Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn chỉ... nhìn !
20 | 10 | 2008
Nhiều ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất xuống còn 17,5% - 18%/năm nhưng theo các doanh nghiệp, đây vẫn là mức lãi suất “trên trời”, nhất là trong điều kiện đầu ra của các doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Liên tiếp trong 2 tuần nay, các ngân hàng (NH) đua nhau đồng loạt giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5% - 1,8%/năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết mức lãi suất cho vay vẫn còn rất cao khiến họ không thể tiếp cận...

Ngoài khả năng của nhiều DN

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á: Từ nay cho đến cuối năm 2008, xu hướng lãi suất cho vay sẽ giảm dần nhưng rất chậm. Còn ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc NH Liên Việt, nhận xét: Hiện các NH cho vay đều chọn lọc, khoanh vùng với điều kiện gắt gao nên nhiều DN không vay được vốn.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội DN TPHCM, cho biết: Các NH hạ lãi suất, mục đích nhắm đến đối tượng khách hàng ruột, khách hàng truyền thống và khách hàng lớn nên thực sự không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn này, nhất là các DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm không đáng kể, cộng hết các phụ phí, DN vẫn phải vay với lãi suất thực là 19% - 21%/năm. Trong điều kiện kinh tế tăng trưởng tốt, làm ăn suôn sẻ, mức lãi suất này cũng khiến các DN khó có lợi nhuận, huống hồ là hiện tại, hoạt động sản xuất và kinh doanh thực sự khó khăn nên mức lãi suất này nằm ngoài khả năng xoay xở sinh lời của DN.

Không bán được hàng, vay vốn càng chết

Tại TPHCM, khoảng 70% - 80% DN hiện đang gặp khó khăn về vốn nhưng chỉ những DN quá bức bách mới mạo hiểm đi vay vì hiện nay, khó có thể “bắt mạch” thị trường để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Ông Đỗ Văn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, cho biết: “Năm rồi, thời điểm này, đơn hàng tới tấp nhưng năm nay, giờ này vẫn chưa có đơn vị nào đặt hàng. Từ giờ đến cuối năm, nếu có hợp đồng mua hàng, công ty mới dám vay vốn sản xuất chứ không dám đón đầu”.

Theo một thành viên của Hiệp hội DN Lương thực Thực phẩm TPHCM, rất nhiều DN làm ăn lỗ lã phải cắt giảm nhân công, cho thuê nhà xưởng nhưng không dám công khai lỗ. Hiện khá nhiều DN (nhất là DN ngành nhựa, vật liệu xây dựng...) rơi vào cảnh không tìm được đầu ra sản phẩm, nợ nần, phải sản xuất cầm chừng. Mới đây, một số DN xuất khẩu dệt may tại Bình Dương, TPHCM gặp khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu đã thực hiện hơn phân nửa thì khách hàng ở nước ngoài cho biết giảm số lượng mua. Một công ty bánh kẹo khá lớn tại TPHCM vừa dời về Bình Dương mấy tháng nay, đầu tư 4 dây chuyền sản xuất bánh nhưng chỉ chạy được một dây chuyền vì... bánh bán không ai mua. Giám đốc một công ty sản xuất kính xây dựng cũng cho biết hàng chất đầy kho nhưng ông vừa cầm cố giấy tờ nhà để lấy tiền trả lãi NH, trả lương cho công nhân. Khi nguồn vay cũ chưa trả hết, có được vay thêm với lãi suất như hiện nay cũng đành chịu.

Mức lãi suất giảm nhiều nhất hiện nay đa số là ở các NH lớn. Tại NH Công Thương VN, lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn đã từ mức 19,5%/năm giảm xuống còn 18,2%/năm. NH NN-PTNT (Agribank) hạ lãi suất cho vay VNĐ xuống còn 17,5% đối với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và 17,8%/năm đối với DN nhỏ và vừa trực tiếp sản xuất các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cũng áp dụng mức cho vay 17,5%/năm tùy đối tượng khách hàng. Tương tự, các NH Thương mại CP Ngoại thương VN, NH Liên Việt, NH Sài Gòn, NH Sài Gòn Thương Tín và NH Hàng hải... cũng đã giảm lãi suất cho vay xuống còn 18% - 19%/năm.



Nguồn: NLDO
Báo cáo phân tích thị trường