Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
07 | 10 | 2008
Khó khăn lớn nhất mà hầu hết doanh nghiệp gặp phải là thiếu vốn. Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cả về vốn và chính sách điều hành.
 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện chiếm trên 90% trong tổng số gần 300.000 doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc, sử dụng 45 - 50% lực lượng lao động, đóng góp trên 40% hàng tiêu dùng và nộp ngân sách trên 30%. Như vậy, loại hình doanh nghiệp này có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.     

Tiếp cận vốn khó khăn

Theo bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lãi suất cho vay tuy đã giảm dần hiện nay đứng ở mức từ 17-20% thì doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận được vốn vay do lãi suất cho vay cao hơn khả năng sinh lời của hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Trong điều kiện lạm phát, vốn ngân hàng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp truyền thống của ngân hàng nên những khách hàng mới khó tiếp cận được vốn vì rủi ro cao. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Tiền tệ thắt chặt, doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận vốn, nhưng thực tế một số DN không muốn vay vốn của ngân hàng. “Điều này là có thật. Vì có DN tính thấy không có lợi, khó trả thì họ cũng không vay chứ không phải cứ có vốn là vay. Với những đơn vị nguy nan quá, họ cố muốn vay vốn để tồn tại thì những trường hợp đó cũng không nên cho vay” – ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNVVN cho biết.

Việc pháp luật qui định đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất thực hiện theo phân cấp hành chính địa phương gây khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp khi dùng hai quyền sử dụng đất ở hai địa phương khác nhau để vay vốn ở một ngân hàng. Bên cạnh đó, qui định thời hạn trả hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo cũng kéo dài quá làm chậm trễ việc cho vay của ngân hàng và làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định: “Nếu không tiếp cận được vốn và tình hình xấu đi thì 20% DNVVN vô cùng khó khăn có nguy cơ phá sản. Hiện nay, đã có khoảng 10% DN trong số này  ngừng hoạt động hoặc họ có thể chuyển hướng, hoặc tương lai họ sẽ bị phá sản. 10% còn lại bị tác động lạm phát, nếu chính sách tốt lên họ sẽ cải thiện được tình hình”.

Lạm phát và khủng hoảng kinh tế đã làm các DNVVN không kiểm soát được chi phí sản xuất, mất thị trường, không có đủ vốn để duy trì sản xuất… và sản xuất kinh doanh bị sút kém, ngưng trệ.

Bài toán lãi suất

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNVVN, vốn tự có của các doanh nghiệp phải tăng lên và chi phí sản xuất phải giảm xuống thì mới cứu vãn được tình hình hiện nay. Và một điều quan trọng nữa là lãi suất cho vay phải giảm ngang bằng với con số mà DN có thể tạo ra lợi nhuận là 15%.

Thế nhưng, ông Cao Sĩ Kiêm cũng lập luận rằng, quan trọng nhất không phải là hạ lãi suất xuống bao nhiêu mà là lạm phát giảm đi bao nhiêu. Lạm phát tích cực thì lãi suất đầu vào, đầu ra giảm xuống và DN có chịu đựng nổi hay không là do yếu tố lạm phát. Vì thế, DN, ngân hàng và chứng khoán phải tập trung chống lạm phát để hạ tốc độ tăng CPI, khi đó mới có thể hạ lãi suất và doanh nghiệp mới có điều kiện tiếp cận vốn.

“Các doanh nghiệp nhất loạt đòi giảm lãi suất vay, càng thấp càng tốt. Nhưng nếu giảm lãi suất cơ bản - mặc dù hiện vẫn thấp hơn chỉ số tăng CPI - để giảm lãi suất vay thì sẽ đi ngược mục tiêu chống lạm phát. Các ngân hàng thương mại không thể hạ thấp mãi lãi suất mà phải đảm bảo có chênh lệch đầu vào/đầu ra – trong đó ngoài chi nghiệp vụ, lãi cổ đông phải có phần rất quan trọng là lập quỹ rủi ro” – ông Đỗ Tất Ngọc - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam phân tích.

Bà Dương Thu Hương cho rằng, trong năm tới, Chính phủ cần khẩn trương cơ cấu lại hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ để bảo lãnh cho các DNVVN vay vốn ngân hàng, giúp các doanh nghiệp này dễ tiếp cận được với vốn của ngân hàng để sản xuất-kinh doanh nhưng đồng thời cũng giúp hệ thống ngân hàng đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng.

Về lâu dài, cần xem xét để sửa đổi Điều 474 và 476 Bộ Luật Dân sự qui định về lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản để cho hoạt động của ngân hàng phù hợp với kinh tế thị trường hơn. Bởi với qui định này, vô hình chung đã tạo ra một trần lãi suất cứng không phù hợp với thông lệ và kinh tế thị trường.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), trong trường hợp CPI tháng 10 được kiềm chế thấp hơn 0,8%, SBV có thể xem xét điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cơ bản (1%) để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhằm cải thiện khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, SBV cũng có thể cân nhắc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc mua lại một phần hoặc toàn bộ lượng tín phiếu bắt buộc cho các ngân hàng thương mại.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường