một dự án xây dựng chung cư cao cấp khác.

Một sự giải cứu khác dành cho DN BĐS trong nước được đề cập nhiều nhất trong thời gian qua là giải quyết sự khó khăn về vốn thông qua cơ chế. Từ 2 năm nay Horea đã kiên trì kiến nghị một số giải pháp. Trong đó, đề nghị cho phép các DN phát triển BĐS được phép huy động vốn sau khi đã giải phóng xong mặt bằng, có quyền sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà không phải chờ xây dựng xong hạ tầng như quy định của Luật Kinh doanh BĐS. Bởi khâu giải phóng mặt bằng ngốn đến 60% vốn của một dự án phát triển BĐS.

Một dự án 10ha, vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỉ đồng, sau khi giải phóng mặt bằng xong, DN gần như là "kiệt sức". Nếu tiếp tục đổ vốn đầu tư hạ tầng là một việc quá sức đối với các DN Việt Nam. Một đề xuất khác cũng được Horea mới đưa ra đó là Nhà nước (trên địa bàn TPHCM là UBND thành phố) tiếp tục đầu tư vốn để các DN tiếp tục triển khai dự án.

Sau đó, sản phẩm sẽ được bán lại cho thành phố làm quỹ nhà đất phục vụ tái định cư cho các công trình trọng điểm của thành phố. Bởi trên thực tế, hiện nay thành phố cũng đã áp dụng phương thức mua lại quỹ nhà của các DN để bố trí tái định cư cho người dân.



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường