Ông Ngân nói:
- Thời gian qua, NH Nhà nước đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Nay mục tiêu này cơ bản đã đạt được. Từ quý 3-2008 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại, tháng bảy: 1,13%, tháng tám: 1,56%, tháng chín chỉ còn 0,18%. Trong khi LS huy động và cho vay hiện quá cao đã tạo nên rào cản cho các DN khi muốn tiếp cận vốn NH. Càng lo ngại hơn khi dư nợ tín dụng cho vay nền kinh tế tính đến ngày 30-9 chỉ tăng 18,03% so với cuối năm 2007. Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và châu Âu ngày càng lan rộng, thị trường xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng thì cần phải giúp DN tăng khả năng cạnh tranh bằng cách giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
* Theo ông, đã đến lúc đặt vấn đề nới lỏng tín dụng chưa?
- NH Nhà nước nên giảm LS cơ bản, ít nhất 1%/năm để kéo LS cho vay xuống. Hiện các NH còn nhìn nhau, chưa NH nào giảm mạnh LS huy động để gỡ nút thắt cho tín dụng. LS huy động các kỳ hạn ngắn tại một số NH vẫn còn rất cao. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, DN sẽ khó khăn và ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Nếu LS cơ bản của tháng 11-2008 chỉ còn 13%/năm thì trần LS cho vay cũng đã là 19,5%/năm, các NH thương mại vẫn có cả một “khoảng trời rộng” để ấn định LS cho vay. NH Nhà nước khẳng định sẽ điều hành LS cơ bản linh hoạt theo tín hiệu của thị trường. Tín hiệu vĩ mô hiện nay cho thấy đủ điều kiện để giảm LS cơ bản. Song song đó, NH Nhà nước cũng nên xây dựng một gói chính sách đặc biệt để hỗ trợ xuất khẩu liên quan đến giá vốn, tỉ giá...
* Ngoài LS cơ bản, còn có giải pháp nào để thúc đẩy các NH giảm thêm LS hay không?
- NH Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ các NH bằng cách giảm dự trữ bắt buộc từ 11% hiện nay xuống 10%, đồng thời tiếp tục nâng LS trả thêm cho khoản dự trữ bắt buộc từ 5% lên 6 hoặc 7%. Bằng cách hỗ trợ mềm dẻo và linh hoạt như trên không có lý do gì các NH chần chừ không giảm LS huy động để mở đường cho DN tiếp cận vốn.
Nếu từng NH thương mại không chủ động đưa LS xuống thì sẽ khó xoay trở kịp khi NH Nhà nước giảm mạnh LS cơ bản.
* Theo ông, LS huy động và cho vay bao nhiêu là phù hợp?
- LS cơ bản trong tương lai gần có thể chỉ còn 12-13%/năm nên LS huy động chỉ từ 12-14%/năm là đảm bảo người gửi tiền có lãi, LS cho vay theo đó chỉ nên dao động trong khoảng 16-18%/năm để hỗ trợ DN vay vốn sản xuất.
A.HỒNG
Giảm chi phí cho nhà xuất khẩu Để giảm bớt áp lực về LS cho vay đối với các DN xuất khẩu, NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) đã đưa ra chương trình cho vay VND với LS thấp, ngang với LS USD. Nhờ vậy DN đã tiết kiệm được gần 2/3 chi phí lãi vay. Theo ông Trương Văn Phước - tổng giám đốc Eximbank, chỉ sau hai tháng thực hiện chương trình tài trợ xuất nhập khẩu có bảo hiểm tỉ giá đã giải ngân được gần 2.000 tỉ đồng. Vì vậy Eximbank đã quyết định tăng thêm hạn mức tài trợ cho chương trình này lên 5.000 tỉ đồng. Hiện nhiều NH cũng đã áp dụng chương trình cho vay này. Tuy nhiên, các DN sản xuất hàng tiêu thụ nội địa và những DN có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh đang “phân bì” về một mức LS mềm hơn. Một số NH đã giảm LS, mức LS cho vay thấp nhất là 17,5% nhưng phổ biến vẫn là 18-20%/năm. Trong ngày 13-10, Vietinbank giảm lãi suất cho vay VND còn 18,2%/năm, một số trường hợp chỉ còn 17,5%/năm, với VP Bank thấp nhất là 18%/năm. M.KHANH |
---------------------------
Người vay sẽ quyết định lãi suất huy động
(TP.HCM) - Gần đây, ngân hàng (NH) liên tục giảm lãi suất (LS) huy động và còn giảm thêm khiến người gửi tiền nêu câu hỏi đâu rồi LS dương (LS gửi tiền cao hơn lạm phát).
Những tháng đầu năm, khi giá tiêu dùng tăng mạnh vấn đề LS dương được đặt lên hàng đầu. Lúc đó, các NH đẩy mạnh huy động vốn để giải quyết vấn đề thanh khoản phát sinh khi NH Nhà nước thắt chặt tiền tệ. Mức LS huy động cao nhất bấy giờ là trên 19%/năm.
Tuy nhiên, lúc này các NH đang khó cho vay vì thế LS bao nhiêu tùy thuộc vào cung - cầu vốn. Tại TP.HCM, trong chín tháng đầu năm huy động vốn tăng đến 23% trong khi cho vay chỉ tăng 9,7%. Tương tự, đến cuối tháng 9-2008, dư nợ cho vay của nền kinh tế chỉ tăng trên 18%, trong khi mức có “kiểm soát” cho phép là 30%. Nếu cho vay vẫn tăng chậm so với huy động có nghĩa giá vốn quá cao, vượt quá chịu đựng của doanh nghiệp, buộc NH phải giảm giá bán vốn bằng cách giảm LS huy động.
Bộ Kế hoạch - đầu tư đã đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá 2009 dưới 15%. Điều này không có nghĩa LS huy động sẽ phải trên 15%/năm mà có thể thấp hơn. Hiện nhiều NH đã ấn định LS huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 14%/năm.
Trường hợp người gửi tiền “chán” vì LS thấp hơn chỉ số giá, lúc đó dòng tiền nhàn rỗi có thể tìm đến những cơ hội đầu tư khác có mức sinh lợi cao hơn như chứng khoán, bất động sản hoặc đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh. Giảm LS, các NH cũng đừng quá lo nguồn vốn huy động sẽ giảm vì khi sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh, nguồn tiền gửi thanh toán sẽ tăng, thay dần nguồn tiền gửi tiết kiệm.
Như vậy, LS dương chỉ là một trong các yếu tố để hình thành LS huy động, không còn là yếu tố quyết định. Đó cũng là tin vui cho người vay vốn nhưng về phía người gửi tiền cũng nên cân nhắc để lựa chọn thời hạn gửi sao cho có lợi nhất.