Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp có thể đặt hàng nhà khoa học
03 | 10 | 2008
Áp dụng cơ chế đặt hàng các nhà khoa học để sản xuất, chế biến thực phẩm là xu hướng tiên tiến mà các doanh nghiệp TP nên thực hiện

“Việc các doanh nghiệp (DN) gắn kết với các nhà khoa học để ứng dụng công nghệ tiên tiến và tạo ra những mặt hàng thực phẩm bảo đảm chất lượng tại TPHCM chỉ chiếm khoảng 3,8% trong quá trình đầu tư phát triển sản phẩm mới, là mức thấp so với thế giới (khoảng 10%). Trong khi đó, ngành chế biến tinh - lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành có lợi thế cạnh tranh của TPHCM nên việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn là yêu cầu cấp bách”. PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) TP, đã khẳng định tại hội thảo “Công nghệ thực phẩm của TPHCM năm 2009” được tổ chức ngày 2-10.

Hai nhóm thực phẩm chủ lực

Cũng theo Sở KH-CN TP, tiêu chí để đưa ra những nghiên cứu ứng dụng trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm bao gồm hai nhóm chủ lực: Nhóm tạo giá trị gia tăng về số lượng và chất lượng của các loại thực phẩm chế biến có giá trị cao như: lúa gạo, thủy sản, thịt, sữa, rau quả, cà phê, điều, bánh kẹo, đồ uống; nhóm thực phẩm phục vụ du lịch cho du khách đến TP.

Bên cạnh đó, cần đưa ba biện pháp để quản lý các mặt hàng thực phẩm như: Biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển và quản lý thực phẩm chức năng, phát triển và cải tiến bao bì. Trên cơ sở này, các DN có thể đặt hàng các nhà khoa học trong việc nghiên cứu sản phẩm, quy trình sản xuất tiên tiến.

Đồng tình với tiêu chí trên, TS Nguyễn Nhã, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực VN, cho rằng: Mấy năm trở lại đây, nhiều người tiêu dùng đã làm quen với nhóm thực phẩm chức năng. Có thể do cách quản lý chưa đồng nhất, nhưng cần phải công nhận thực phẩm chức năng đúng nghĩa rất cần thiết cho cuộc sống. Có thể ví như “món ăn bài thuốc” – thế mạnh của VN. Vì vậy, nên có biện pháp quản lý và phát triển những sản phẩm này. Chưa kể đây có thể còn là sản phẩm phục vụ du lịch bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như cá sấu hoa cà; món ăn của tập đoàn Nam An; Khải Silk...

Dụng cụ “kiểm tra nhanh”: Nhu cầu bức thiết

Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP Nguyễn Thị Minh Kiều phân tích: Thực phẩm chức năng khác với thực phẩm thường là công bố lợi ích cho sức khỏe và phải được quản lý trên cơ sở chứng cứ. Với cương vị là chủ tịch hội, đồng thời là giám đốc Trung tâm Khoa học dinh dưỡng và Nghiên cứu ứng dụng TP - bà Kiều hứa sẽ thực hiện công cụ kiểm tra (test) nhanh lợi ích của thực phẩm chức năng.

Song bức xúc nhất vẫn là đề nghị của ông Nguyễn Quang Định, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP, liên quan đến sự cần thiết phải có dụng cụ kiểm tra nhanh tối đa 15- 20 phút để phát hiện các hóa chất độc hại. “Mỗi đêm, ba chợ đầu mối TP tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rau củ quả nhưng chi cục chỉ kiểm tra được từ 5-10 mẫu để xác định các chất gây ngộ độc cấp tính, còn không thể kiểm tra các chất gây ngộ độc mãn tính. Hiện nay, TP không thể xác định chính xác các chất có trong các loại rau củ quả là chất gì”– ông Định thừa nhận.

Liên quan đến sự thống nhất quy trình và các tiêu chuẩn xét nghiệm thực phẩm, bà Diệp Ngọc Sương, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng (trước ngày 1-10 là Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc ký TPHCM), cho rằng: TP có khoảng 20 phòng xét nghiệm được chất melamine nhưng chưa có sự thống nhất về thời gian, quy trình xét nghiệm... Nên chăng giữa các phòng thí nghiệm có thể hợp tác, trao đổi và chuyển giao quy trình với nhau.

Sở KH-CN TP cũng xác nhận tuần tới sẽ tiến hành xét duyệt việc chế tạo bộ kit xác định nhanh peroxit trong dầu ăn, thực phẩm chế biến; bộ thử nhanh phát hiện kháng sinh chloramphenicol lén sử dụng bảo quản thủy hải sản. Đây là những loại hóa chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Đã có sự kết nối

Ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, tâm đắc: Vissan sẽ áp dụng cơ chế đặt hàng với các nhà khoa học để ứng dụng sản xuất thực phẩm chủ lực, thực phẩm phục vụ du lịch TP bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự kiến, công ty còn kết hợp với Viện Nghiên cứu ẩm thực VN xây dựng hệ thống tư vấn tự kiểm định chất lượng từ khâu nuôi trồng, sản xuất, chế biến đến hệ thống nhà hàng hoặc người tiêu dùng. Viện Nghiên cứu ẩm thực VN cũng là cầu nối giữa Vinacafe với ông Vũ Văn Diễn, Giám đốc quản lý chất lượng sản phẩm của Tập đoàn Starbuck (Mỹ), trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Công ty Xuất khẩu Bến Tre đã đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu phương pháp bảo quản dừa tươi phục vụ xuất khẩu.



Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường