Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp vui và... chờ
09 | 02 | 2009
Ngay sau tết, thị trường đón nhận toàn tin tức xấu từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ tuyên bố hỗ trợ 4% lãi suất vay, đối tượng được hưởng hỗ trợ rất rộng, chỉ trừ một số nhóm ngành hàng. Việc này đã thực sự mang lại không khí phấn khởi ở các doanh nghiệp

Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc công ty nước giải khát Tân Quang Minh (Bidrico):

Tin vui nhất mùa xuân

Ngay khi hỗ trợ tín dụng được công bố, tôi đã nhận được nhiều thư chào hàng, giới thiệu các thiết bị mới của nhiều nhà cung cấp gửi tới. Bản thân tôi đã chuẩn bị kế hoạch: dồn toàn bộ vốn tự có vào đầu tư máy móc cho sản xuất những dòng sản phẩm mới mà năm ngoái chưa triển khai được vì kẹt vốn, dùng nguồn vốn vay vào làm vốn lưu động để mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại.

Nếu quá trình triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi như Nhà nước công bố không có vướng mắc về biện pháp, thì đó là tin vui nhất của mùa xuân này. Nguồn vốn này sẽ giúp doanh nghiệp bổ sung cho vốn lưu động của mình một cách hữu ích. Cá nhân tôi nhìn nhận, tác động hữu ích của nó sẽ thể hiện cụ thể trên ba phương diện: lãi suất thấp đồng nghĩa với chi phí sản xuất rẻ đi, giá thành sản phẩm sẽ giảm; nhà sản xuất được tăng thêm vốn lưu động, duy trì được công việc, công nhân có việc làm sẽ giúp thị trường tiêu thụ chung đi vào ổn định; và các doanh nghiệp sẽ tăng thêm lực để đổi mới thiết bị, phát triển kênh phân phố… từ đó tăng thêm năng lực cạnh tranh trên thị trường, nhất là khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Kao Siêu Lực, tổng giám đốc công ty bánh kẹo Á Châu:

Sẽ mở thêm 30 điểm kinh doanh

Đây là hoạt động tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất sau thời gian dài lãi suất ở mức quá cao, đã làm nhiều công ty phải ngưng trệ các hoạt động. Đây cũng là cơ hội để phát triển và mở rộng nhanh việc sản xuất trong bối cảnh khá thuận lợi là giá cả nhiều loại nguyên liệu đang ở mức thấp. Nếu biết tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp có thể tăng được thị phần, thị trường cũng như mở thêm các thị trường xuất khẩu mới khá tốt. Ngày 12.2 này, chúng tôi sẽ khai trương cửa hàng mới ở Cần Thơ. Tín hiệu vui ngay từ đầu năm này cho tôi hy vọng sẽ mở được khoảng 30 điểm kinh doanh trong năm 2009 này.

Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc công ty thời trang Việt Thy:

Mạnh dạn vay

Tôi đang làm thủ tục vay mới. Hy vọng sẽ được duyệt vay mà không có gì trở ngại. Với mức lãi cũ như năm vừa qua, dù có cố gắng phát triển sản xuất và kinh doanh cho thật mạnh, rốt cuộc mức lợi nhuận còn lại cho công ty chẳng bao nhiêu. Nhưng với mức lãi chỉ khoảng 6 – 8%, có lẽ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ mạnh dạn vay. Cá nhân tôi cho rằng, với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể bằng lãi suất, sẽ giúp các công ty yên tâm hơn trong tính toán các hợp đồng, yên tâm hơn trong mua nguyên vật liệu sản xuất hàng thời trang xuất khẩu cũng như hàng may mặc theo mùa vụ.

Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB):

Hy vọng ở 80% doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi

Hiện nay với mức lãi suất trần cho vay của ngân hàng Nhà nước quy định 10,5% và lãi suất mà doanh nghiệp phải trả sau khi đã được hỗ trợ lãi suất 6,5% (với ACB thấp nhất là 5,5% đối với sản xuất kinh doanh trong nước và 2% đối với sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu), doanh nghiệp được sử dụng nguồn vốn rất rẻ từ trước đến nay, việc này cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh (tỷ suất sinh lời thấp) mạnh dạn sử dụng vốn vay ngân hàng.

ACB cũng có kế hoạch đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, dĩ nhiên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, theo tôi, nếu có tới 10 – 20% số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, là đã khó khăn lắm rồi. Khoảng 80% số doanh nghiệp còn lại sẽ vẫn tồn tại, làm ăn có lãi. Và ACB hy vọng tăng tín dụng vào khu vực 80% này…

Cao Tiến Vị, tổng giám đốc công ty giấy Sài Gòn:

Cần thêm nhiều biện pháp nữa

Chính sách cho vay mới này chỉ trong ngắn hạn nên riêng với các công ty trong ngành sản xuất giấy, khó mà khai thác hiệu quả hay nói cách khác là chưa có tác dụng. Hiện nay, hầu hết các công ty ngành giấy đều cần khá nhiều vốn để đổi mới trang thiết bị, đầu tư cho hệ thống xử lý làm sạch môi trường, đầu tư cho nguồn nguyên vật liệu… Mỗi dự án như thế đều cần trên năm năm để thực hiện. Tôi cho rằng cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa, để những công ty cần vốn cho các dự án đầu tư lâu dài có cơ hội cạnh tranh trong tương lai.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường