Thậm chí đại diện một số hiệp hội còn “xin” hạ chỉ tiêu xuất khẩu cho ngành hàng của mình trong năm tới của kế hoạch cả năm 76,7 tỉ đô la Mỹ mà Bộ Công Thương đặt ra.
Dệt may trông chờ thị trường Nhật
Có lẽ con số 800 triệu đô la Mỹ xuất khẩu trong tháng 9 của dệt may đã làm ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam lo lắng; vì nếu giữ tốc độ này thì khó lòng dệt may xuất khẩu đạt được 9,5 tỉ đô la Mỹ cho cả năm, khi mà 9 tháng qua chỉ mới được 6,8 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, với số đơn hàng hiện có cùng mùa vụ bán hàng may mặc thường diễn ra vào ba tháng cuối năm, nên ông Hồng vẫn có thể hy vọng đạt được chỉ tiêu của Bộ Công Thương.
Với những khó khăn trên thế giới hiện nay, ông Hồng cho biết năm tới ngành dệt may sẽ còn khó khăn hơn, khi thị trường thế giới chuyển sang tiêu thụ các nhãn hàng trong phân khúc trung và thấp, nhất là thị trường Mỹ, người tiêu dùng cũng tiết kiệm hơn trong chi tiêu mua sắm hàng may mặc.
Do vậy ông Hồng đã đề nghị Bộ Công Thương giảm chỉ tiêu tăng trưởng của xuất khẩu dệt may năm tới từ 21% xuống còn 15%. “Tình hình như thế này mà năm tới xuất ngang năm nay hay cao hơn 10-15% là quá tốt rồi, không hy vọng nhiều hơn”, ông nói.
Thế nhưng, điều làm ông Hồng lo lắng tại hội nghị giao ban xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức sáng 15-10, lại chính là các doanh nghiệp nhỏ, mới vào nghề trong ngành, đa số làm gia công may mặc. Ông cho biết lãi suất ngân hàng hiện nay đã giảm xuống còn 18% nhưng vẫn còn quá cao, đã tác động mạnh tới doanh nghiệp nhỏ.
“Có người hỏi tôi là lãi suất giảm có tác động tốt không? Tôi nói, vay trả lãi 18% thì không doanh nghiệp may nhỏ nào dám, bởi họ gia công chỉ lãi có 10%”, ông kể lại và cho biết, lãi suất giảm hiện nay chỉ có tác động tâm lý nhiều hơn là thực chất.
Do vậy, ông Hồng khẳng định rằng trong bối cảnh hiện nay, dệt may không thể mở rộng sản xuất để tăng năng lực; nếu có, may ra là đầu tư chiều sâu ở các doanh nghiệp lớn. Khó khăn nội tại trong nước, theo ông là chi phí lao động tăng, kiếm lao động khó, các chi phí khác trong sản xuất như cước phí tàu biển đều ít nhiều tăng lên.
“Mọi thứ cho sản xuất đều tăng, chỉ trừ giá bán là đứng lại”, ông đúc kết ngắn gọn.
Dù khó khăn nhưng ông Hồng cho biết các doanh nghiệp trong ngành “ngóng trông” hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt- Nhật. Do Nhật là thị trường lớn và quan trọng nhờ tính ổn định đơn hàng, xem như hướng mở của dệt may Việt Nam khi hiệp định này được ký kết, thuế suất dệt may Việt Nam vào Nhật xuống 0% nếu dùng nguyên liệu của Nhật hay trong khu vực Asean.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Việt Nam và Nhật đã kết thúc đàm phán, tuy nhiên, do tình hình chính trị ở Nhật nên hai bên lùi lại thời gian ký kết. Phía Việt Nam sẵn sàng ký kết cuối năm nay, nhưng phía Nhật có lẽ chưa sẵn sàng và có thể họ lựa chọn thời gian vào đầu năm 2009.
“Nếu được ký vào đầu năm tới thì đây là cơ hội cho dệt may Việt Nam xuất vào Nhật khi chịu thuế 0% và gần 0%”, ông Biên giải thích thêm.
20% doanh nghiệp gỗ có nguy cơ phá sản
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiêp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đưa ra con số gây sốc khi dự báo năm tới, có khả năng 20% doanh nghiệp gỗ có nguy cơ phá sản, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới; 30% doanh nghiệp cực kỳ khó khăn và chỉ một nửa doanh nghiệp gỗ hiện tạm thời đứng vững.
“Họ có nguy cơ phá sản vì đơn giản là không thể vay được ngoại tệ với lãi suất quá cao như hiện nay để nhập nguyên liệu, mà muốn sản xuất năm tới thì nguyên liệu đã phải về kho trong năm nay. Thực tế nhiều doanh nghiệp gỗ hiện không có gỗ nguyên liệu trong kho thì năm tới ngưng sản xuất hay “giật gấu vá vai” là chuyện bình thường”, ông Quyền giải thích.
Với 70-80% nguyên liệu gỗ cho chế biến của Việt Nam phải nhập khẩu và ông Quyền cho biết, không ai đi nhập vài trăm mét khối gỗ, mà một lần nhập cả một tàu hàng chục ngàn mét khối gỗ, với chi phí hàng triệu đô la Mỹ. Còn các ngân hàng thương mại thì "kẹt" cứng với trần tăng trưởng tín dụng 30%, đồng thời không quan tâm rằng cho vay nhập khẩu gỗ để làm hàng xuất khẩu thì phải có chính sách ưu tiên, khác với cho vay bất động sản hay chứng khoán.
Tuy kế hoạch xuất khẩu gỗ năm nay của Bộ Công Thương là 2,8 tỉ đô la Mỹ nhưng ông Quyền bảo có thể đạt 3 tỉ đô la Mỹ và năm tới cũng chỉ tương tự mặc dù Bộ Công Thương có đặt ra cao hơn là 3,2 tỉ đô la Mỹ.
"Dẫu cho năm nay xuất khẩu gỗ vẫn đạt và có thể vượt kế hoạch nhưng chúng tôi không vui lắm, bởi năm nay là năm ngành gỗ chúng tôi có hiệu quả thấp nhất trong vài năm gần đây”, ông Quyền nhận xét.
Trong khi đó, việc xuất khẩu gỗ hiện bị các nhà nhập khẩu gây áp lực đòi hỏi nhiều về xuất xứ hàng hóa, về môi trường rừng trong nước của quốc gia xuất khẩu. Ông Quyền cho biết, Việt Nam gần như không sử dụng gỗ rừng tự nhiên trong nước cho chế biến, mà là gỗ rừng trồng hoặc nhập khẩu. Tuy nhiên, thế giới vẫn sẽ không yên tâm khi biết Việt Nam “chặt phá hàng chục ngàn héc ta rừng để trồng cao su”.
Ông Nguyễn Thành Biên cho biết bức xúc của các doanh nghiệp gỗ về chuyện phá rừng trồng cao su làm ảnh hưởng gián tiếp tới ngành gỗ xuất khẩu hiện đang được Chính phủ cử đoàn thanh tra tới các địa phương, kiểm tra tình hình “chuyển rừng nghèo sang trồng cao su” ở các địa phương, nhất là Tây nguyên.
Gặp khó còn do thủ tục hành chính
Bên cạnh những khó khăn do thị trường xuất khẩu hay do chính sách tài chính thắt chặt của Chính phủ, ngay cả thủ tục hành chính cũng làm khó doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Lê Văn Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nói rằng các doanh nghiệp thủy sản xin Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp chứng thư xuất xứ hàng hóa (C/O) đi Hàn Quốc và Trung Quốc phải mòn mỏi chờ đợi.
Cứ một container hàng thủy sản đông lạnh nằm chờ C/O tại cảng hay kho thì các doanh nghiệp thủy sản mất 1 triệu đồng tiền chạy máy phát điện giữ lạnh cho container mỗi ngày. Công ty cổ phần Minh Phú do ông Quang làm tổng giám đốc, mỗi ngày xuất 10 container, thiệt hại cả chục triệu đồng.
“Đó là chưa kể việc chờ đợi lâu làm giảm chất lượng hàng đông lạnh, nên gần đây hàng thủy sản bị phía nước ngoài thắc mắc, khiếu nại chuyện chất lượng nhiều hơn”, ông nói và cho biết thêm, không chỉ thủ tục cấp C/O “hành” doanh nghiệp, mà còn hàng loạt nguy cơ khác như kẹt cầu, kẹt đường, cả chuyện mới đây là “kẹt cảng”, khiến hàng phải nằm bờ lâu hơn.
Ông Quang bức xúc cho biết cảng thì kẹt, kho thì đầy, nên các doanh nghiệp cho xe chở container xếp hàng “giành” chỗ hạ bãi container khi cảng chỉ cho hạ bãi trong vòng 24 tiếng. Do vậy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giảm 30-40% không phải do thiếu hàng mà còn do những lý do khác như cầu, cảng, kho tàng.
Giá xăng dầu đã giảm, lẽ ra theo nguyên tắc thì cước phí vận tải giảm nhưng thực tế thì cước lại không giảm do tìm không ra xe chở hàng, không phải vì thiếu xe container mà do xe bị… kẹt ở cảng, ở kho hàng!